Tin tức - Hoạt động

Tháp Babel hôm nay

Cập nhật lúc 16:42 16/09/2020
Tháp Babel của Pieter Bruegel the Elder (1563). Ảnh: CTV
Tháp Babel của Pieter Bruegel the Elder (1563). Ảnh: CTV

Tháp Babel: “Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng, và dùng những từ như nhau. Trong khi di chuyển ở phía đông, họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Sina và định cư tại đó. Họ bảo nhau: “ Nào! Ta đúc gạch và lấy lửa mà nung! Họ dùng gạch thay vì đá và lấy nhựa đen làm hồ. Họ nói: “Nào, ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khăp mặt đất.”
Đức Chúa xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây. Đức Chúa phán: “Đây, tất cả chúng nó hợp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa” Thế là Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất,và họ phải thôi không xây thành phố nữa. Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất.” (St 11,1-10)
Tháp Babel là một ngọn tháp to lớn được xây dựng ở thành phố Babylon, nay thuộc Irac nằm ở vùng đất mầu mỡ Lưỡng Hà, giữa hai con sông Tigris và Euphrates, là nơi hình thành một số nền văn minh cổ đại như: Sumer, Babilon, Asyrria..., một thành phố quốc tế điển hình bởi sự hỗn tạp giữa các ngôn ngữ, cũng được gọi là sự bắt đầu của vương quốc Nimrod, theo Kinh thánh, một nhóm người là các thế hệ tiếp theo sau Đại hồng thủy, nói cùng một thứ ngôn ngữ và di trú từ phía đông ,đã tham gia vào việc xây dựng. Những con người đó quyết định rằng thành phố của họ nên có một cái tháp thật to lớn đến mức “ đỉnh của nó chạm đến thiên đường”
Tuy nhiên,tháp Babel không được xây dựng để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng là để thể hiện sự huy hoàng của con người, để “ đặt tên” cho người xây tháp. Sau đó họ nói: “Đến đây,chúng ta xây dựng một thành phố của riêng chúng ta, và một ngọn tháp với đỉnh của nó chạm tới thiên đường, và chúng ta hãy đặt tên cho chính chúng ta để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.” (St 11,4 ).  Một số tin rằng, một Thiên Chúa báo thù, thấy những gì mọi người đã làm, đã xuống và làm lẫn lộn ngôn ngữ của họ và phân tán người ta ra khắp trên toàn trái đất.
Tháp Babel và ước mơ chạm tới thiên đường. Theo Kinh thánh, con cháu của ông Noe – người hùng trong cơn đại hồng thủy, từ phía Đông (Acmênia) đã di chuyển về phía Nam theo sông Tigrís , rồi sang phia Tây, vượt qua sông Tigris, tiến vào vùng đồng bằng Sennan (tức Babylon). Vì họ ở cách xa nhau, xa các tộc trưởng nên họ đã cùng nhau dựng thành và xây một cái tháp mà “Đỉnh có thể vươn tới Trời”, với mục đích để con người sau này dựa vào đó có thể tìm được hướng quay về với nơi cội nguồn, ngoài ra nó cũng sẽ giúp con người tránh được thảm họa lũ lụt, và tạo cho cộng đồng một tên tuổi. Và thế là tháp Babel ra đời.
Người ta cho rằng, tháp có hình dạng giống như những kim tự tháp cổ nhất ở Ai cập. Đó là những khối công trình có kích cỡ nhỏ dần, xếp chồng lên nhau thành những tầng riêng rẽ, có một mặt phẳng nghiêng hoặc một cầu thang xoắn ốc dẫn từ tầng nọ lên tầng kia, mỗi tầng mang một mầu sắc riêng, tùy theo nó được dâng hiến cho hành tinh nào, bốn góc của tháp hướng theo bốn điểm của la bàn, còn ở Ai cập thì 4 mặt của kim tự tháp tương ứng với 4 hướng.. Trên đỉnh tháp là một đền thờ, còn dùng làm đài quan sát. Bên trong tháp làm đất sét phơi khô, nhưng tường bên ngoài được phủ bằng gạch nung. Tháp Babel đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc, thể hiện tài năng của con người.
Tuy nhiên tháp Babel không được xây để thờ phượng Đức Chúa, mà là để thể hiện sự huy hoàng của con người. Đức Chúa rất bất bình trước công việc không do Đức Chúa định, Người đã không hài lòng vì đã dạy con người càng khiêm tốn bao nhiêu thì càng được Chúa coi trọng bấy nhiêu. Nhưng con cháu của Noe đã không hề tỏ ra hối cải, còn có ý cậy sức mình để thoát khỏi sự trừng phạt của Đức Chúa. Nhưng họ không biết rằng không có gì mà Đức Chúa không làm được. Vì hành động, tư tưởng ngu xuẩn đó của họ phá hủy kế hoạch xây tháp đó. Chúa không hề dùng giông tố, sấm sét hay xuống tay giết hại những con người đó, mà chỉ khiến cho cộng đồng người không hiểu tiếng nói của nhau, đành phải chấm dứt việc xây tháp và tản mát đi khắp thế giới. 
Có lẽ trong tương lai, các nghiên cứu khoa học sẽ rọi ánh sáng vào hiện tượng này. Nhưng lúc này thì, theo ông Henri M.Morris,trong cuốn cơ sở Kinh thánh của khoa học hiện đại (1984), không có sự giải thích nào tốt hơn là chính Chúa Trời đã phá hủy tháp Babel.
Còn tháp Babel hôm nay thì sao ? 
Mỗi con người chúng ta ai ai cũng đều đã từng xây ngọn tháp Babel của riêng mình. Và đều bất thành. Lúc tuổi thanh xuân, tôi cũng đẫ xây tháp Babel cuộc đời mình, nhưng rồi đổ vỡ, ngã dúi dụi để rồi tôi thành tôi dại khờ.
Tháp Babel trong truyền thuyết tượng trưng cho ước mơ chinh phục cả Đấng tối cao, vươn tới thiên đường của con người cổ đại. Song nó cũng là biểu tượng của sự lạc lõng và cô độc của chính con người khi cứ xây, xây mãi. Họ dần mất đi thứ ngôn ngữ chung, mất đi cả tiếng nói chung và ngày càng trở nên xa lạ với nhau. Trong “ Rừng Nauy” của Murakami, (Nhật Bản) một tiểu thuyết có tiếng, Toru và Naokô cũng đang xây những ngọn tháp Babel của riêng mình. Với Toru, Naokô là người lưu giữ lại những ký ức mạnh mẽ nhất về người bạn thuở thiếu thời Kizuki, là mối tình đầu, là nỗi tuyệt vọng, là tháp Babel mà anh không bao giờ xây được cho tới đỉnh thiên đường. Anh có cô, mệt nhoài bên cô nhưng không bao giờ anh chạm tới cô, không bao giờ anh biết được đôi mắt to tròn và lạc lõng ấy đang nhìn ai ? Nhìn anh ở hiện tại hay nhìn anh ở quá khứ cùng Kizuki ? Anh có cô,  hay cô mới chính là người có anh ?...
Rừng Na Uy xây lên một ngọn tháp Babel, giống như mỗi con người đều có những ước vọng xa xôi và hạnh phúc của riêng mình, nhưng tìm thấy trái ngọt  của hạnh phúc ấy lại mông lung biết bao. Những thất vọng, vỡ tan, những cô đơn và lạc lõng, những điều mà Murakami cảm nhận ở thế hệ của ông không xa lạ với những độc giả của thế kỷ sau này. Đó là cảm giác chung của con người, là điều ăn sâu vào tiềm thức con người ở mọi không gian và thời gian.
Ở một góc nhìn thời sự hiện đại, ngọn tháp Babel ở Copenhagen cũng không hơn gì!
Giống như trong truyền thuyết Do thái, loài người ban đầu nói và hiểu nhau, cho đến khi xây xong cái tháp cao vời vợi mang tên tháp Babel thì chẳng dân tộc nào còn hiểu nhau nói gì nữa. Hội nghị Cop 15 Copenhagen cũng thế,chẳng ai chịu nhường ai nghĩa vụ cắt giảm khí thải mà nguyên do từ lợi ích phát triển từng nước... Cop 15 hay 16 hoặc 17... cũng chỉ là những “màn kịch”. Mới đây, hội nghị chống biến đổi khí hậu,Cop.Paris, diễn ra ở Paris 2015, qui tụ hơn 40.000 đại biểu, từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng không đi đến đâu.
Tháp Babel lợi ích từng nước đó vẫn cứ tồn tại đến ngày nay và sau này. Thành ra biến đổi khí hậu sau này ra sao cũng chỉ là tự cứu mình, bằng giáo dục có thực chất, bằng quy hoạch biết nhìn xa, xắn tay áo làm, bằng tự đạp đổ tháp Babel với nhau, để cùng nhau bàn bạc.
Về mặt tôn giáo cũng thế, cũng cần đạp đổ tháp Babel,  lắng nghe tiếng gọi tha thiết của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh cha đương nhiệm trong các  kỳ họp đại  kết liên tôn, và những quan tâm hết sức tích cực của Đức Phanxico về biến đổi khí hậu trong Thông điệp Laudato Si-Chúc tụng Chúa, (chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta) được  ký ngày 25-4-2015 và được công bố trưa ngày 18-6-2015, nhưng hơn hết Ngài kêu gọi tình yêu thương nhau, yêu thương người nghèo khổ như một tiếng nói chung, đồng nhất để cùng tôn thờ một Thiên Chúa là Cha và yêu thương nhau. Phương châm là “giãn cách để phòng chống đại dịch Covid-19, nhưng không giãn cách tình yêu thương, tình người, giúp đỡ nhau. Hơn khi nào hết, trong thảm họa đại dịch Covid-19 này, hết thảy mọi người, trong mọi quốc gia, hãy chụm đầu vào nhau để tìm ra phương thuốc ngăn ngừa, chữa trị sự lây lan và giết người khủng khiếp này ! 
Có thể nói Việt Nam là một gương sáng về tinh thần chống đại dịch Covid-19, và tình yêu đùm bọc nhau.
Hãy cùng nhau bảo vệ trái đất này.Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, Laudato Si, là tình yêu tâm huyết của ĐGH Phanxicô gửi đến thế giới hôm nay
Phêrô Nguyễn Mai
Thông tin khác:
Về nơi giáo xứ treo cờ Tổ quốc, giáo dân tặng vịt thoát nghèo (15/09/2020)
Hội nghị "Biểu dương gương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo" lần thứ V, giai đoạn 2015-2020 (11/09/2020)
Lãnh đạo Công giáo và Anh giáo ở Anh cầu nguyện cho hòa bình sau vụ đâm chém ở Birmingham (09/09/2020)
ĐTC tiếp nhóm vận động viên tham gia sáng kiến liên đới “We Run Together” (09/09/2020)
ĐHY Parolin truyền chức linh mục cho 29 phó tế của Opus Dei (08/09/2020)
Ngày 3/10, tại Assisi, ĐTC sẽ ký thông điệp mới về tình huynh đệ con người (08/09/2020)
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc thiên nhiên (08/09/2020)
Caritas Ý và Focsiv phát động chiến dịch trợ giúp cho năm học mới (06/09/2020)
Các giám mục Hoa Kỳ kêu gọi liên đới trong dịp lễ Labour Day (06/09/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log