Quang cảnh chùa Ba Vàng. Ảnh: Thanh Nghị |
Chuyện gì đã xảy ra ở chùa Ba Vàng? Chùa Ba Vàng nằm trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh. Chùa còn có tên là “Bảo Quang tự”, thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử.
Được biết chùa Ba Vàng trong lịch sử trước kia chỉ là một ngôi chùa gỗ nhỏ trên núi, xuất hiện cách nay vài trăm năm. Cách đây hơn 10 năm, chùa được xây dựng lại với giá vài trăm tỷ đồng, tọa lạc trên một khu đất rộng, nghe nói vài chục nghìn mét vuông. Nằm trong hệ thống khu tâm linh Yên Tử, chùa tụ hội nhiều phật tử, nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến vãn cảnh, chiêm ngưỡng và cúng Phật.
Từ vài năm nay, chùa Ba Vàng nổi tiếng thêm với một hoạt động gọi là “Thỉnh vong giải nghiệp”. Đã thành một hoạt động chuyên nghiệp, mỗi tháng chùa tổ chức ba đợt (mỗi đợt 2 ngày) lễ “thỉnh vong giải nghiệp”, thu hút hàng ngàn người mỗi đợt. Nội dung cơ bản của “pháp thỉnh oan gia trái chủ” là: mọi xui xẻo, tai họa, bệnh tật của mỗi thí chủ, mỗi gia đình đều bởi oan hồn gây ra. Muốn thoát nạn thì phải trả nợ cho vong từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, có thể vài trăm triệu “theo yêu cầu của vong”, thông qua việc công đức vào nhà chùa; muốn có “phước báu” phải “cúng dường Tam Bảo” bằng tiền, bằng công quả. Mà Phật tử muốn tránh tạo thêm “nghiệp” thì phải chọn nơi “thanh tịnh” như ngôi chùa này… Bằng luận điệu ấy, mỗi năm hàng vạn “tín chủ” mắc bệnh mê tín dị đoan đã trở thành con mồi cho những kẻ “buôn thần bán thánh” trục lợi, thu về hàng trăm tỷ đồng.
Được biết, sư trụ trì chùa Ba Vàng là Đại đức Thích Trúc Thái Minh, từng là giảng viên trường Đại học Kinh tế quốc dân, có “tài năng kinh doanh”, rất biết khai thác “mỏ vàng” là sự mê tín dị đoan của số đông phật tử. Vị sư này còn biết nhằm vào “nguồn khách hàng tiềm năng” là sinh viên các trường đại học, thường tổ chức cho sinh viên đến nghe giảng miễn phí, cấp thêm tiền thuê xe, bữa ăn trưa. Việc các sinh viên bị cuốn vào đây là rất tai hại. Giáo lý nhà Phật mang tính nhân văn, giáo dục đạo lý đã bị lợi dụng triệt để….
Trả lời về chuyện có hay không việc thỉnh vong trong giáo lý nhà Phật, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhắc lại học thuyết của Phật giáo về duyên, nghiệp, chuyển nghiệp,… Theo đó, không hề có chuyện thỉnh, giải “oan gia trái chủ” như các sư chùa Ba Vàng đã tuyên truyền.
Ngày 26/3/2019, sau khi lắng nghe ý kiến dư luận và xem xét nhiều mặt của sự việc, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) kết hợp với các cơ quan liên quan, bước đầu đã đưa ra những ý kiến thống nhất như sau: Thứ nhất, việc chùa Ba Vàng tổ chức lễ thỉnh vong, giải oan gia trái chủ, chữa bệnh cho người dân và phật tử có nhu cầu, trong nghi thức này có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp và quy định việc người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ buộc phải “trả nợ” bằng tiền do vong yêu cầu là không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống. Việc đại đức trụ trì chùa Ba Vàng cho phật tử Phạm Thị Yến đăng đàn thuyết pháp tại chùa là việc làm sai trái và chùa Ba Vàng phải chấm dứt việc tổ chức lễ thỉnh oan gia trái chủ.
Thứ hai: Các thành viên Ban Trị sự GHPGVN và GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã thừa nhận việc buông lỏng quản lý tăng sư tại chùa Ba Vàng và khẳng định: Đại đức trụ trì và chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến chương GHPGVN, làm ảnh hưởng đến thanh danh của Giáo hội Phật giáo và tăng đoàn.
Thứ ba: Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội khu vực phía Bắc đã đề xuất lên Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN lập tức ra quyết định tam đình chỉ tất cả chức vụ trong GHPGVN của đại đức trụ trì chùa Ba Vàng và quyết định vị đại đức này bắt buộc phải sám hối trước tăng đoàn.vv..
Chưa hết, nhiều ý kiến từ các cơ quan chuyên môn và dư luận Phật tử, dư luận nhân dân còn đề nghị: sự việc chùa Ba Vàng còn được nhìn dưới góc độ hình sự, vi phạm pháp luật, trong đó có việc tuyên truyền mê tín dị đoan và việc thu tiền “vong yêu cầu” là hành vi có tính chất lừa đảo, chụp giật, coi thường pháp luật, chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp…
Dư luận còn đưa ra ý kiến: cần xem xét lại việc chùa Ba Vàng phát triển quá rộng lớn, chiếm dụng đất rừng phòng hộ và cần xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Sự việc chùa Ba Vàng sẽ còn được dư luận quan tâm và chắc rằng còn nhiều việc để bàn, “xem hồi sau sẽ rõ”.
Còn những “chùa Ba Vàng” khác? Nhưng từ câu chuyện chùa Ba Vàng, dư luận nhân dân còn đặt ra vấn đề “còn nhiều chùa Ba Vàng” khác và cần có một cách nhìn thấu đáo về một “hiện tượng xã hội” khá phổ biến hiện nay: đó là hiện thượng đổ xô đi xây chùa, thi nhau xây chùa lớn và đặc biệt là hiện tượng “kinh doanh tâm linh”, “buôn thần bán thánh”, kích động mê tín dị đoan xảy ra khắp nơi.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ III (trước Công nguyên). Đồng bằng Bắc bộ với nền văn minh lúa nước, đã sẵn lắm những từ bi, hỉ xả, đã đón nhận đạo Phật một cách thiêng liêng và nồng nhiệt. Đạo Phật phát triển vì nó phù hợp với tâm linh và nền văn hiến nghìn đời của dân tộc Việt. Chùa thờ Phật được dựng lên ở khắp các làng thôn, góp phần tạo nên một thiết chế hoàn thiện cho các làng quê Việt.
Việc thực thi Phật pháp từ những vị sư chân tu cùng vẻ đẹp cổ kính của những ngôi chùa làng đã góp phần làm nên vẻ đẹp bình yên và tạo nét đặc sắc của cố hương mỗi người, góp phần tạo nên văn hóa Việt.
Nghiên cứu đạo Phật, người ta thấy: Với Phật giáo, nếu hiểu đúng Chính pháp thì phải thấy đạo Phật là đạo cứu khổ bằng tuệ giác, chứ không phải cầu xin. Đức Phật là người giác ngộ, chỉ ra con đường thoát khổ, chứ không phải cứu người bằng phép thần thông. Người đến chùa là phải đến bằng tâm phật, “làm lành, lánh dữ”, tin vào nhân quả để vượt qua những điều xấu, điều ác, tìm đến những điều lành, thiện… Vì vậy, có thể gọi hiện tượng “buôn thần bán thánh”, lợi dụng cửa Phật để “đánh quả” như hiện nay xảy ra ở nhiều nơi là hiện tượng “mạt pháp” rất đáng báo động. Sự lệch lạc này nếu không được sửa chữa, ngăn chặn sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Đạo Phật là một trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam, luôn đồng hành cùng dân tộc, đã góp phần làm nên nền văn hiến xứ Việt. Việc chấn chỉnh những hiện tượng sai trái như ở chùa Ba Vàng và một số chùa khác không chỉ góp phần làm trong sạch lại đạo Phật, bảo vệ chính sách “tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân” của Nhà nước, bảo vệ pháp luật và quyền lợi chính đáng của Phật tử cũng là của nhân dân.
Bảo vệ sự trong sáng của đạo Phật truyền thống cũng là bảo vệ tâm linh và nền văn hiến nước nhà!