Trong quy trình xuất bản ra tờ báo, morat được coi là khâu “nhặt sạn” cuối cùng trước khi chuyển đến nhà in. Trước kia, chưa làm công việc đọc morat, tôi cũng như nhiều người khác đều có suy nghĩ rằng đây là công việc rất đơn giản, chỉ việc đọc và soát sửa lỗi chính tả. Thế nhưng, khi làm nghề tôi mới thấy được hết sự phức tạp của công việc này. Một trong những đức tính cần thiết của công việc là cần phải nắm bắt tri thức sâu rộng, đọc và biết tư duy một cách lôgic các sự kiện, hiện tượng được phản ánh trong bài báo. Người đọc morat phải có sự cần cù, tỉ mẩn với từng câu chữ. Hồi mới vào nghề, đồng nghiệp đã dặn tôi là làm morat phải đọc, đọc thật nhiều, để làm giàu vốn kiến thức của mình. Và tôi thấy, điều đó quả là quan trọng. Có thể, chỉ một dấu phẩy thôi nếu đặt ở các vị trí khác nhau thì câu từ sẽ mang ý nghĩa khác. Tôi còn nhớ một câu chuyện vui: Thời còn bao cấp, trâu bò là tài sản chung của hợp tác xã, nên cán bộ xã có văn bản chỉ đạo các hộ nuôi trâu không được tự ý giết mổ. Trong văn bản có câu: “Trâu cày, không được giết”, nhưng vì quá vội vàng nên ông cán bộ nọ đã đánh nhầm dấu phẩy về sau chữ “được” (Trâu cày không được, giết) nên có một số hộ đã làm thịt trâu, khi sự việc được phát hiện thì đã muộn. Từ câu chuyện vui đó, tôi nghĩ người đọc morat cũng vậy, chẳng may phẩy câu sai chỗ thì thật nguy hiểm. Do vậy, nếu người đọc morat không chịu đọc, không chịu tìm tòi thì không đủ kiến thức để cảm thấy có gì còn băn khoăn trong những câu chữ ấy.
Với công việc đọc và đọc hàng ngày, cẩn trọng với từng dòng chữ trên bản bông, soát lỗi chính tả, tưởng chừng công việc đơn điệu, tẻ nhạt, nhưng qua đó những người đọc morat đang tự làm giàu nguồn thông tin của mình qua từng bài báo. Và với tôi, từ vị trí công việc của mình, tôi tự bảo rằng mình cần phải học, phải đọc, phải biết tư duy và điều quan trọng là phải chuyên cần trong công việc.