Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị thi đua toàn quốc Biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ 5, giai đoạn 2015 - 2020 do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tổ chức. |
Cũng vì vậy những phong trào thi đua yêu nước nếu gắn với tôn giáo đều có tác động ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân cư. Hơn nữa, tín đồ các tôn giáo thường lắng nghe và tôn trọng chức sắc của mình, nên một khi phong trào thi đua yêu nước từ phía các tổ chức tôn giáo, thông qua vai trò chức sắc, sẽ có sức lan tỏa ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng trong xã hội.
Trước đây, chức sắc tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc định hướng người tín đồ tôn giáo mình vào các hoạt động thi đua yêu nước, tham gia cách mạng, kháng chiến kiến quốc, chống lại sự chia rẽ, lợi dụng tôn giáo. Ngày nay nội dung thi đua yêu nước đã thay đổi so với trước kia. Nội dung phong trào thi đua yêu nước đa dạng và phong phú hơn, hướng đến những vấn đề chung của cộng đồng như môi trường, dich bệnh, người nghèo, người bệnh. Trong bối cảnh như vậy, một mặt đòi hỏi các tôn giáo phải không ngừng tìm kiếm và đào sâu giáo lý truyền thống của riêng mình để có một sự hội nhập tốt nhất với xã hội, trong đó có việc tham gia tích cực vào các phòng trào thi đua yêu nước. Nhưng mặt khác về cơ chế chính sách Nhà nước, cũng tạo ra những môi trường phù hợp, thuận lợi hơn để phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức cũng như các nguồn lực của tôn giáo. Tôn giáo tham gia thi đua yêu nước còn hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện con người về mặt luân lý, đạo đức, nhân bản, đào tạo con người toàn diện.
Khi tôn giáo thể hiện tốt vai trò của mình trong các cuộc vận động thi đua yêu nước cũng chính là lúc các giá trị tôn giáo được phát huy. Qua các phong trào thi đua yêu nước sẽ làm gia tăng sự hiểu nhau gặp gỡ giữa chính sách của Nhà nước với phương châm sống đạo của các tôn giáo, giúp cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo và chính quyền hiểu nhau hơn. Từ đó tìm ra những điểm gặp để cùng xây dựng đời sống con người và phát triển cộng đồng tích cực nhất. Vận động các tôn giáo tham gia thi đua yêu nước là một truyền thống của Chính phủ Việt Nam từ 1945 đến nay. Điều này tốt cho khối đại đoàn kết dân tộc, giúp đạo đi vào đời, tôn giáo đồng hành cùng dân tộc.
Lý tưởng giáo lý của mọi tôn giáo là hành động vì con người, nên luôn hướng con người tới việc làm lành tránh dữ. Việc yêu thương giúp đỡ nhau cũng là một điểm mạnh tự nhiên vốn có của các tôn giáo. Do đó khi phát động các phong trào thi đua yêu nước với các cá nhân và tổ chức tôn giáo, ngoài tôn trọng niềm tin tôn giáo, cần phải chú trọng tới tính tương thích giữa giáo lý và mục đích và hành động của việc thi đua, để từ đó có thể huy động mạnh mẽ các nguồn lực tôn giáo vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngày nay, nhiều tôn giáo tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước không phải để giành những bằng khen hay giải thưởng. Điều quan trọng với các tổ chức tôn giáo, qua các phong trào, họ muốn làm lan tỏa ảnh hưởng các giá trị tôn giáo mình ra đời sống xã hội.