Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức tái hiện các phong tục của Tết Đoan Ngọ xưa với chủ đề “Hương sắc thảo mộc Đoan Dương” với nhiều hoạt động đặc sắc.
Người dân và du khách được hòa mình trong không gian đậm sắc màu văn hóa, phong tục, ẩm thực của người Việt trong Tết Đoan Ngọ được giới thiệu như phong tục hái thảo mộc làm trà, làm thuốc và các đặc sản: bánh gio, rượu nếp, các loại hoa quả… Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia văn hóa, ẩm thực…
Quan niệm của người xưa ngày 5/5 âm lịch là thời điểm chuyển mùa, mở đầu chuỗi ngày nắng nóng nhất trong năm, cũng là mùa có nhiều dịch bệnh. Tết Đoan Ngọ là dịp người Việt có các hoạt động “giết sâu bọ” bệnh tật trong người bằng các phong tục ăn bánh gio, trái cây, rượu nếp, tắm nước lá để phòng bệnh… Người xưa tin rằng thảo mộc được hái vào giờ Ngọ ngày Đoan Ngọ thì hương sắc được kết tinh lại, sẽ làm tăng thêm dược tính chữa bệnh.
Theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh Tuyết, Tết Đoan Ngọ là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chung và người dân Hà Nội nói riêng. Thời bà còn nhỏ, vào sáng Tết Đoan Ngọ, bố mẹ thường gọi các con dậy sớm và bôi ít vôi vào bàn tay các con để làm phép "giết sâu bọ". Khi chưa ăn sáng, mọi người sẽ ăn một hai thìa rượu nếp, các loại hoa quả. Nếu ở nông thôn, thường vào ngày này, mọi người hay quét vôi vào thân cây, rắc ít vôi để trừ sâu bọ, mong mùa màng bội thu.
Đặc biệt, trong nghi lễ Tết Đoan Ngọ cung đình xưa không thể thiếu nghi thức thưởng trà, nhà vua ban trà cho các bề tôi, trà là một sản phẩm đặc biệt, là sự kết tinh của văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng đã nâng hoạt động liên quan đến thú uống trà lên thành trà đạo. Thưởng trà còn là một nghệ thuật.
Chương trình "Hương sắc thảo mộc Đoan Dương" được tổ chức đến hết ngày 20/7 nhằm tạo thêm sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô