Từ độ cao 500m so với mực nước biển nhìn xuống, Bạch Long Vĩ như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Ảnh: Trung Nguyên |
Nhận lời mời của Tổng hội Thanh niên xung phong (TNXP) thành phố Hải Phòng, Tổng hội TNXP thành phố Hà Nội tổ chức chuyến thăm đảo Bạch Long Vĩ cho hội viên và một số đơn vị của thành phố trong đó có Ban Thường trực UBĐKCG thành phố Hà Nội. Vì đảo chưa có tổ chức du lịch nên rất nhiều người muốn đi, vượt cả dự kiến của Ban tổ chức.
Xe xuất phát từ Hà Nội lúc 4h sáng. Tới Hải Phòng 6h là xuống tàu Bạch Long. Đây là con tàu của Tổng hội TNXP chỉ đưa đón đoàn đi thăm đảo chứ không phải tàu khách nên sạch sẽ và thoáng mát. Qua 7 giờ lướt sóng, đoàn đã đặt chân lên đảo Bạch Long Vĩ- tiền đồn phía Bắc ngoài khơi của đất nước. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là một âu thuyên rất lớn, diện tích tới cả cây số vuông, có thể là nơi trú ẩn tránh bão cho khoảng 500 tàu, thuyền khi giông bão. Kè bê tông quanh âu thuyền khá vững chãi nhất là những nơi đón sóng. Cả dãy dài những khối bê tông hình tứ trụ, nặng cả tấn xếp nhiều lớp để ngăn sóng dữ. Nhìn lên trên đảo đã thấy nổi bật ngọn hải đăng cao vút và nhiều công trình xây dựng mới. Cả đảo như một thành phố trẻ đang xây dựng.Xe đưa đoàn về trung tâm huyện đảo. Vì đoàn tới hơn 80 người nên huyện phải huy động tất cả xe của công an, biên phòng,huyện ủy mới đủ phục vụ đoàn. Ông Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Trần Quang Tường- mà chúng tôi nói đùa là “chúa đảo” còn rất trẻ, chưa đầy 50 tuổi vui vẻ ra bắt tay, chào hỏi từng người. Ông cho biết, đảo còn nghèo về cơ sở vật chất nhưng sẽ dành những cái tốt nhất cho đoàn. Đoàn MTTQ và UBĐKCG thành phố được ưu tiên về nhà khách của huyện ủy.
Đảo Bạch Long Vĩ, theo truyền thuyết, xưa nước Đại Việt bị xâm lăng. Vua tôi nước Việt khẩn cầu Thượng đế trợ giúp. Ngài sai hai mẹ con rồng trắng xuống trần. Mẹ con rồng phun lửa thiêu đốt tàu thuyền của giặc thành than mà dấu tích là những hòn núi đá lô nhô ngoài biển. Thấy cảnh vật đẹp, con người đất Việt thân thiện nên hai mẹ con rồng trắng (Bạch Long) xin Trời cho ở lại hạ giới. Rồng mẹ đáp xuống vịnh Hạ Long. Rồng con xuống vịnh Bái Tử Long và cái đuôi của nó vẫy lên trên mặt nước thành Bạch Long Vĩ (đuôi của rồng trắng) ngày nay. Trên bản đồ quốc tế, đảo Bạch Long Vĩ có ghi là Nachtigal, tiếng Đức nghĩa là ác mộng. Quả thực, ngày xưa tàu thuyền trôi giạt vào đây là ác mộng vì sóng to gió lớn. Đảo lại không có nước ngọt nên còn gọi là đảo Vô Thủy. Lịch sử ghi lại, mãi đến năm 1937, vua Bảo Đại mới cử 12 người lính ra canh giữ đảo. Chính quyền thực dân bảo hộ cai quản đảo năm 1946. Đạo quân của Tưởng Giới Thạch chiếm đảo năm 1949. Sau đó quân giải phóng Trung Quốc giải phóng đảo và đến năm 1957, Việt Nam tiếp quản đảo. Đảo Bạch Long Vĩ không lớn. Nếu nước triều cạn, đảo có diện tích hơn 3km2, nước lên chỉ còn 1,7 km2 nên cô TNXP hướng dẫn đoàn tham quan nói rằng, cô đi bộ xung quanh đảo chỉ mất hai tiếng đồng hồ.
Dù đảo nhỏ nhưng vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Nằm ở cực bắc vịnh Bắc Bộ và là một trong 8 ngư trường quan trọng nhất ở miền Bắc. Đảo cách hòn Dấu (Hải Phòng) 110 km và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) chỉ 130 km. Trước đây, Bạch Long Vĩ là xã đảo thuộc Hải Phòng, Từ năm 1992 lập huyện đảo và năm 1993 đưa 62 TNXP ra đảo lập nghiệp. Các gia đình TNXP hầu hết làm nghề buôn bán cho ngư dân đánh cá lên đảo.
Chúng tôi đi thăm ngọn đèn hải đăng ở vị trí cao nhất của đảo. Đèn được xây dựng vào năm 2003. Trèo lên đỉnh ngọn hải đăng, nhìn bao quát cả đảo thấy rất đẹp. Hỏi chuyện mấy người gác đèn, họ nói rất khó khăn, nhất là xa nhà, đi lại vất vả. Chúng tôi đi tàu lênh đênh 7 tiếng trên biển đã thấy vất vả. Họ nói, ngày biển động đi mất 9 tiếng, thậm chí 30 tiếng vì tàu phải chạy tránh sóng. Đảo thiếu nước sinh hoạt vì mấy tháng nay không mưa. Cho nên mới thông cảm với người dân ở đây phải hy sinh để bám đảo lớn lao nhường nào. Đảo có trường tiểu học nhưng lớp 4 chỉ có 1 em mà hai cô phụ trách. Vì các em được các gia đình gửi vào đất liền mới có thể học lên cao được.
Phật Đài cũng vừa được xây dựng cách Hải đăng không xa. Đường lên Phật Đài cũng nhiều bậc dựng đứng quanh co để tẩy trần khách hành hương trước khi bái Phật chứ vẫn có đường xe chạy lên đỉnh đảo. Đến thăm chùa Bạch Long thấy chùa xây dựng khá khang trang. Trên đảo cũng như ở chùa, hoa giấy, hoa trúc đào nở rất to và rực rỡ. Hình như nắng gió, lại thích hợp với những loại hoa này. Điều đặc biệt là từng viên gạch lát sân đến viên ngói lợp mái chùa đều có quốc huy và dòng chữ ghi quốc hiệu Việt Nam như sự khẳng định chủ quyền của đất nước ở nơi đảo tiền tiêu này. Chúng tôi cũng đến thắp hương đền thờ Đức Thánh Trần ngay sát chân sóng. Tất nhiên, ai cũng háo hức được đi tắm ở Bạch Long Vĩ. Bãi tắm còn rất hoang sơ, nước trong nhìn được dưới chân. Độ mặn của nước vừa phải, cát vàng màu sẫm rất mịn. Chạy bộ trên cát trong buổi sáng sớm đón bình minh trên đảo thật tuyệt vời.
Buổi sáng chủ nhật, đoàn đều mặc áo đỏ sao vàng để dự buổi lễ chào cờ thiêng liêng trên đảo do bộ đội biên phòng phụ trách phần nghi lễ rất trang nghiêm. Tiếp đó, đoàn đi thắp hương ở đài liệt sĩ (ảnh dưới). Buổi tối, đoàn phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên tổ chức giao lưu với quân dân trên đảo và tặng quà cho các đơn vị cũng như gia đình dân cư trên đảo. Hội Phụ nữ Thái Nguyên tặng cho đảo 20 gốc tre lấy từ khu di tích An Toàn Khu và 20 cặp chim bồ câu. Trên đảo đã có nhiều loài thú như khỉ, đà điểu, ngựa bạch. Những chú khỉ rất tinh nghịch và dạn người. Chúng sà vào lòng chúng tôi đòi được bế. Những bài hát cây nhà lá vườn, những tâm sự cảm động của cả chủ và khách làm quên đi cả thời gian. Lửa trại được thắp lên, mọi người cùng vòng tay nhảy múa quanh ngọn lửa hồng. Sáng hôm sau, mọi người cũng tham gia nhặt rác bảo vệ môi trường biển. Bữa cơm trưa, đảo khoản đãi đoàn thật thịnh soạn. Đủ hương vị thực phẩm của đảo, của đất liền.
Theo lịch trình, đoàn sẽ ở lại đảo đến thứ hai, nhưng Đài khí tượng đảo báo có giông lốc trên biển vào tối chủ nhật nên đoàn quyết định về ngay trong đêm để tránh say sóng. Ai nấy vội vã chạy đi mua hải sản về làm quà. Tàu cập Bến Bính, Hải Phòng đã 10h đêm, về Hà Nội đúng 12h, nhưng ai cũng vui vì có một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm đẹp.