Tin tức - Hoạt động

THỜ MẪU ở PHỦ DẦY

Cập nhật lúc 09:28 04/04/2017
Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (12/2016).
Phủ Tiên Hương ở khu di tích Phủ Dầy (ảnh: Hoàng Hà)
Phủ Tiên Hương ở khu di tích Phủ Dầy (ảnh: Hoàng Hà)
        Tín ngưỡng đặc sắc thờ Mẫu là gắn liền đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân cả ngàn năm. Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng xuất hiện từ nhu cầu tâm linh của người dân, như cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe, cầu làm ăn, buôn bán phát triển, cộng với sự mong ước có cuộc sống vui tươi rộn ràng. Cách thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu gồm trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Theo đó hát chầu văn (hát văn) giữ vai trò hết sức quan trọng trong hầu bóng (hầu đồng), phụ trợ, kích thích sự thăng hoa giao cảm giữa những người hành lễ diễn xuất và người dự lễ thưởng thức. Nhân vật chính được tôn vinh là Bà Chúa Liễu (Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh, hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Thánh Mẫu). Theo truyền thuyết bà Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong tôn vinh bà, coi bà là "Mẫu nghi thiên hạ” (tức Mẹ của muôn dân). Bà còn được cho là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu. Nhiều làng xã và các đô thị ở phía bắc có đền thờ.

         Lễ hội thờ Mẫu ở Phủ Dầy, tỉnh Nam Định là lễ hội tiêu biểu, diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch (ngày mất của Mẫu Liễu Hạnh). Phủ Dầy là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt tại xã Kim Thái, gần quốc lộ 10 và quốc lộ 38B từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình (tỉnh lộ 56). Quần thể Phủ Dầy bao gồm hơn 20 di tích gắn liền với cuộc đời bà Liễu Hạnh lần giáng sinh thứ 2. Trong đó, kiến trúc quan trọng nhất là Phủ chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng của Mẫu Liễu Hạnh, các di tích nằm ngay sát chợ Viềng. Các kiến trúc còn lại là: Phủ Bóng (Đền Cây Đa Bóng), phủ Giáp Ba, phủ Bất Di, phủ Đá, phủ Nội, phủ Tổ (Khải Thánh), đền Công Đồng, đền Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai, đền Mẫu Thượng, đền Mẫu Thoải, đền Trình, đền Đức Vua, đền Quan Lớn, đền Mẫu Đông Cuông, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Dần, chùa Gôi, chùa Vân Cát, chùa Tiên Hương, chùa Linh Sơn... Phủ Tiên Hương được coi là phủ chính của Mẫu Liễu Hạnh và thờ bên chồng của Mẫu, còn phủ Vân Cát và Phủ Tổ là nơi thờ Mẫu và bên ngoại (bên bố mẹ đẻ) của Mẫu. Cùng thời điểm tháng 3 âm lịch, lễ hội thờ Mẫu Liễu Hạnh diễn ra tại nhiều địa phương, nhưng tại Phủ Dầy là long trọng nhất, có người dự đông đảo nhất, với nhiều tiết mục lễ và hội phong phú: thi hát văn, múa lân-rồng, đấu cờ tướng, biểu diễn nghệ thuật, rước đuốc vv...

 
HẢI HÀ
Thông tin khác:
Lễ Truyền Chức Phó Tế cho 9 Thầy Tại Giáo Phận Hưng Hóa (04/04/2017)
Khánh thành và cung hiến thánh đường giáo xứ Fatima Bình Triệu (31/03/2017)
Đức Thánh Cha viếng thăm nhà tù thánh Vittore ở Milano (31/03/2017)
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày quốc tế chống nạn trẻ em nô lệ (31/03/2017)
Kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển Giáo Lý Viên Tổng Giáo Phận Hà Nội (29/03/2017)
Đức Thánh Cha Phanxicô:Người phụ nữ làm cho thế giới vẻ đẹp hài hòa (29/03/2017)
Người về phương ấy không xa lắm… (29/03/2017)
Tạm biệt: Người Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn (28/03/2017)
Tình yêu đáp trả tình yêu (28/03/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log