Kèn trumpet khổng lồ trong vườn Ave Maria. Ảnh: CTV |
Những hiện vật lạ lùng Chúng tôi tìm đến đây khi nghe bạn bè giới thiệu về một hiện vật khá lạ lùng "nữ nhân chung" - quả đại hồng chung mang dáng hình người phụ nữ.
Quả chuông nằm phía góc trái của vườn Ave Maria, không chỉ độc đáo bởi có hình dáng cô gái mà đặc biệt là tiếng chuông rất lạ, nhất là khi đánh ở hai đầu vú!". Đúng là trăm nghe không bằng một thấy và trăm thấy không bằng một... gõ.
Chuông được giới thiệu cao hơn 2m, nặng gần 1 tấn. Đứng trước chuông mà như đang ngắm bức tượng của một cô gái phương Tây rất sinh động.
Khuôn mặt hồn hậu, thanh thoát, đầu đội mũ vành kiểu Tây trang trí hoa ly cách điệu với mái tóc xoăn mềm mại và đôi vú mọng căng, hai tay kê trước bụng dưới. "Một sự kết hợp diệu kỳ và quá thú vị" - anh bạn kiến trúc sư đi cùng thốt lên khi quan sát và phân tích kỹ lưỡng chiếc chuông.
Phía trên đầu cô gái là phần quai với con bồ lao hình rồng 4 móng. Thân chuông được phân thành bốn "ô hộc" đúng theo lối truyền thống cùng các loại hoa văn kỷ hà trang trí. Những mảng chạm nổi hình rồng và muông thú kết hợp hoa văn dây và đường uốn lượn của vành chuông cũng đồng thời trang trí cho tà váy xòe rất sinh động của cô gái.
Một điều đặc biệt nữa, ngoài bốn núm để đánh đúng kiểu đại hồng chung truyền thống, đôi bầu vú cũng là nơi đánh chuông với thanh âm vang dài, khác biệt, rất lạ tai...
Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tiếp tục khám phá hàng loạt nhạc khí vĩ đại trong sân.
Đó là cây kèn trumpet được giới thiệu "lớn nhất Đông Dương", dài 5,2m ở gần đó. Thấy chúng tôi tần ngần, người lao công gần đó bảo: "Thổi được thì các chú cứ tự nhiên, lấy hơi mà thổi". Anh bạn dồn hơi, dùng hết sức bình sinh thổi vào miệng kèn và tiếng kêu phát ra khá lớn.
Cách đó không xa là tượng một cô gái đang gảy đàn harp trông rất cổ xưa ngồi trên bệ tròn hình trống đồng cũng thật cuốn hút. Rồi bộ cồng chiêng lớn, đường kính gần 1,5m, nặng đến 3 tạ nằm gần một bộ chuông gió khổng lồ phát ra âm thanh sinh động theo làn gió đung đưa...
Trong vườn Ave Maria, người xem cũng thích thú bởi cỗ tràng hạt rất lớn, nặng đến 2,2 tấn, mỗi viên làm bằng đá cẩm thạch trắng tròn được giới thiệu nặng 25kg và một dãy nến bảy cây cao đến 10m...
Ngôi giáo đường cổ kính Khi tham quan Bùi Chu, công trình không thể bỏ qua đó là nhà thờ chính, nằm giữa một khoảng sân và mặt nước thoáng rộng. Kiến trúc nhà thờ cổ kính, sơn màu thổ hoàng lợp ngói tuyệt đẹp, quy mô to lớn, dài 78m, rộng 22m và cao 15m với đôi tháp chuông hai bên cao 35m.
Trên cửa chính của công trình khắc rõ năm hoàn thành 1885, đến nay đã 133 năm tuổi, thuộc hàng quy mô và sớm bậc nhất trong các nhà thờ cổ ở Nam Định.
Theo các nhà chuyên môn, giáo đường này có lối kiến trúc Barôc (Baroque) khá đặc trưng. Phong cách kiến trúc phương Tây này cũng được thể hiện rõ nét hơn ở nội thất lộng lẫy bên trong.
Đó là hai hàng cột gỗ lim to lớn, chống đỡ mái vòm nối kết ba hình "ôvan" tạo nên một không gian có nhịp điệu, sinh động. Sự nguy nga, tráng lệ ở phần nội thất còn được tạo nên bởi những mảng chạm khắc tinh xảo và sơn son thếp vàng lộng lẫy, kèm theo những bàn ghế, đồ thờ, cổ vật rất quý giá...
Điều đáng lưu tâm hơn cả là chiếc đồng hồ xưa đang hoạt động tốt, nằm trên ngôi tháp cao chừng 10m ngay sau nhà thờ, cạnh chiếc cổng thông sang tòa giám mục.
Người ta cho biết rằng chiếc đồng hồ do Pháp sản xuất riêng cho nhà thờ này vào năm 1922, đồng thời là năm xây dựng ngôi tháp; mặt số còn đề chữ F.Farnier - Robecourt.
Cơ chế hoạt động của bộ máy đồng hồ rất đáng để khám phá: kích thước máy chừng 120x70cm, hoạt động bằng sức nặng của ba quả tạ, mỗi quả nặng chừng 50kg.
Người ta "lên dây" bằng cách kéo tời cho ba quả tạ lên sát đỉnh tháp, tạo năng lượng cho đồng hồ hoạt động trong bảy ngày rồi lại "lên dây" tiếp. Người ta cũng thường điều chỉnh độ dài ngắn của con lắc để điều tiết sự nhanh chậm do nhiệt độ các mùa làm co giãn vật liệu.
Gắn liền với bộ máy là hai quả chuông điểm giờ giấc. Quả lớn hơn đường kính chừng 70cm phát ra nốt đô, điểm cách giờ với số tiếng đúng với số của giờ.
Còn quả nhỏ đường kính chừng 65cm phát nốt rê, điểm mỗi lần cách nhau 15 phút. Người dân Bùi Chu cho hay trong suốt gần 100 năm hoạt động, ngoài thời điểm kéo tời, giờ của đồng hồ luôn được điểm đúng...