Vị trí Lô 114 này hoàn toàn nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà |
Giếng dầu khí mới mang tên 114-Kèn Bầu 2X được ngành Dầu khí Việt Nam phát hiện ngày 29/2/2020, nằm ở độ sâu 3.700m với vỉa dầu dày 110m, được coi là phát hiện lịch sử. Giếng dầu này nằm ở thềm lục địa phía bắc, thuộc bể sông Hồng cách đất liền thuộc tỉnh Quảng Trị 65km, cách Đà Nẵng 86km. Cùng với kết quả khoan giếng dầu 114-Kèn Bầu-1X năm 2019, giếng dầu này góp phần khẳng định hệ thống dầu khí tại khu vực cấu tạo Kèn Bầu nói riêng, khu vực lô 114 và các lô phụ cận nói chung, được đánh giá cao. Từ kết quả này, các bên nhà thầu của PSC lô 114 (Eni Vietnam B.V. và ESSAR E&P Limited) đang xây dựng kế hoạch thẩm định lượng tổng thể phát hiện Kèn Bầu trong những năm tiếp theo và khoan thăm dò các cấu tạo tương tự tại lô hợp đồng. Sau đó, ngành Dầu khí sẽ tiến hành lập báo cáo trữ lượng, báo cáo phát triển mỏ. Dự kiến, khai thác dầu khí tại đây vào năm 2028.
Chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam bắt đầu từ tháng 10/1945, khi Bác Hồ ký Sắc lệnh sáp nhập Sở Tổng thanh tra Khoáng chất và Kỹ nghệ thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương vào Bộ Quốc dân Kinh tế. Suốt 15 năm sau đó, ngành địa chất nước nhà xây dựng được đội ngũ tới 22 nghìn người. Song hành, Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam khảo sát, đánh giá và hợp tác khai thác dầu khí ở Việt Nam. Ngày 18/3/1975, mỏ khí Tiền Hải với trữ lượng 1,3 tỉ m3 được phát hiện. Ngày 26/6/1986, tấn dầu thô thương mại đầu tiên được khai thác ở mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Việt Nam. Năm 1988 tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ được phát hiện, với dòng dầu tự phun, có lưu lượng 407 tấn/ngày đêm, được xếp vào trong số các mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông Nam Á. Sau Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới ở tầng móng như Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc… lần lượt được phát hiện và khai thác, đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới.