Tin tức - Hoạt động

Nghệ thuật bài chòi cổ là di sản của miền Trung

Cập nhật lúc 09:42 05/06/2017
Hội Bài Chòi là thú vui dân gian của người dân đất võ Bình Định vào các dịp hội hè, lễ tết
       • BÀI CHÒI BÌNH ĐỊNH
 
Hội bài chòi cổ làng Ngô Xá Tây (Quảng Trị)
Hội bài chòi cổ làng Ngô Xá Tây (Quảng Trị)
      Bài chòi là một sáng tạo độc đáo giữa trò chơi với âm nhạc dân gian đặc sắc của cư dân miền Trung, nghệ thuật bài chòi phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ, là tiền thân của sân khấu kịch hát cùng tên. Sau những thăng trầm, bài chòi miền Trung đã được phục hồi ở một số địa phương. Theo kế hoạch thì Di sản này sẽ được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho kỳ xét duyệt của Unesco trong năm 2016.

​      Hội Bài Chòi là thú vui dân gian của người dân đất võ Bình Định vào các dịp hội hè, lễ tết. Bài Chòi trước hết là một cuộc chơi bài, Nhưng chắc chắn đây không phải các tụ điểm đỏ đen, sát phạt nhau bằng tiền bạc. Bài chòi là một đạng lễ hội dân gian – một trò chơi dân gian. Người chơi không ngồi trong nhà hay trên chiếu mà leo lên chòi dựng tại một bãi đất rộng nào đó để... hô, hát, và chơi bài...

​      Theo nhiều tài liệu nghiên cứu văn hóa cổ thì hội bài chòi xuất hiện trong thời kỳ các cư dân phía Bắc bắt đầu di cư vào miền Nam tìm vùng đất mới để canh tác. Theo suy đoán của các nhà nghiên cứu, lúc đầu những nông dân dựng các chòi nầy chỉ để canh rẫy, bảo vệ sản xuất, mùa màng của mình. Tuy nhiên khi nhàn rỗi hoặc cao hứng, họ đã tạo ra trò một chơi để giết thời gian, người ta đã nghĩ ra trò chơi nầy và lâu dần trở thành một loại nghệ thuận đánh bài chòi dân gian, tồn tại kéo dài đến nay như một loại di sản văn hóa cổ xưa. Đó chính là lý do loại hình trò chơi bài chòi chỉ thấy xuất hiện ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ – nơi trước đây đều là những miền đất mới được người Việt đến khai phá, canh tác và lập nghiệp.

​      Tại tỉnh Bình Định, hằng năm từ khoảng 30 tháng Chạp cho đến rằm tháng Giêng ở nhiều địa phương như huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, huyện Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn … Những nơi nầy thường tổ chức trò chơi Hội bài chòi ngày xuân. Các chòi nhỏ dựng bằng tre nứa, có cầu thang dẫn lên chòi được người dân dựng lên từ ngày 29 đến 30 Tết để có thể vui chơi từ ngày mồng một trở đi. Khoảng 02 năm trở lại đây để khôi phục một di sản phi vật thể có nguy cơ bị mai một, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định đã khuyến khích tổ chức thường xuyên Hội chơi bài chòi ở các tụ điểm văn hóa trong phạm vi thành phố Quy Nhơn và một số huyện, thị xã trong tỉnh.

​      Hội bài chòi ở Bình Định được tổ chức thành 9 chòi, các chòi bố trí theo hình chữ U. Hai dãy chòi hai bên và một chòi trung tâm. Chòi trung tâm nằm chính giữa đối diện với khán giả và được trang bị một chiếc trống chầu. Hình thức của 9 căn chòi cao khoảng 3-4 mét giống như chòi canh rẫy, chúng được trang trí bằng giấy màu và mỗi chòi đều có một chiếc mõ (hoặc) trống nhỏ để người chơi tự gõ báo hiệu trong lúc đánh bài.

​      Bộ bài được sử dụng gần giống với bộ “bài Tới”, gồm 30 lá, chia làm 3 pho có các tên gọi như: Pho văn, pho vạn và pho sách. Mỗi pho có một lá bài cầm đầu màu đỏ và 9 lá còn lại toàn màu đen, chúng có tên gọi từ “nhất” (một) đến “cửu” (chín).

​      Pho văn có 10 lá gồm: cửu điều, nhứt nọc, nhì nghèo, tam quăn, tứ móc, ngũ trượt, lục chang, thất vung, bát bông, cửu chùa.

​      Pho vạn gồm 10 lá với tên gọi là: ông ầm, nhứt trò, nhì bí, ba gà, tứ sách, ngũ đụm, sáu miễn, bảy liễu, tám miễn, chín cu.

​      Pho sách có tên là: thái tử, bạch huê, tráng hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ rún, sáu hột, bảy thưa, tám hội, chín gối.

​      Tên gọi các lá Bài Chòi nghe rất nôm na. Bên cạnh một số từ Hán - Việt dễ hiểu như: (nhất, nhị, tam...) là những danh từ thuần Việt như: chín gối, ba bụng, sáu hột... tất cả đều đượm tính dân gian, vui nhộn, trào phúng. Đó là tên gọi, còn hình vẽ trên những lá bài vừa mang tính biểu trưng bằng thủ pháp cách điệu, vừa có ý tả thực.
Trong cuộc chơi bài chòi thường có một người mang vai trò quan trọng là anh Hiệu. Anh Hiệu có nhiệm vụ chia bài cho các chòi, rút thẻ bài trong các ống tre và hô (hát) tên con bài cho các chòi nghe để đánh bài và anh Hiệu còn có trách nhiệm mang tiền và cờ giao cho chòi nào thắng cuộc sau mỗi ván. Anh Hiệu phải là người quản trò rất năng động, điều khiển cuộc chơi, làm cho Hội Bài Chòi luôn sôi động, hấp dẫn bằng tài ứng khẩu và lời hô đầy ngẫu hứng của mình về tên các lá bài mà người chơi đợi để được "ăn". Chẳng hạn khi rút trong ống tre có lá bài tên Bạch Huê, anh Hiệu liền hô:


​      Bốn mùa đông hạ xuân thu;

​      Khi búp khi nở khi xù khi tươi;

​      Chúa xuân ngó thấy mỉm cười... Uớ… là cái con Bạch Huê.

​      Còn gặp lá bài tên nhì nghèo thì anh Hiệu hô rằng:

​      "Ngày thường thiếu áo thiếu cơm,

​      đêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường... Ướ là con Nhì Nghèo…”

​      Gặp lá bài tên Ba gà thì hô: "Đi đâu bỏ cửa bỏ nhà, bỏ ba ông táo cho gà nó bươi. Uớ ba gà!..."

​      Người hô bài chòi luôn vận dụng ngôn ngữ dân gian để nói đến những từ nhạy cảm đối với người nghe hoặc vận dụng cách nói "đố tục giảng thanh" nghe hết sức thú vị mà không bị dung tục.

​      Hiện nay ở thành phố Quy Nhơn, trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, nằm đối diện khu Siêu thị Co.opmart có một khu vực dành riêng cho trò chơi dân gian hô bài chòi được tổ chức vào các ngày cuối tuần. Ngày xuân du khách đến thăm chợ Gò Tuy Phước – một năm nhóm một lần sẽ dược mời tham dự Hội bài chòi dân gian đầy lý thú, hấp dẫn và không kém phần hồi hộp như khi xem một trận bóng đá vậy. Người xem hội bài chòi được hòa mình vào sự hồi hộp, vui nhộn và thưởng thức các giai diệu dân ca miền Trung độc đáo trong suốt cuộc chơi.

​      • HÔ (HÁT) BÀI CHÒI

​      Đoàn Dân ca kịch bài chòi Bình Định có trụ sở năm trên đường Nguyễn Thái Học, thành phố Quy Nhơn hiện đang sở hữu hàng chục làn điệu bài chòi vừa tân vừa cổ rất độc đáo. Theo các nhà nghiên cứu bài chòi thì các làn điệu điệu bài chòi cổ được sinh ra từ các hội đánh bài chòi miền Trung từ xa xưa. Từ cách hô phôi thai để đánh bài trên chòi, điệu “bài chòi cổ” khi lên sân khấu hiện đại đã được các nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp phát triển thêm và đó là điều kiện để hình thành các giai điệu bài chòi mới ngày nay như các làn điệu “Xuân nữ mới”; “Xàng xê dựng”; “Xàng xê lụy”; “Cổ bản” và “hò Quảng”...
 
Hội bài chòi dân gian Bình Định
Hội bài chòi dân gian Bình Định

​      Tuy nhiên do sáng tác ngẫu hứng từ sinh hoạt hội hè của quần chúng, nên điệu bài chòi cổ thường mang đậm nét dân gian. Nó có khá nhiều ưu điểm mà các điệu bài chòi mới sau này không sao sánh kịp. Nói về tính chất tự sự, kể chuyện thì giai điệu bài chòi cổ đủ sức chuyển tải những câu chuyện dân gian dài như “Lâm Sanh Xuân Nương”; “Thoại Khanh Châu Tuấn”... Trong tính cách nhân vật thì bài chòi cổ thể hiện khá phong phú chất hài, hề, bi, lụy. Chẳng hạn câu hô bài chòi sau đây:

​      Tôi cứ tưởng Kinh Thượng một lòng, giáo gươm một bụng.

​      Vậy mà họ cầm dao, cầm súng, ném đá giấu tay.

​      Trời cao, trời hỡi (mà) có hay,

​      Đất này, có thấu, lòng này (ôi)...xốn xang.

​      Hoặc trong vở “Lâm Sanh Xuân Nương” bà Tiều sau một năm gả con cho Lâm Sanh, nhớ thương con, liền lần mò đến thăm nhưng người mẹ chồng độc ác không cho gặp. Bà đã khóc than bằng điệu “xàng xê cổ”, đẩy tính bi kịch lên cao:

​      “Nhớ con mẹ đâu quản (quản) đường dài

​      Bước đi khấp khởi, tưởng lâu ngày (ngày) gặp con.

​      Con đi gần một năm tròn.

​      Ruột tầm đứt đoạn, héo hon tháng ngày…

​      Ngoài những ưu điểm nói trên người diễn viên khi hô bài chòi cổ thường có dặc điểm là nhả từng câu, từng chữ và lặp từ. Nhạc nhồi theo từng câu hát của diễn viên rất êm, gây hiệu quả hấp dẫn cho người nghe.

​      Bài Chòi cổ, tự thân nó đã mang nhiều ưu điểm. Ngày xưa khi sân khấu bài chòi còn ở dạng sơ khai, các đoàn nghiệp dư chỉ cần một điệu bài chòi cổ đã có thể diễn những vở kịch dân gian dài mà người xem không cảm thấy chán.

​      Ở Bình Định trước kia có rất nhiều gánh hát bài chòi cổ nghiệp dư, tuy nhiên dần bị mai một, giải tán. Chỉ còn gánh hát “Bà Lợi” ở huyện Hoài Nhơn, nhưng do sự khó khăn về tài chính của loại hình sân khấu truyền thống, cuối cùng gánh hát bài chòi “Bà Lợi” cũng giải thể. Rất may vài năm gần đây Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Bình Định đã tổ chức nghiên cứu đề tài Phục hưng nghệ thuật bài chòi cổ trên phạm vi một số địa phương như huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn …
 
Thông tin khác:
Đại hội đại biểu những người Công giáo huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), nhiệm kỳ 2017 – 2022 (05/06/2017)
Tiếng gọi từ giáo phận truyền giáo Lạng Sơn-Cao Bằng (02/06/2017)
Phụ huynh Công giáo làm gì cho con mùa hè? (02/06/2017)
Những bổ nhiệm quan trọng trong giáo phận Rôma (02/06/2017)
Người Công giáo Lào vui mừng có vị hồng y đầu tiên (01/06/2017)
Ban hành giáo giáo hạt Đông Nam, Phú Thọ khai mạc tuần thường huấn (01/06/2017)
Phép Lạ Mặt Trời Nhảy Múa 100 Năm Trước Tại Fatima 13/10/1917 (25/05/2017)
Điện thoại di động và việc tham dự Thánh Lễ (25/05/2017)
Nếu đã từng thấy hỏa ngục, bạn còn cười được không? (24/05/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log