Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960. Ảnh: TL |
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một vấn đề rộng lớn, bao hàm rất nhiều lĩnh vực có ảnh hưởng rất lớn đến việc định hướng cách mạng, xây dựng phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên cũng như với quần chúng nhân dân. Thời gian vừa qua đã có nhiều nghiên cứu công phu về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng có một lĩnh vực còn ít được đề cập tới đó chính là tư tưởng công tác tôn giáo vận của Hồ Chí Minh.
Ai cũng biết và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không hề dấu giếm, mình là người cộng sản, là người duy vật mà theo Hồ Chí Minh thì “Tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật…Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật là ngược nhau, rõ ràng là thế” (1).Nhưng khác nhau, ngược nhau không có nghĩa là phải loại trừ nhau. Đây là cách hành xử rất khác giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều người Mác xít trên thế giới. Tại sao lại thế? Bởi Hồ Chí Minh là người đã sớm phát hiện ra những giá trị nhân văn cao cả của các tôn giáo:
“Chúa Giêsu dạy” Đạo đức là bác ái
Phật Thích ca dạy: Đạo đức là từ bi
Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa” (2).
Có lẽ Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã tìm thấy sự tương đồng giữa các học thuyết cách mạng và tôn giáo đều có một mẫu số chung đó là vì hạnh phúc của con người qua đoạn văn rất nổi tiếng:
“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng cá nhân.
Tôn giáo của Chúa Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả.
Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng.
Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên cơ ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.
Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng dó những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết” (3).
Đã là bạn bè thân thiết và đều có một mục đích, lý tưởng chung giống nhau thì làm sao lại phải loại trừ nhau, tiêu diệt nhau?
Như thế, sẽ phải ứng xử với các tôn giáo ra sao? Quan điểm đầu tiên của Hồ Chí Minh xác lập khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945 là: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Đây là lập trường xuyên suốt và chi phối chính sách và pháp luật của nước ta liên quan đến tôn giáo. Thật ra, không dễ gì giữ được lập trường như vậy bởi tôn giáo là vấn đề nhạy cảm, phức tạp luôn là đối tượng để các lực lượng chính trị, đảng phái tranh thủ, lôi kéo. Ở Việt Nam, trong kháng chiến, đã có những bộ phận tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo theo giặc chống lại cách mạng và dân tộc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỉnh táo để nhận ra: “Phần lớn đồng bào các tôn giáo, nhất là các tầng lớp lao động đều yêu nước kháng chiến như Công giáo ở nhiều nơi, như Cao đài kháng chiến… Một phần bị địch lợi dụng như ngụy quân Cao đài, Hòa hảo, Công giáo Nam Bộ. Một số đồng bào Công giáo tuy bản chất thì tốt nhưng bj bọn cầm đầu phản động lung lạc, nên họ hoài nghi chính sách của Đảng và Chính phủ” (4).
Trên thực tế, cũng có nơi này, nơi kia đã xảy ra các vụ đụng độ giữa chính quyền và một bộ phận tín đồ làm cho không ít người phải lo lắng muốn Chính phủ phải dùng biện pháp mạnh nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh phân tích tình hinh, tìm ra nguyên nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi thư với Giám mục Phát Diệm Lê Hữu Từ: “Một đàng, có những người Công giáo nhẹ dạ, dễ tin; đàng khác có những cán bộ cấp thấp của Chính phủ thiếu tế nhị, rồi những kẻ gây rối lợi dụng khai thác hai yếu tố trên, nhằm tạo ra bầu khí không lành mạnh”. Người chủ động đưa ra giải pháp để xử lý hiệu quả. Trong thư gửi giám mục Lê Hữu Từ ngày 23/3/1947, Hồ Chủ tịch viết: “Một đàng, chúng ta cần giải thích cho người Công giáo hiểu rõ chủ trương chính sách của Chính phủ như Đức cha đang làm. Đằng khác, cần giáo dục cán bộ của Chính phủ như bản thân tôi đang làm. Như vậy thì bọn gây rối sẽ không còn có thể chia rẽ chúng ta và sự đoàn kết của toàn dân sẽ được thực hiện” (5)...