Tin tức - Hoạt động

Tôn giáo trong cuộc chiến tại Ucraina

Cập nhật lúc 15:11 14/03/2022
Trong số những lý do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra, qua diễn văn dài trên đài truyền hình Nga chiều 21/2, ngoài những lý do chính trị và quân sự, còn có lý do tôn giáo, gọi là để “bênh vực Giáo hội Chính thống Nga tại Ucraina”. Thực tế như thế nào?
Người tị nạn Ucraina trong một nhà thờ
Người tị nạn Ucraina trong một nhà thờ

Trong số 41 triệu dân tại Ucraina hiện nay có khoảng 60% là tín hữu Chính Thống. Trước đây phần lớn các tín hữu này là Chính thống Nga và thuộc quyền Tòa Thượng phụ Matxcơva, nhưng sau khi Liên Xô tan rã và Ucraina độc lập từ năm 1991, Đức TGM Filaret ở Kiev đã cổ võ thành lập Chính thống Ucraina độc lập, tuyên bố tách rời khỏi Tòa Thượng phụ Matxcơva từ năm 1992, và vì thế bị Tòa Thượng phụ phạt vạ tuyệt thông.

Đức Thượng phụ Bartolomaios, Giáo chủ Chính thống Constantinople, là vị đứng đầu các Thượng phụ Chính thống giáo, trong nhiều năm, đã tìm cách đưa 3 cộng đoàn Chính thống tại Ucraina hiệp nhất với nhau nhưng không thành công. Tổng thống Petro Peroshenko tìm cách đẩy mạnh việc nâng Giáo hội Chính thống Ucraina thành một Giáo hội độc lập giống như 14 Giáo hội Chính thống khác trên thế giới. Năm 2018, ông đích thân đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thỉnh cầu Đức Thượng phụ Bartolomaios nhìn nhận sự độc lập của Chính thống Ucraina mặc dù có sự chống đối mạnh mẽ của Tòa Thượng phụ Chính thống Matxcơva, vì Giáo hội này vẫn coi Ucraina là lãnh thổ của mình theo Giáo luật. Đức Thượng phụ đã đáp ứng yêu cầu này và ngày 6/1/2019 đã trao sắc lệnh (Tomos) cho các vị lãnh đạo Chính thống Ucraina nhìn nhận sự độc lập (autocephalia). Chính thống Nga coi việc làm của Đức Thượng phụ Bartolomaios là trái với Giáo luật Chính thống và cắt đứt sự hiệp thông với Chính thống Constantinople và coi là “ly giáo”.

Ngoài Chính thống giáo, tại Ucraina còn có Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương. Giáo hội này tách rời khỏi Chính thống Nga năm 1595, hiệp nhất với Tòa Thánh và vẫn giữ nguyên phụng vụ và truyền thống Bizantine. Cộng đoàn này hiện có khoảng 5 triệu tín hữu trên thế giới. Thêm vào đó có khoảng 800 ngàn tín hữu Công giáo Latinh gồm 6 giáo phận, đa số là người gốc Ba Lan.

Trong diễn văn truyền hình ngày 21/2 vừa qua, Tổng thống Putin của Nga nói rằng: “Tại Thủ đô Kiev, họ (chính quyền Ucraina) đang chuẩn bị những hành động bạo lực chống Giáo hội Chính thống Ucraina thuộc Tòa Thượng phụ Matxcơva” và nhà cầm quyền Ucraina đang biến thảm trạng chia rẽ của Giáo hội thành một công cụ phục vụ cho chính sách của nhà nước. Có những dự luật nhắm vào hàng giáo sĩ và hàng triệu tín hữu thuộc Tòa Thượng phụ Matxcơva đã được đệ trình quốc hội ở Thủ đô Kiev. Kiev không đáp lại những lời kêu gọi loại bỏ những luật vi phạm quyền của các tín hữu.”

Trong những tuần lễ căng thẳng trước khi xảy ra cuộc tấn công của quân đội Nga vào Ucraina, người ta thấy những lập trường khác nhau của các vị lãnh đạo tôn giáo: Chính thống Maxcơva dĩ nhiên ủng hộ lập trường của Tổng thống Putin, Giáo hội Chính thống Ucraina độc lập ủng hộ lập trường của Tổng thống Zelensky, cũng như Giáo hội Công giáo Ucraina nghi lễ Đông phương. Còn Giáo hội Chính thống Nga tại Ucraina ban đầu im lặng, và chỉ sau khi chiến tranh bùng nổ ngày 24/2 mới mạnh mẽ lên án chiến tranh. Giáo hội Công giáo Latinh, một thiểu số bé nhỏ thì cũng lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình.

Khi chiến tranh bùng nổ, Đức Thượng phụ Kirill, Giáo Chủ Chính thống Nga, cũng bày tỏ lo âu vì chiến tranh của Nga tại Ucraina, và tuyên bố rằng: “Trong tư cách là Thượng Phụ và giáo chủ của toàn Giáo hội tại Nga, với các đoàn chiên tại Nga, Ucraina và các nước khác, tôi cảm thương sâu xa đối với những người bị thương tổn vì bất hạnh này”.

Ngài cũng nhắc lại rằng dân tộc Nga và dân tộc Ucraina liên kết với nhau qua lịch sử bao thế kỷ, bắt đầu từ biến cố nước Nga chịu phép rửa qua Thánh Đại Quận công thành Kiev (cách đây hơn 10 thế kỷ) Đức Thượng phụ Kirill hy vọng sự hiệp thông đó, do Chúa ban, sẽ giúp vượt thắng những căng thẳng và xung khắc đã đưa tới cuộc xung đột hiện nay” 
Thông tin khác:
Ủy ban MTTQ TP Hà Nội: Tiếp nhận 25,8 Tỷ đồng ủng hộ Quỹ "Vì biển, đào Việt Nam" năm 2022 (12/03/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về một số vấn đề quan trọng (12/03/2022)
Thánh lễ Công giáo “lịch sử” tại nhà thờ chính toà thánh Phêrô của Giáo hội Tin Lành ở Genève (11/03/2022)
27 vị tử đạo dòng Đaminh thời nội chiến Tây Ban Nha sẽ được phong chân phước vào tháng 6 (11/03/2022)
Chiến dịch tiêm Vaccine đã thành công, dịch bệnh trong tầm kiểm soát, tiếp tục thực hiện "đa mục tiêu" (10/03/2022)
287 người Việt sơ tán khỏi vùng chiến sự tại Ukraine về nước an toàn (10/03/2022)
Tân binh lên đường nhập ngũ năm 2022 (09/03/2022)
Hai cơ sở hợp tác Việt – Mỹ (09/03/2022)
Chung tay xây dựng thành phố môi trường (09/03/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log