Tin tức - Hoạt động

Phong tục đón tiếp khách thười Đức Giêsu

Cập nhật lúc 11:17 31/10/2019
Khi nghiên cứu Kinh Thánh cũng như sứ điệp Tin Mừng của Đức Giêsu, cần đặt nhiều phần khác nhau trong Kinh Thánh vào bối cảnh phong hóa, lịch sử cụ thể để các tác phẩm này nói lên tiếng nói của mình trong bối cảnh của riêng mình. Đây là nguyên tắc căn bản của phương pháp phê bình Kinh Thánh. 
Một trong những truyền thống tốt đẹp thể hiện lòng bác ái khởi nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa, qua Tổ phụ Ápraham và truyền đến các thế hệ dân tộc Dothái đó là lòng hiếu khách. Đối với người Dothái, lòng hiếu khách là một nhiệm vụ thánh. Họ tin rằng, mỗi người khách đều do Đức Chúa Trời sai đến. Người Dothái có câu châm ngôn: “Tất cả người xa lạ là những vị khách quý”. Ai bỏ truyền thống này, sẽ bị xem là mất bản sắc Dothái, và sẽ bị cộng đồng khinh dể, thậm chí xa lánh. 

Trong Cựu Ước, khi Ápraham đang ngồi ở cửa lều, thấy có ba người đứng gần ông. Ông liền chạy ra đón khách, sụp lạy, cung kính mời họ ghé thăm, lấy nước rửa chân cho khách. Ông “vội vã” tìm và nói với vợ ông là bà Xara làm bánh, còn ông chuẩn bị bê mềm, sữa chua, sữa tươi đãi khách. Khi khách dùng bữa, ông đứng hầu dưới gốc cây (x. St 18,2-8). Cung cách đón tiếp khách của Ápraham trở thành biểu tượng và khuôn mẫu cho lòng hiếu khách của người Dothái, mặc dù có những biến đổi theo thời gian. Khi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu cũng rất đề cao lòng hiếu khách, và coi đó như một trong những điều kiện để hưởng Vương Quốc được dọn sẵn từ thuở tạo thiên lập địa; đồng thời kết án những kẻ ngoảnh mặt với “khách lạ”, là không đón tiếp chính Chúa: “Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước” (x. Mt 25,31-45). Thời Đức Giêsu, việc đón tiếp khách của chủ nhà gồm: chào đón, hôn, rửa chân, xức dầu và đãi tiệc.

Khi một người khách vào nhà, người chủ cúi đầu chào, đôi khi quỳ gối. Sau đó, ông chào đón mỗi người bằng một cái hôn. Chủ nhà đặt tay phải lên vai trái của người khách và hôn lên má phải của khách; sau đó, đặt tay trái lên vai phải và hôn lên má trái. Thời Đức Giêsu, hôn là hình thức chào mừng phổ biến thể hiện sự hân hoan và tôn trọng giữa những người đàn ông. Đức Giêsu khiển trách Simôn người Pharisêu: “Ông đã chẳng hôn tôi một cái” (Lc 7,45). Tuy nhiên, một hành động lịch thiệp cũng sẽ mất đi ý nghĩa tốt lành khi người thực hiện với tà ý (Giuđa Ítcariốt nộp Thầy mình bằng cái hôn chỉ điểm - x. Lc 22,48). 

Sau khi được đón chào, khách sẽ cởi dép của mình (người nghèo thường đi chân không). Người đầy tớ của chủ nhà sẽ đem đến một chậu nước để rửa bàn chân cho khách. Người Dothái thực hiện nghĩa cử này không chỉ nhằm đảm bảo vệ sinh, mà còn thể hiện sự trọng vọng của chủ nhà với khách. Việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly (x. Ga 13,5) là hành vi thánh thiêng, có giá trị thanh tẩy như hành vi rửa tội; đồng thời dạy cho các môn đệ bài học về khiêm nhường, luật yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Công việc tiếp theo của chủ nhà là xức dầu lên đầu của khách. Đây là một nghi thức phổ thông của người Dothái, tỏ dấu hiệu tôn trọng của chủ dành cho khách. Không xức dầu là dấu hiệu của tang chế (x. Đn 10,2-3), hoặc thiếu tôn trọng đúng đắn (như cách hành xử của Simôn người Pharisêu đối với Chúa Giêsu - x. Lc 7,46). Dầu đổ trên đầu được đựng trong một chiếc bình cao cổ hoặc một cái sừng. Dầu Ôliu nguyên chất được sử dụng phổ biến, đôi khi được trộn với hương liệu. Dầu này có tác dụng xoa dịu cho khách khi bước vào nhà tránh cái nóng của mặt trời xứ Paléttin. Đavít đã nói về sự tươi mát hân hoan khi được xức dầu: “Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm” (Tv 23,5). 

Khi gia chủ đã chuẩn bị xong bàn tiệc, khách cùng chủ sẽ ngồi ăn trên thảm hoặc một đi văng bằng cách thả chân xuôi theo mình. Trong khi ăn uống, chủ và khách có thể trò truyện về nhiều chủ đề khác nhau. Khi khách ra đi và có hành trình xa, gia chủ phải chuẩn bị lương thực và nước uống cho khách trong vài ngày đường sắp tới.

Qua những nét phác thảo về phong tục đón tiếp khách thời Đức Giêsu, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về một nghĩa cử thể hiện tình bác ái huynh đệ. Đón tiếp khách là thực thi luật yêu thương. Phục vụ khách với tâm tình khiêm hạ là con đường “nghèo khó” để có thể nên hoàn thiện, và sở hữu Nước Trời (x. Mt 5,3).
 
Tôma Vũ Văn Hiếu
Thông tin khác:
Giáo họ An Lộc (30/10/2019)
Đan Phượng: Lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước (30/10/2019)
Tự sắc thay đổi tên gọi Văn khố Bí mật Vatican (30/10/2019)
Thoả thuận khôi phục hai nhà thờ lâu đời ở Mosul (Iraq) (24/10/2019)
Nhà xuất bản Vatican tham gia Hội chợ sách Frankfurt (24/10/2019)
THĐGM Amazon: cập nhật tuần cuối (24/10/2019)
Đề nghị tuyên phong thánh Gioan Phaolô II làm tiến sĩ Hội Thánh (24/10/2019)
ĐTC gởi sứ điệp đến Hiệp hội Hàng hải Kitô giáo Quốc tế (24/10/2019)
"Rồng bay" công phu trên phố đi bộ (22/10/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log