Tin tức - Hoạt động

Thách đố thời hiện đại của đời sống linh mục Công giáo bây giờ chính là sự hiệp thông

Cập nhật lúc 16:24 06/07/2016
Như vậy là gần tròn hai năm kể từ khi Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm – nguyên Giám mục Phụ tá TGP.TPHCM - được Đức Thánh Cha Phaxicô đặt làm Giám mục Chánh tòa Mỹ Tho (26.7.2014), Tổng Giáo phận đã có một vị Phụ tá mới : Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng (ĐGM.ĐMH), 59 tuổi.

Tòa Thánh đã công bố sự bổ nhiệm này lúc 17 giờ chiều (giờ Việt Nam) ngày 25.6.2016. Ngay sau đó, Đức tân Giám mục đã dành cho CGvDT một cuộc phỏng vấn. Xin giới thiệu cùng quý độc giả. 
CGvDT : Chúng con xin được chúc mừng Đức Giám mục Phụ tá mới của TGP.TPHCM. Xin Đức cha chia sẻ cùng bạn đọc tâm trạng của Đức cha lúc này : đúng 48 giờ sau khi Tòa Thánh công bố bổ nhiệm Đức cha vào trách vụ mới ?
ĐGM.ĐMH : Tâm trạng của tôi lúc này được đúc kết trong 2 tâm tình : “vui” và “lo”.
Niềm vui có thể được diễn tả qua một câu thánh vịnh mà tôi rất thích : “Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại ! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.” [Tv 125(126),3].
Tâm tình thứ hai là cảm thấy “lo lắng trước sứ vụ mới được chính thức trao phó”. Nhưng sự lo lắng này lại được “phủ đầy” bởi sự quan tâm của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa. Ngay sau khi Tòa Thánh công bố, liên tục điện thoại, tin nhắn và email tại Việt Nam và hải ngoại gởi về, từ các Tòa giám mục, các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, bạn bè, bà con thân nhân... với ba nội dung : chúc mừng, cầu nguyện và khích lệ tôi trong sứ vụ mới.
Từ hai tâm tình trên, tôi chợt nghĩ rằng, chắc chắn trong sứ vụ giám mục sắp tới sẽ có rất nhiều khó khăn, nhưng nếu tôi để “Chúa hoạt động nơi tôi” và nếu tôi biết “đón nhận lời cầu nguyện và sự giúp đỡ” của toàn thể cộng đoàn dân Chúa, tôi sẽ mãi giữ được niềm vui và bình an.
CGvDT : Nói về sứ vụ mới, nếu nhìn lại hành trình tu học và phục vụ mà Đức cha đã trải qua, ngoài ba năm làm phó xứ Chợ Đũi và hai năm gần đây làm việc tại Tòa Tổng Giám mục trong chức vụ Chưởng ấn và Thư ký của Đức Tổng Giám mục Phaolô, còn lại hầu như đều sống trong môi trường đào tạo : từ một Tiểu chủng sinh năm 11 tuổi, một linh mục du học cho đến cha Linh hướng rồi Phó Giám đốc Đại chủng viện. Giờ đây, trở thành Giám mục Phụ tá tại một Tổng giáo phận lớn nhì nước, Đức cha hình dung sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì ?
ĐGM.ĐMH : Trước hết, nhìn vào Chúa Giêsu, tôi thấy được một thuận lợi căn bản : công việc đầu tiên của Chúa Giêsu khi bắt đầu đời công khai rao giảng Tin Mừng là chọn những người cộng tác (các tông đồ) và đào tạo họ. Trong Giáo hội, giáo phận, giáo xứ và ngay cả trong gia đình, việc đào tạo nhân sự (linh mục, tu sĩ, giáo dân, các đoàn thể tông đồ) và giáo dục, đào tạo con cái vẫn luôn là việc quan trọng nhất và là mối quan tâm hàng đầu; đồng thời cũng là một công việc khó khăn, đòi hỏi rất nhiều tình yêu và kiên nhẫn.
- Những kinh nghiệm do thời gian sống lâu năm trong môi trường đào tạo tại Chủng viện sẽ giúp tôi nhiều trong nhiệm vụ Giám mục, khi có trách nhiệm “giáo dục đức tin” cho cộng đoàn Dân Chúa trong giáo phận.
- Về khó khăn, theo tôi đó là sự khác biệt giữa môi trường đào tạo tại Chủng viện và môi trường mục vụ tại giáo xứ. Trong nhiều năm, tôi quen sống trong một môi trường “nghiêm túc” tại Chủng viện với một thời biểu sinh hoạt rõ ràng, và “đối tượng” là những chủng sinh tương đối ổn định và có một trình độ tương đối đồng nhất; điều này khác hẳn với môi trường và sinh hoạt tại một giáo xứ, giữa một thành phố lớn vô cùng đa dạng, với rất nhiều thành phần (già trẻ, nam nữ, giàu nghèo, giỏi dốt, hiền dữ…), nhiều trình độ, nhiều cách suy nghĩ... Cách tiếp xúc và làm việc của một cha giáo với các chủng sinh rất khác với cách tiếp xúc của cha sở với giáo dân thuộc mọi tầng lớp. Trong cương vị là một Giám mục, sự tiếp xúc và công việc mục vụ còn đa dạng hơn nhiều : đối nội và cả đối ngoại nữa.
 

Ý nghĩa Huy Hiệu Giám Mục

- Ngôi nhà : tượng trưng Giáo hội

- Thánh giá : tượng trưng Chúa Kitô

- Ngôi nhà và Thánh giá : hình ảnh Chúa Kitô toàn thể” (le Christ total) gồm Đầu và Nhiệm thể.

-  Chim bồ câu : tượng trưng Chúa Thánh Thần giúp các tín hữu (là những viên đá sống động) hiệp nhất, liên kết với nhau để xây dựng nên Giáo hội.




 

CGvDT : Nhắc đến việc đào tạo linh mục, chắc chắn Đức cha có rất nhiều kinh nghiệm vì môi trường đã kinh qua, và hiện còn là Tổng Thư ký của Ủy ban Giáo sĩ - Chủng sinh trực thuộc HĐGMVN. Vậy thì theo Đức cha, đâu là những quan tâm chính của các Chủng viện hôm nay để có được những linh mục phù hợp với xu hướng hiện tại, khi mà hoạt động của các Chủng viện ở Việt Nam - xét về mặt hành chánh -  đang ngày một thuận lợi hơn và số lượng nhân sự đầu vào không còn là nỗi lo lớn như trước đây ?
ĐGM.ĐMH : Hiện nay, chất lượng đào tạo là quan tâm hàng đầu tại các Đại Chủng viện tại Việt Nam: đào tạo những linh mục như Chúa muốn và Giáo hội muốn.
Chất lượng đào tạo được kiểm tra qua 3 tiêu chuẩn : linh mục - con người mầu nhiệm, hiệp thông và truyền giáo. Ba tiêu chuẩn này được trình bày rõ ràng trong văn kiện chính thức đầu tiên của Hội đồng Giám mục Việt nam về “Định hướng và hướng dẫn” việc đào tạo linh mục, đã được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 31.10.2011 và chính thức áp dụng từ ngày 01.9.2012 tại tất cả các Đại Chủng viện Việt Nam.
Trong 3 tiêu chuẩn đó, tiêu chuẩn “linh mục, con người mầu nhiệm” là nền tảng. Mầu nhiệm ở đây là mầu nhiệm Chúa Giêsu được thể hiện đặc biệt nơi “máng cỏ, thập giá và Thánh Thể”.Người linh mục phải là con người “Giêsu nhập thể” (máng cỏ), khiêm tốn, có khả năng đến với người nghèo, chia sẻ với họ; là con người “Giêsu thập giá”, biết hy sinh thời giờ, khả năng và ngay cả mạng sống cho đoàn chiên; là con người “Giêsu Thánh Thể”, sẵn sàng trở nên tấm bánh thơm ngon cho mọi người.
Về phương diện cụ thể, trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, điểm nhấn của việc đào tạo linh mục là “hiệp thông” với hai khả năng : “đối thoại” và “khiêm tốn phục vụ”. Càng cởi mở đối thoại (với xã hội, với các tôn giáo, với người nghèo...), và càng khiêm tốn phục vụ, thì người linh mục càng dễ dàng loan báo Chúa Giêsu là Tin Mừng cho đồng bào Việt Nam.
CGvDT : Đề ra những ưu tiên đào tạo, có lẽ Giáo hội Việt Nam đã nhìn thấy những thách đố thời hiện đại của đời sống linh mục Công giáo bây giờ ?
ĐGM.ĐMH : Thách đố thời hiện đại của đời sống linh mục Công giáo bây giờ chính là “sự hiệp thông”. Trong thời đại “thế tục hóa hôm nay” với việc đề cao “cá nhân, vật chất, hưởng thụ”, con người bị lôi cuốn quy hướng về chính mình và về hưởng thụ vật chất, từ đó muốn loại Thiên Chúa ngoài cuộc đời của mình, không muốn nghe và sống những hướng dẫn của Giáo hội. Mất hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với Giáo hội..., người linh mục chắc chắn sẽ thất bại.
 
"...Cách tiếp xúc và làm việc của một cha giáo với các chủng sinh rất khác với cách tiếp xúc của cha sở với giáo dân thuộc mọi tầng lớp..."
CGvDT : Nhưng thưa Đức cha, có một thực tế là, thế giới càng phát triển, con người sẽ ngày một co cụm lại trong những thiết bị đa năng hoặc điện thoại thông minh. Họ ít liên hệ với nhau hơn, lạnh lùng và ít trách nhiệm hơn với cộng đồng, với những tổ chức tôn giáo. Trong Giáo hội Công giáo, vấn đề này dễ nhận ra trong tương quan của giáo dân với cha xứ, với những sinh hoạt chung tại các giáo xứ. Vậy nhà đào tạo hôm nay cũng như những bề trên giáo phận sẽ làm gì để giúp các linh mục tìm được niềm vui trong đời dấn thân, cũng như giải quyết được bài toán luôn được Giáo hội mời gọi là “xây dựng tình hiệp thông trong các cộng đoàn” ? Còn đối với các linh mục, họ cần trang bị và có phương cách nào để tương thích với những gì đang diễn ra trong xã hội ?
ĐGM.ĐMH : Chìa khóa để mở cánh cửa hiệp thông là “Chúa Giêsu Kitô” và Thánh Thần của Ngài. Càng học hỏi, hiểu biết, cảm nghiệm, yêu mến và bước theo Chúa Kitô dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, con người sẽ tìm được niềm vui và hiệp nhất : “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13).
Yêu mến “Chúa Kitô toàn thể” bao gồm “Đầu là Chúa Kitô và thân thể là Giáo hội”. Càng yêu mến Chúa Kitô, người linh mục càng yêu mến và gắn bó hiệp thông với Giáo hội, cụ thể qua Giám mục, anh em linh mục đoàn và cộng đoàn Dân Chúa.
Một cách cụ thể, linh mục phải biết hài hòa giữa “đời sống thiêng liêng, gắn bó với Chúa Giêsu” và “đời sống hoạt động mục vụ”, bằng sự trung thành suy niệm Lời Chúa và sự gặp gỡ, gắn bó với anh em linh mục. Lời Chúa và tình huynh đệ linh mục sẽ là niềm vui trong đời dấn thân và giúp “xây dựng tình hiệp thông trong các cộng đoàn”. Lời Chúa sẽ giúp người linh mục biết được Thánh Ý Chúa và sự gặp gỡ, chia sẻ trong tình huynh đệ linh mục sẽ giúp biết được những vấn đề của xã hội hôm nay và giúp vượt qua những khó khăn trong mục vụ.
 
Tiểu sử Ðức Tân Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng
15.9.1957: Sinh tại Gia Định, Sài gòn
1968-1976: Tu học tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse, Giáo phận Sàigòn
1976-1982: Tu học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse, Giáo phận Sàigòn
1982-1983: Lao động tại Nông Trường Lô 6, Củ Chi
1983-1990: Công nhân HTX Mây - Tre - Lá Bạch Đằng, Quận 1. Theo học lớp tối Đại Học Tổng Hợp TPHCM, khoa Ngoại ngữ; tốt nghiệp Cử nhân Anh văn và Cử nhân Pháp văn.
30.8.1990: Thụ phong Linh mục tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn
1990-1993: Linh mục phụ tá giáo xứ Huyện Sỹ (Chợ Đũi), TGP.TPHCM, đồng thời là giáo sư Anh văn tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn
1993-1998: Học tại Viện Đại học Công giáo Paris với Học vị Thạc sĩ Thần Học, chuyên ngành Đào tạo linh mục.
1998-2011: Linh hướng và là giáo sư Thần học Linh đạo tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn
2011-2014: Phó giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn.
Từ 2001- nay: Phụ trách Hiệp Hội linh mục Prado tại Việt Nam.
Từ 2005- nay: Tổng thư ký của Ủy Ban Giáo sĩ và Chủng sinh, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Từ tháng 6.2014: Chưởng ấn Tòa Giám mục TGP.TPHCM và là Thư ký của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc.


CGvDT : Từng nhiều lần được thưa chuyện với Đức cha, chúng con nhận ra, bên trong một nhà đào tạo và huấn luyện là Đức cha, còn ẩn chứa những thao thức về việc truyền giáo trong Giáo hội. Với một vùng đất đô hội và nhiều cám dỗ hưởng thụ như TGP.TPHCM, theo Đức cha, chúng ta phải truyền giáo bằng cách nào ? Và các linh mục cần làm gì để giữ lửa và duy trì tinh thần loan báo Tin Mừng ?
ĐGM.ĐMH : Chúng ta học ở thánh Phaolô : càng yêu mến Chúa Kitô sẽ càng thao thức “loan báo Chúa Kitô”, ngõ hầu đem lại niềm vui, đem lại kho tàng quý giá cho người khác. Như tôi vừa nói, con đường loan báo Tin Mừng chính là con đường Giêsu với “máng cỏ” (khiêm tốn, chia sẻ), “thập giá” (hy sinh) và “thánh thể” (phục vụ, trở thành tấm bánh cho người khác). Và theo tôi, đặc biệt tại TGP.TPHCM, “đối thoại chân thành và khiêm tốn phục vụ” chính là cách thức truyền giáo cụ thể và hữu hiệu.
Với các linh mục, sự hiệp thông với Giám mục, sự gần gũi chia sẻ với anh em linh mục, sự cởi mở cộng tác với các đoàn thể và anh chị em giáo dân... chính là bầu khí để giữ lửa và duy trì tinh thần loan báo Tin Mừng.
CGvDT : Trở lại với sứ vụ Đức cha mới được Đức Thánh Cha trao phó : Xin Đức cha cho độc giả của chúng con biết khẩu hiệu và biểu tượng huy hiệu Giám mục của Đức cha là gì ? Ý nghĩa của những chọn lựa này và ý tưởng (của khẩu hiệu và huy hiệu Giám mục) có lẽ đã được Đức cha hình thành từ một suy nghĩ hay quan niệm trong mục vụ ?  
ĐGM.ĐMH : Suy nghĩ về sứ vụ sắp tới của tôi trên cánh đồng truyền giáo của TGP.TPHCM, một bối cảnh thật đa dạng và phức tạp, với rất nhiều thành phần, tôi đã được đánh động trước đoạn Lời Chúa trong thư gởi tín hữu Ephêsô 4,7.11-13 :Ep 4,7 Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Kitô ban cho. 11 Và chính Đức Kitô đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. 12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, 13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.
Trong câu Ep 4,13, chính vế thứ hai “sự nhận biết Con Thiên Chúa” giúp hiểu được “sự hiệp nhất trong đức tin” là gì ? Không thể có hiệp nhất thực sự khi không tin vào Chúa Giêsu và không biết Chúa Giêsu. Như Thánh Phaolô, tôi nhận biết rằng Thiên Chúa đã yêu thương tôi, dù tôi còn có bao nhiêu giới hạn, lỗi lầm và hơn thế nữa Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, đã chết vì tôi, khi tôi còn là tội nhân : “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20);  “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (Rm 5,8)
Chính vì vậy, khi nhận biết mình là tội nhân và khi cố gắng bắt chước Chúa Giêsu : tin tưởng, chấp nhận, yêu mến và tha thứ cho người khác, tôi sẽ dễ dàng sống với họ, cộng tác với họ..., và lúc đó, tôi đang góp phần xây dựng giáo phận và cuộc sống người dân tại thành phố này, trong sứ vụ giám mục.
Tóm lại, chọn lựa mục vụ của tôi trong sứ vụ giám mục là : sống và làm việc với mọi thành phần Dân Chúa để xây dựng Giáo Hội và giáo phận, với 2 quyết tâm: tôn trọng mỗi người có một sứ vụ, một ơn gọi riêng, một cá tính riêng; xác tín rằng nếu đức tin của tôi và anh chị em tôi vào Chúa Giêsu càng mạnh, và sự học biết Chúa Kitô càng sâu sắc thì sự hiệp nhất trong giáo phận này càng đậm đà, keo sơn, để rồi từ đó giáo phận càng lúc càng phát triển.
Ý nghĩa của những chọn lựa này và ý tưởng của khẩu hiệu và huy hiệu Giám mục trên đây đã được hình thành và tích lũy từ những kinh nghiệm của tôi trong 16 năm (1998-2014), trong nhiệm vụ đào tạo linh mục tại Đại Chủng viện Sàigòn. Kết quả của công việc đào tạo linh mục là sự hiệp nhất hài hòa của 3 yếu tố : Chúa Thánh Thần (nhà đào tạo chính) - nhà đào tạo - người được đào tạo. Thật vậy, càng làm công tác đào tạo những linh mục tương lai, tôi cảm nghiệm được chính tôi cũng phải để Chúa Thánh Thần uốn nắn tôi, biến đổi tôi mỗi ngày nên giống Chúa Giêsu hơn; và lúc đó công việc đào tạo của tôi mới  có kết quả.
Đồng thời, với định hướng của Công Đồng Vatican II trong Sắc lệnh Chức vụ và đời sống linh mục số 13 : “linh đạo của linh mục giáo phận là nên thánh trong mục vụ”; con đường nên thánh, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, chính là trách nhiệm mục vụ đã được trao phó. Giờ đây, trong sứ vụ Giám mục, con đường nên thánh của tôi chính là thi hành trọn vẹn sứ vụ của mình với điểm nhấn là xây dựng sự hiệp nhất trong đức tin của cộng đoàn Dân Chúa.
CGvDT : Lễ tấn phong Giám mục sẽ diễn ra tại đâu và vào thời điểm nào, thưa Đức cha?
ĐGM.ĐMH : Lễ tấn phong Giám mục sẽ diễn ra tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn, lúc 08g30 thứ Năm 4.8.2016, vào dịp lễ Kính Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng của các cha sở. Địa điểm (Chủng viện) và thời điểm (lễ Thánh Vianney) nói lên lòng yêu mến và mối tương quan đặc biệt của tôi đối với các linh mục.
CGvDT : Qua CGvDT, Đức cha có nhắn gởi gì với các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân xa gần ?
ĐGM.ĐMH : Giám mục Phụ tá là trợ giúp Giám mục Chánh tòa. Được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá của Đức Tổng Phaolô, trước nhu cầu bao la của Tổng Giáo phận, tôi thấy mình rất giới hạn. Vì thế, tôi rất mong muốn được cộng tác với tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ, các hội đoàn, anh chị em giáo dân và cả các em thiếu nhi, để trợ giúp Đức Tổng Phaolô trong việc xây dựng ngôi nhà Tổng Giáo phận thân yêu của chúng ta. Xin cám ơn tất cả mọi người, xin tiếp tục cầu nguyện cho tôi.
CGvDT : Chúng con xin tri ân Đức cha đã dành cho CGvDT bài trả lời phỏng vấn đầu tiên trong trọng trách mới, và kính chúc Đức cha luôn nhiều hồng ân và sức khỏe để thực hiện công việc rất khó khăn vừa được trao phó.
MIÊN KHANG thực hiện
 
Thông tin khác:
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2016 (01/07/2016)
Quảng Ninh: Người Công giáo góp phần tích cực vào thành công cuộc bầu cử (30/06/2016)
Các phong trào thi đua của đồng bào Công giáo Ninh Bình có nhiều khởi sắc (29/06/2016)
GP. Buôn Mê Thuột: Tĩnh tâm và hành hương Năm Thánh (28/06/2016)
TGP Sài Gòn có Tân Giám mục phụ tá Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng (26/06/2016)
Hơn 8.000 thành viên hội đoàn Legio Mariae giáo phận Vinh dự Đại hội lần thứ I (23/06/2016)
Bổ nhiệm Trưởng phòng Thư ký- Biên tập Báo Người Công giáo Việt Nam (08/06/2016)
Đồng bào Công giáo sẵn sàng cho ngày hội lớn của dân tộc (21/05/2016)
Hội đồng Giám mục Việt Nam thông báo về việc cá chết bất thường tại miền Trung (04/05/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log