Tin tức - Hoạt động

Nhà hàng lo phục hồi sau giãn cách

Cập nhật lúc 06:25 30/11/2021
Dù các điều kiện kinh doanh được nới lỏng, nhưng để phục hồi làm ăn, các nhà hàng ẩm thực đang phải đối diện với bài toán khó về duy trì hoạt động kinh doanh và thích ứng với tình hình mới.
Hàng quán mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
Hàng quán mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống người dân trở lại “bình thường mới”. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã được phục vụ khách hàng tại chỗ nhưng người dân vẫn phải “sống chung với dịch bệnh” nên vẫn còn tâm lý quan ngại dịch bệnh và hạn chế tiếp xúc gần. Trong bối cảnh ấy, hoạt động của các nhà hàng vẫn chưa thể khởi sắc. Anh Trần Văn Thái (giáo dân xứ đạo Bình Thuận) là chủ nhà hàng Thái Mơ cho biết: Nhà hàng đã triển khai thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định, nhưng thực tế lượng khách hiện nay chỉ bằng 30% so với giai đoạn trước khi thành phố bùng phát dịch, trong khi tiền mặt bằng vẫn phải thanh toán bình thường. Để giảm bớt khó khăn, anh Thái dự tính thu hẹp quy mô kinh doanh bằng cách cắt bớt một cơ sở của nhà hàng, nhượng lại một phần cho đơn vị khác kinh doanh đồ ăn mang về. “Mặc dù mở quán bán trở lại từ tháng 10/2021 nhưng đến nay thực khách chỉ loáng thoáng trở lại. Giải pháp chia sẻ mặt bằng kinh doanh sẽ giảm được 35% chi phí thuê mặt bằng”, anh Thái cho biết.

Với anh Trần Quý Nhất, một giáo dân từ Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp bằng quán Cafe Nhất, kết hợp đồ ăn nhẹ (gần trường Đại học Quốc gia Hà Nội), số tiền thuê mặt bằng gần 600 triệu đồng/năm cũng là gánh nặng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay. Anh Nhất cho biết, quán đóng cửa gần nửa năm, vừa hoạt động trở lại nhưng vắng vẻ. Khi tạm dừng hoạt động, tiền mặt bằng vẫn phải trả đều. Bên cho thuê mặt bằng chỉ đồng ý hỗ trợ bằng cách khuyến mại thêm thời gian thuê chứ không giảm trừ tiền đã thanh toán, hay giảm giá đã kí trong hợp đồng. Theo quy định phòng dịch, quán hoạt động không quá 50% công suất chỗ ngồi, đảm bảo giãn cách. Nhưng thực tế, lượng khách đến quán chỉ đạt khoảng 1/3 công suất, buổi tối là thời điểm đông khách hơn cũng không được 50% công suất.

Nhu cầu thị trường giảm như hiện nay, không riêng gì nhà hàng Thái Mơ, Cafe Nhất, mà rất nhiều chuỗi nhà hàng ẩm thực có thương hiệu đã cắt giảm diện tích cửa hàng, thậm chí là bỏ mô hình diện tích lớn để đầu tư mô hình diện tích nhỏ, đồng thời tinh gọn bộ máy vận hành để phù hợp với xu hướng tiêu dùng sau giãn cách phòng chống dịch. Dù các địa phương đã nới lỏng điều kiện kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch bệnh, nhưng hầu hết chủ nhân của các chuỗi nhà hàng chưa mở lại hết công suất nhà hàng, bởi thực tế doanh số những ngày qua chỉ đạt từ 30-40% so với trước dịch. Dù một số chủ nhà đã đồng ý giảm 20-30% giá mặt bằng nhưng chi phí mặt bằng vẫn rất cao so với doanh số. 

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam Lê Tân, việc vận hành hiệu quả các cửa hàng ăn uống thời điểm sau giãn cách đang là bài toán không dễ dàng. Dù chủ nhà hàng đã chủ động, linh hoạt thích nghi với các điều kiện kinh doanh mới, nhưng giai đoạn giãn cách xã hội đã thúc đẩy thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nếu như năm trước, sau giờ làm việc, nhiều người thường gặp nhau giao lưu bên cốc bia, chén rượu thì nay thói quen ấy như đã bị “nhấn chìm” bởi nhiều tháng giãn cách xã hội.

“Hiện tại, các đơn vị kinh doanh ẩm thực có thể ví như “thiếu oxy để thở”. Bởi trong gần 2 năm qua (2020 - 2021), cộng đồng xã hội gần như đứng yên tại chỗ, kinh tế đang bị bào mòn. Xu hướng tiết kiệm, siết chặt chi tiêu ảnh hưởng nhiều đến nhà hàng, ẩm thực và du lịch. Trong bối cảnh ấy, các cơ sở kinh doanh đành phải trông chờ vào sự phục hồi dần dần của thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và các gói kích cầu kinh tế của Chính phủ phát huy tác dụng”, ông Tân nói.
 
AN LUÝCH
Thông tin khác:
Đổi thay ở thôn Cồn Sẻ (30/11/2021)
Triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư và Chương trình sức khỏe cho người di cư Việt Nam (27/11/2021)
Thủ tướng: Tháo gỡ vướng mắc, sản xuất bằng được vaccine trong nước (28/11/2021)
Phòng, chống Covid-19: Thay đổi cách phân vùng nguy cơ (28/11/2021)
Thêm 216,4 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (27/11/2021)
Toà Thánh tổ chức Hội nghị về xoá bỏ lao động trẻ em (23/11/2021)
Thủ tướng: Sớm ban hành quy định cách ly người đã tiêm vaccine đủ 2 mũi (22/11/2021)
Tự vệ để bảo vệ (22/11/2021)
Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tại lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid - 19 (21/11/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log