Tin tức - Hoạt động

Sứ mạng người Kitô hữu hôm nay

Cập nhật lúc 16:18 25/06/2022
Chúa nhật XIV Thường niên, năm C; Bài đọc 1: Is 66, 10-14c; Bài đọc 2: Gl 6, 14-18; Tin Mừng: Lc 10, 1-12. 17-20;


Cuộc sống xã hội hôm nay phát triển rất nhiều, nhưng con người lại đang dần đánh mất đi nhiều thứ: Mất gia đình, mất tình bạn, mất tình yêu thương đồng loại giữa con người với nhau. Nhưng thứ mất lớn nhất trong cuộc đời chính là sự mất mát trong tâm hồn. Vì thế, người ta chạy đua, chạy theo để đi tìm sự bình an cho bản thân bằng nhiều cách khác nhau. Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, thánh sử Luca mời gọi mỗi người về sự ra đi. Đó chính là sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Nhưng thứ quan trọng hơn hết, đó chính là sự cảm nhận được bình an, được niềm vui và hạnh phúc khi được phục vụ. Hôm nay Chúa cũng vẫn tiếp tục sai chúng ta đi vào cánh đồng lúa mênh mông mà rất ít thợ gặt. Vậy chúng ta cần phải làm gì? Để đem lại sự bình an hay đời sống tinh thần cho mọi người. Lời mời gọi đó dường như vẫn đang cấp bách trong thời đại hôm nay. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy sống như thế nào, để có được sự bình an trong tâm hồn, và làm sao để đem lại sự hy vọng, trao ban bình an có Chúa cho tha nhân.

Bài đọc một của Ngôn sứ Isaia (Is 66, 10-14c) đã tường thuật lại trong bối cảnh đất nước xã hội dân Do thái bấy giờ đang trong cơn khốn cùng, Ngôn sứ Isaia đã cho dân Do Thái thấy được sự bình an đó. Khi dân được thoát cảnh lưu đầy khỏi Babilon trở về quê hương, họ buồn nản, tuyệt vọng trước cảnh điêu tàn đổ nát. Ngôn sứ Isaia đã an ủi dân, khích lệ và loan báo cho họ biết: “Thiên Chúa không bỏ rơi họ, Ngài sẽ tỏ quyền lực giúp họ”. Đây là lời Chúa phán: “Này Ta đổ hoà bình xuống Thành Đô, khác nào sông cả, khiến của cải của dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm vào lòng, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền âu yếm con thơ, Ta sẽ vỗ về các con như vậy” (Is 66, 12). Thấy thế, lòng họ đầy hoan lạc. chúng ta cũng cần Thiên Chúa an ủi và gìn giữ như hôm nay Ngôn sứ Isaia đã mô tả cho chúng ta. Đó là ân huệ mà dân Chúa được hưởng, cho những ai trung tín với Đức Chúa. 

Bài đọc II (Gl 6, 14-18), Thánh Phaolô đã cầu chúc cho chư dân được bình an, nhờ sống mầu nhiệm thập giá, Ngài đã làm cho họ trở nên tạo vật mới, sống bình an trong sự thương xót của Chúa. Như vậy, muốn có bình an của Chúa, chúng ta phải sống trong tình yêu của Chúa, và thể hiện tình yêu ấy cho những ai gánh nặng, lo âu, mù lòa, câm điếc, an ủi những ai sầu khổ, khích lệ kẻ thất vọng, nâng đỡ những ai yếu đuối, đem lại sự hy vọng và bình an cho mọi người, qua con đường khiêm nhường phục vụ và yêu thương.

Phụng vụ lời Chúa nhật (Lc 10, 1-12. 17-20), Chúa muốn các môn đệ đẩy lùi sự dữ và đem bình an đến cho muôn dân. Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu chọn bảy mươi hai người, rồi chia ra từng nhóm hai người để sai đi. Để các môn đệ chia sẻ sự sống của Chúa với những người chung quanh. Trước hết, là chia sẻ những băn khoăn thao thức của Chúa “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt ít” (Lc 10, 2). Chúa cũng cho họ thấy: Ta sai các con đi như chiên ở giữa sói rừng (Lc 10, 3). Sói mạnh hơn chiên. Vì thế các ông sẽ tuyệt đối tựa nương vào sức mạnh siêu nhiên của Chúa. Chúng ta được Chúa sai đi là chiên ở giữa bầy sói nhưng lại “không phòng thủ”. Vì sứ mệnh của người truyền giáo là công bố Nước Thiên Chúa ngang qua chính đời sống. Sức mạnh của chúng ta ở nơi Thiên Chúa. Chúng ta tự do ra đi mà không sợ hãi vì luôn có Chúa Giêsu ở cùng. 

Thứ đến, Chúa muốn người môn đệ truyền giáo phải sống nghèo, không cậy dựa vào những phương tiện của cải vật chất trần gian, không gắn bó với những giá trị trần thế, “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10, 4). Chính vì vậy, chúng ta hãy phó thác vào quyền năng của Chúa. Người môn đệ truyền giáo phải mang trong mình sự bình an của Chúa. Vì người có bình an mới cho đi bình an đến người khác. Sự bình an tỏa ra qua thái độ sống chan hòa với những người tha nhân, nơi chúng ta đang phục vụ và dấn thân, bằng đời sống bác ái, yêu thương, được ban cho những người nghèo, người tội lỗi, người bất hạnh hơn hết trong xã hội. Như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Trong anh em người làm lớn hơn cả, là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Mt 23, 11-12).”


Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Giáo hội được miễn khỏi trách vụ cao cả này: Đó là loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc”. Thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Khốn cho thân tôi: nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Nhưng việc làm mới chứng thực cho lời rao giảng, và lời rao giảng sẽ soi sáng cho việc làm. Ra đi là để làm chứng, và lời chứng sáng giá nhất chính là việc làm. Đức tin được thể hiện qua hành động. Mặt khác, Chúa căn dặn các môn đệ là đem bình an của Ngài, đó là thứ bình an khác với an toàn thế gian. Nó tồn tại ngay cả trong gian nan thử thách hay hiểm nguy tính mạng. Cũng như các thánh đã từng kinh nghiệm và gọi nó là an bình nội tâm, bình an trong tâm hồn là cái bên trong. 

Hơn nữa, giá trị của mỗi Kitô hữu chúng ta là được thuộc về Chúa và được ghi danh vào Nước Trời. Đó là giá trị vĩnh cửu. Chúng ta xác tín rằng Chúa ban cho ta sức mạnh, quyền năng, tình yêu, bình an…Vì nếu không có Chúa và ân sủng Người trợ giúp, tất cả những gì ta làm chỉ đơn giản như những hoạt động từ thiện và xã hội. Vậy chúng ta hãy vui mừng vì ta được tham dự vào Nước Thiên Chúa, được tuyển chọn và được cứu độ, vì “Tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10, 20).
Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Quang
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log