Ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương hội kiến Đức Giáo hoàng Phanxicô |
Đức Thánh Cha Phanxicô và ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam rưởng Ban Đối ngoại Trung ương cùng phái đoàn Việt Nam, tại Vatican ngày 18/1. |
Đoàn cũng đã có cuộc gặp với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và Đức Tổng Giám mục Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa Thánh Paul Callagher. Sau cuộc gặp, Đức Tổng Giám mục Paul Callagher cho biết, ngài sẽ sang thăm Việt Nam vào tháng 4 này, và có thể Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin sẽ sang thăm Việt Nam trong thời gian sau đó. Đây cũng có thể được xem là những chuyến thăm mở đường cho Đức Thánh Cha sang thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, tiếp phái đoàn Việt Nam. |
Bên lề cuộc gặp với giới truyền thông, Đức Tổng Giám mục Paul Callagher nhận định: “Việt Nam là một quốc gia ngày càng quan trọng trong khu vực, về nhiều mặt được xem như là một phép lạ, đặc biệt là về mặt kinh tế. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với nhiều cường quốc trên thế giới. Cuộc gặp gỡ này thể hiện một sự đổi mới hoàn toàn của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Ngài cho biết Vatican mong muốn quan hệ với Việt Nam ngày càng được tiến triển hơn nữa.
Về việc Đức Thánh Cha qua thăm Việt Nam hay không, Đức Tổng Giám mục Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Paul Callagher cho biết: “Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ diễn ra, nhưng có một vài bước cần được thực hiện trước khi cuộc viếng thăm trở thành thích hợp. Đức Thánh Cha rất muốn đi và chắc chắn cộng đoàn Công giáo Việt Nam cũng rất muốn Đức Thánh Cha đến thăm và đó sẽ là một sứ điệp rất đẹp cho Giáo hội Công giáo Việt Nam và cho cả toàn khu vực”.
Trong thư gửi cộng đồng Công giáo Việt Nam, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Các tín hữu Công giáo có thể nhận ra đầy đủ căn tính của mình bằng cách trở thành người tín hữu Kitô tốt và người công dân tốt”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng. |
Sau năm 1975, Chính phủ Việt Nam bắt đầu mối quan hệ với Vatican, từ năm 1989, khi chuyến thăm Việt Nam của Đức Hồng y Etchegaray, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh Vatican, khởi đầu cho việc đặt nền tảng quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam. Từ tháng 11 năm 1990 đến năm 2008, Việt Nam và Vatican đã có 17 cuộc họp và làm việc để trao đổi về những hoạt động liên quan đến tôn giáo. Từ năm 2009, hai bên đã thành lập Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mỗi bên làm Trưởng đoàn, qua 10 vòng Đàm phán đã đạt được kết quả tốt đẹp cho ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican, đó là đã ký kết thỏa thuận về “Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”. Ngày 23/12/2023, Tòa Thánh Vatican đã chính thức đặt Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện thường trú đầu tiên tại Việt Nam.
Từ năm 2007, lần đầu tiên tại Tòa Thánh Vatican, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI đã có buổi tiếp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; năm 2009 với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng năm 2014; Chủ tịch nước Trần Đại Quang năm 2016; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình năm 2018. Đặc biệt chuyến thăm Tòa Thánh Vatican của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013 được xem như là một tiền lệ, vì có thể nói chưa bao giờ có một vị Giáo hoàng của Tòa Thánh tiếp bất cứ một vị lãnh đạo đảng phái nào trên thế giới. Chính cuộc gặp gỡ của Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên một nền tảng vững chắc trên bình diện quan hệ ngoại giao của Việt Nam -Tòa Thánh Vatican. Tháng 7/2023 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có chuyến thăm và làm việc tại Tòa Thánh Vatican; hội kiến với Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Chuyến đi của Chủ tịch nước đã mang lại kết quả tốt đẹp cho Việt Nam và Vatican, cách riêng cho Giáo hội Công giáo Việt Nam. Như nhận định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Người Công giáo Việt Nam mới đây: “Có thể coi đây là dấu mốc tiên khởi cho việc thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Vatican”.