Khi được thầy là người bạn, người anh gần gũi, chân tình. Ở trên đời này có nhiều loại thầy: Thầy bói, thầy cúng, thầy địa lý (xem mồ mả, đặt hướng nhà). Nhưng ai ai cũng tôn trọng nhất là hai người thầy: Thầy thuốc và thầy dạy học. Thầy thuốc chăm lo sức khoẻ cho mọi người, có sức khoẻ thì có tất cả, mất sức khoẻ mà mất tất. Người có bệnh tật, yếu đuối chỉ có một ước mơ duy nhất là có sức khoẻ. Còn thầy dạy chữ ư? Chẳng cần viết nhiều, nói nhiều về vai trò quan trọng của thầy chỉ cần dẫn một số câu ca dao, thành ngữ dưới đây cũng đã nói quá đầy đủ: "Không thầy đó mày làm nên", "Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Dù chỉ học thầy đôi ba chữ hoặc nửa chữ cũng được gọi là thầy, câu thành ngữ âm hán "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" nói lên vai trò của người thầy được tôn vinh đến tột cùng. Sự kính yêu thầy vốn là truyền thống tốt đẹp đã ngấm vào máu thịt bao thế hệ từ xa xưa đến nay và mai sau, nó được cụ thể hoá bằng cử chỉ đầy ân nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc khi tết đến xuân về: "Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy". Như vậy, về mặt ngôi thứ kính trọng và tình cảm thiêng liêng thì thầy giáo đứng hàng thứ hai, sau người cha đẻ mình, thật vinh hạnh chưa! Người Việt Nam chúng ta rất tôn sư trọng đạo không chỉ tôn kính, lập đền thờ, miếu thờ các bậc thầy trên đời tài ba đức độ như Chu Văn An, mà còn thờ cả bậc thầy ở Trung Quốc như thờ Khổng Tử.
Người Việt Nam chúng ta, ngày nay ai mà không một lần đến trường, mà đến trường là có thầy dạy chữ, nếu không có điều kiện đến trường lớp thì học tại nhà, học bạn - thì bạn đó là thầy ta. Có người trở thành tài danh, không đến trường, ra lớp mà họ tự học trường đời, học trong sách. Trường đời cũng là thầy ta. Học ở sách thì người viết sách - tác giả của mỗi cuốn sách cũng là thầy gián tiếp dạy ta.
Bù đắp lại sự tôn vinh, kính yêu thầy, nhiều thầy giáo, cô giáo cũng đáp lại tình cảm của trò cảm động không kém. Những năm đất nước còn khó khăn, có thầy cô trước cảnh mùa đông gió rét khoác áo cho học sinh nghèo, có em phải bỏ học, thầy cô đến nhà động viên đến lớp. Thầy cô đã cho chữ nghĩa, còn cho tình cảm yêu thương và khi họ trưởng thành đã không bao giờ quên thầy: "Trường xưa, thầy cũ yêu thương tìm về". Riêng tôi đã ở vào trường hợp như thế, lần ấy tôi gặp thầy giáo cũ đã khóc, sau đã viết được mấy câu thơ:
"Chiều nay con về thăm thầy
Tóc thầy bạc trắng như mây cả rồi
Ngỡ ngàng chỉ một chút thôi
Ôm con nước mắt thầy rơi ròng ròng...
Mùa đồng áo mặc phong phanh
Khăn quàng thầy cởi để dành cho con..."
Bữa ấy, không chỉ tôi khóc, mà thầy của tôi cũng khóc. Tôi thương thầy tôi lắm! Thầy đã hơn 80 tuổi... mà vẫn khóc khi cậu học trò là tôi đã ngót 60 tuổi.
Ôi! sao tôi thương thầy tôi thế! Nhưng mà... thầy là thầy của các bạn tôi nữa, đâu của riêng tôi! Tôi hơi ích kỷ, muốn có hết tình cảm của thầy về mình cơ. Âu tôi cũng vì một tấm lòng cao cả: Quá kính yêu thầy, thầy là thần tượng của tôi! Thầy ấy - là thầy Nguyễn Kim Ngọc là một thầy giáo dạy văn từ hồi cấp II của tôi. Nhà thầy ở đường Phạm Ngũ Lão, TP Hưng Yên. Thầy đã mất cách đây 3 năm. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Tôi viết bài này cùng một nén tâm nhang dâng thầy. Cũng là một bó hoa dâng cúng thầy, thân tặng các thầy cô giáo nhân ngày 20/11 năm nay. Dẫu bao nhoà bản nhạc, trang văn thơ cũng nói công cha, nghĩa mẹ ơn thầy. Lúc này tôi chợt nhớ tới bốn câu thơ của cố nhà thơ Nguyễn Ngọc Mãi, viết về thầy giáo dạy văn của mình ở trường cấp III Phù Cừ năm 1965-1970.
"Bao nhiêu năm thầy vẫn bắc cầu kiều
Nâng bước đàn em trên từng nét chữ
Thầy vẫn trẻ như ca dao tục ngữ
Giản dị mỡ màu khai thác mãi không vơi!!"
Vâng, các thầy cô trẻ mãi như ca dao, tục ngữ và mỡ màu khai thác mãi không vơi. Nghĩ đề tài về các thầy, cô giáo là vô tận. Và tôi có viết về thầy giáo tôi cũng mãi mãi không vơi, có phải không thầy ơi?
Lê Hồng Thiện