Tin tức - Hoạt động

Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số qua phát triển kinh tế

Cập nhật lúc 17:29 14/09/2023
Tăng cường, nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ trong gia đình cũng như xã hội là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy bình đẳng giới trong các gia đình dân tộc thiểu số (DTTS). Khi người phụ nữ DTTS khẳng định được khả năng tham gia đóng góp vào kinh tế gia đình và cộng động người dân địa phương thì vị thế của họ cũng sẽ dần được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội.
 
Hiện đang tồn tại nhiều vấn đề về bình đẳng giới trong lao động, việc làm đối với phụ nữ DTTS. Lao động nữ DTTS đang có cơ cấu việc làm “yếu thế” nhất, khi tỷ trọng việc làm trong nông, lâm nghiệp chiếm tới 76,4%, cao hơn gần 6% so với nam DTTS (70,5%) và cao gấp đôi so với nữ cả nước (35,9%). Có tới 44/53 DTTS có tỷ trọng việc làm của lao động nữ trong nông, lâm nghiệp trên 70%, trong đó 24/53 DTTS có tỷ trọng việc làm của lao động nữ trong nông, lâm nghiệp trên 90%.
Phụ nữ dân tộc thiểu số đang gánh nhiều việc gia đình
Phụ nữ dân tộc thiểu số đang gánh nhiều việc gia đình

Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, tỷ lệ lao động nữ DTTS làm các công việc “Lao động gia đình không hưởng lương” là 52%, cao gấp gần 2 lần so với tỷ lệ này của lao động nam DTTS là 26,6% và cao gấp hơn 2,5 lần so với lao động nữ cả nước (19,4%). Đây là nhóm công việc không ổn định, điều kiện làm việc kém hơn so với việc làm ở các khu vực khác và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế bắt buộc. Trong khi đó, ở những công việc có vị thế cao hơn như “Chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh -dịch vụ” hoặc “Làm công ăn lương” thì tỷ lệ nữ DTTS lại thấp hơn so với nam DTTS và nữ cả nước.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí điện tử Lý luận Chính trị, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố số liệu: “Tính trung bình người phụ nữ ở các gia đình DTTS phải làm việc nhà nhiều hơn so với nam giới gấp gần 1,5 lần”, “khoảng cách giới về thời gian làm việc nhà khác nhau theo các nhóm dân tộc và khu vực. Chênh lệch giữa thời gian làm việc nhà của nam giới và phụ nữ các dân tộc theo chế độ mẫu hệ là 1,5 lần, trong khi đó với dân tộc theo chế độ phụ hệ là 0,7 lần”. Như vậy, người phụ nữ phải đảm nhiệm “vai trò kép” trong gia đình, vừa là nhân vật chính trong hoạt động sản xuất, vừa là người nội trợ, chăm sóc gia đình.
Mặc dù có vai trò, đóng góp quan trọng như vậy nhưng phụ nữ không phải là nhân vật có tiếng nói và đưa ra các quyết định cuối cùng liên quan đến hoạt động sản xuất và nuôi dạy con cái. Trong gia đình, người đàn ông có quyền quyết định hầu hết công việc. Ý kiến của phụ nữ chỉ mang tính chất tham khảo.
Từ năm 2005, Ngân hàng Thế giới trong một nghiên cứu về điều kiện kinh tế - xã hội và giới của các DTTS vùng thuỷ điện chuẩn bị di dời cho thấy, người phụ nữ Mông, La Hủ, Hà Nhì ngày lên rẫy, chiều địu củi về, tối ngồi khung dệt vải. Họ làm quần quật mọi việc nhưng không có quyền quyết định những công việc quan trọng mà luôn do nam giới quyết định.
Sự kiện chia sẻ kết quả thực hiện hợp phần tác động tới thời gian dành cho công việc chăm sóc không được trả công - Dự án AWEEV - “Nâng cao Quyền năng Kinh tế của Phụ nữ ở Việt Nam được tổ chức sáng ngày 15/3/2023 tại tỉnh Hà Giang
Sự kiện chia sẻ kết quả thực hiện hợp phần tác động tới thời gian dành cho công việc chăm sóc không được trả công - Dự án AWEEV - “Nâng cao Quyền năng Kinh tế của Phụ nữ ở Việt Nam được tổ chức sáng ngày 15/3/2023 tại tỉnh Hà Giang
Để thực hiện được bình đẳng giới cần tiến hành thu hẹp khoảng cách về giới trong mọi khía cạnh của đời sống, trong đó vấn đề kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng. Tăng cường, nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ trong gia đình cũng như xã hội là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy bình đẳng giới trong các gia đình DTTS. Khi người phụ nữ DTTS khẳng định được khả năng tham gia đóng góp vào kinh tế gia đình và cộng động người dân địa phương thì vị thế của họ cũng sẽ dần được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền để xoá bỏ định kiến giới cho rằng phụ nữ nên tập trung vào việc chăm sóc nhà cửa, con cái thay vì tạo dựng kinh tế cho gia đình, bởi đây là rào cản lớn khiến phụ nữ DTTS không dám khởi sự kinh doanh do lo sợ thất bại sẽ không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của gia đình và những người xung quanh - bà Đinh Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc, tỉnh Hoà Bình nói.
Câu chuyện của những người phụ nữ Vân Kiều ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có ý nghĩa truyền cảm hứng rất lớn cho những nỗ lực nâng cao vị thế kinh tế cho chị em. Xã Tà Rụt có giống chuối bản địa rất quý. Giống chuối này có ưu điểm là khi chín rất dẻo, thơm, ruột vàng, vị ngọt đậm, thơm, chắc quả, vỏ dày. Không chỉ được người tiêu dùng ưa chuộng trên thị trường hoa quả, quả chuối lùn còn được sử dụng trong công nghệ sản xuất bánh kẹo, mứt tết, đem lại giá trị cao.
Gặp nhau ở một ước mơ cháy bỏng là khôi phục lại các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, một nhóm gồm 15 chị em phụ nữ người Vân Kiều ở Tà Rụt đã cùng nhau xây dựng ý tưởng “Phục hồi giống chuối lùn bản địa” để tham gia cuộc thi “Chứng minh ý tưởng” lần thứ 3 với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Tham dự cuộc thi có 751 ý tưởng của phụ nữ khắp mọi miền Tổ quốc. Trải qua khoá đào tạo tiền ươm tạo và vòng bảo vệ trước Hội đồng, ý tưởng của nhóm phụ nữ Vân Kiều xã Tà Rụt là một trong 35 ý tưởng được Hội đồng lựa chọn trao giải với tổng ngân sách hỗ trợ 150 triệu đồng.
Ý tưởng được triển khai tổ chức thực hiện từ tháng 7/2019, bắt đầu từ việc thành lập tổ hợp tác trồng chuối lùn với sự tham gia của 15 thành viên. Từ con số 1.800 cây giống chuối lùn bản địa tại địa phương, đến nay, tổ hợp tác đã phát triển thành 7.500 cây, trong đó 2/3 cây đã cho thu hoạch. Thu nhập từ việc bán chuối của chị em đạt hơn 500 triệu đồng. Không chỉ mang ý nghĩa tạo việc làm, mang lại thu nhập, mô hình này đã tiếp sức cho khát vọng vươn lên làm chủ kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương của những người phụ nữ Vân Kiều, đồng thời tạo động lực cho các chị em khác tự tin tiến bước.
Trong triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện việc làm, thu nhập, đời sống cho phụ nữ DTTS thì Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có vai trò quan trọng. Các cấp Hội Phụ nữ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các mô hình; hướng dẫn chị em phụ nữ DTTS tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức các khoá dạy nghề, khuyến nông, tư vấn, giải quyết việc làm cho chị em; các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến, trồng trọt, thu mua nông - lâm - thuỷ sản, đồ thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng; 
 
T. Dũng
Thông tin khác:
Tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (14/09/2023)
Bắc Giang: Vì sao chậm tiến độ giải ngân vốn các chương trình MTQG ? (13/09/2023)
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden thu hút báo chí quốc tế (13/09/2023)
Quan tâm chăm lo gia đình chính sách, người có công (11/09/2023)
Việt Nam- Hoa Kỳ thông qua Tuyên bố chung, nâng tầm quan hệ hai nước (11/09/2023)
Trà Vinh: Hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (09/09/2023)
Thanh Hóa: Tập huấn công tác thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (09/09/2023)
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (08/09/2023)
Phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển mạnh mẽ (08/09/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log