Đông đảo bà con có đạo ở Bình Lâm, Hiệp Đức tham gia trồng cây xanh trên các tuyến đường để tạo cảnh quan. Ảnh: CTV |
Thực hiện Chương trình phối hợp nói trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường và các tổ chức tôn giáo ký kết, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường tại cơ sở.
Tại huyện Núi Thành, để phát huy vai trò của các vị chức sắc, chức việc và đồng bào các tôn giáo trong việc chung tay bảo vệ môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Núi Thành đã ký kết chương trình phối hợp với UBND thị trấn và các tôn giáo trên địa bàn. Từ chương trình phối hợp, Mặt trận Tổ quốc thị trấn cùng với chùa Long Quang xây dựng và ra mắt mô hình điểm “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường”, “Ngày chủ nhật xanh”. Theo đó, các thành viên trong tổ thực hiện nội dung cam kết: có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung, tham gia góp ý và phản ánh kịp thời về trường hợp làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường; bỏ rác đúng nơi quy định, quản lý thùng rác theo từng hộ, nộp lệ phí thu gom rác đủ và đúng thời gian quy định. Từ mô hình điểm này, đến nay, toàn huyện Núi Thành đã có 10/17 xã, thị trấn trên địa bàn ký kết với các cơ sở thờ tự thực hiện chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rác thải nhựa
Tại huyện Phú Ninh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các chức sắc tôn giáo hướng dẫn, vận động nhân dân, đồng bào theo đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang; xây dựng khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, tuyến đường hoa, tổ chức thu gom rác thải tại khu dân cư, thực hiện không hút thuốc lá trong đám tang; không cử nhạc tang trước 5 giờ sáng và sau 22 giờ đêm… Vào cuối tuần, tại các khu dân cư, các tín đồ tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động làm sạch, đẹp cảnh quan môi trường, như phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh công cộng, thu gom rác thải, trồng hoa và cây xanh dọc hai bên lề đường giao thông, khu vực sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, các tín đồ cũng tự nguyện tham gia mô hình và ký bản cam kết tham gia thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp trên các cánh đồng; tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường và chăm sóc cảnh quan nơi sinh sống; xây dựng hầm, hố xử lý nước thải sinh hoạt; tố giác các đối tượng có hành vi gây ô nhiễm môi trường…
Tại Tp. Hội An, Ban trị sự Phật giáo Hội An vận động phật tử nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường “xanh - sạch - đẹp” của thành phố. Mỗi chùa nhận một đoạn đường để chăm sóc, giữ vệ sinh môi trường. Gia đình phật tử tham gia dọn các đoạn đường để đem lại cảnh quan sạch sẽ. Vào dịp đại lễ Phật đản, Ban trị sự Phật giáo Hội An đã tổ chức diễu hành xe đạp tham gia phong trào bảo vệ môi trường đi qua các đường phố với hàng trăm người tham gia. Đến nay, Hội An đã có các mô hình tôn giáo bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả thiết thực, như “Đoạn đường tự quản”, “Nói không với túi ni lông”.
Theo đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam, qua thực hiện Chương trình phối hợp, uy tín của các vị chức sắc, chức việc đã được phát huy để tuyên truyền, vận động bà con theo các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường. Nhiều tổ chức tôn giáo đã đưa nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động tôn giáo. Một số địa phương đã lồng ghép nội dung tôn giáo bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt khu dân cư, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Qua đó thu hút nhiều người dân tại các khu dân cư, xứ đạo tham gia ký cam kết bảo vệ môi trường. Sự tham gia của các vị chức sắc tôn giáo và hưởng ứng tích cực của đông đảo bà con giáo dân đã làm lan tỏa các thông điệp về môi trường, đưa các chính sách pháp luật về môi trường vào đời sống thực tế, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong cộng đồng.