Tin tức - Hoạt động

Trở lại Sa Pa

Cập nhật lúc 10:22 16/07/2024
Tôi đã đi Sa Pa nhiều lần, nhưng khi quận Tây Hồ mời đi giao lưu với giáo xứ mờ sương này, tôi nhận lời ngay, vì muốn biết những đổi thay của giáo xứ cổ kính đã trên 120 tuổi này (thành lập năm 1902). 
Sapa - Thị xã sương mù mộng mơ.
Sa Pa - Thị xã sương mù mộng mơ.
 
Đoàn trước nhà thờ đá Sapa.
Đoàn trước nhà thờ đá Sapa.
Đặt chân đến khuôn viên nhà thờ, chúng tôi được các nữ tu dòng Thánh Phaolô (Hà Nội) bố trí ngay phòng ở trong khuôn viên. Đó là khu nhà cao tầng, có 3 tầng nổi và 2 tầng hầm mới được đưa vào sử dụng từ năm 2021. Phòng dành cho 4-5 người, có điều hòa, nước nóng, chăn gối, đệm đầy đủ cả. Chỉ có điều không có màn hình tivi mà chỉ có tượng chịu nạn, vì là nơi lưu trú cho khách hành hương.



Để có được khuôn viên rộng rãi như ngày nay, giáo xứ phải kiên trì đối thoại, cộng tác với chính quyền và nhân dân ở đây. Từ năm 2014, giáo xứ có đơn xin được cấp hơn 6.000 m2 đất, trước đây là của giáo xứ tạo lập nhưng bây giờ, đất đai đã thay đổi vì trải qua nhiều biến động lịch sử. Khi chính quyền có quyết định thu hồi đất của 8 hộ dân trong khu vực này, chỉ có 2 hộ đồng ý nhận tiền đền bù, còn 6 hộ phản đối. Họ khiếu nại lên tận Trung ương vì cho rằng, nhà của họ ở nhiều đời, đã được cấp sổ đỏ. Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải về tận nơi đối thoại với dân. Nhưng vẫn còn 4 hộ không đồng ý dời đi. Tòa Giám mục Hưng Hóa cũng cộng tác xin đóng góp hỗ trợ kinh phí di chuyển cho người dân phải di dời. Cuối cùng còn 3 hộ, chính quyền phải cưỡng chế vào năm 2016, để giao mặt bằng cho giáo xứ. 
Đoàn thăm linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình, dự lễ đồng tế kính hai thánh Phêrô, Phaolô và dùng bữa tối với giáo xứ.
Đoàn thăm linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình, dự lễ đồng tế kính hai thánh Phêrô, Phaolô và dùng bữa tối với giáo xứ.
Tôi biết cha Phêrô Phạm Thanh Bình từ ngày Đức cha Antôn Vũ Huy Chương truyền chức linh mục năm 2006 rồi được cử về coi sóc giáo xứ Sa Pa từ đó đến nay đã 18 năm tròn. Khi về Sa Pa, ngôi nhà thờ cổ kính được xây dựng năm 1926 vốn được đưa vào nhiều bưu thiếp, hình ảnh về Sa Pa- xứ sở sương mờ rất đẹp, rất thơ mộng nhưng 60 năm nay không có linh mục coi sóc. Chủ nhật, cha Phêrô dâng lễ thì lèo tèo mấy chục giáo dân miền xuôi lên làm kinh tế. Cha Phêrô bắt đầu đi “gom nhặt” giáo dân từ các huyện của tỉnh Lao Cai, rồi Điện Biên, Lai Châu. Đây là vùng đất của rất nhiều dân tộc thiểu số như Thái, Sán Dìu, Tày, Hà Nhì nhưng đông nhất là người H’Mông. Người dân tộc sống đơn sơ, chất phác nhưng giai đoạn trước đây cũng lắm hủ tục nặng nề. Mới 13, 14 tuổi đã cưới gả. Mà tiền thách cưới thì rất lớn lên tới 80, 100 triệu. Nên cưới xong thì nợ nần chồng chất, rất khổ. Ốm đau thì lại chạy thầy cúng, thầy mo chứ không đi bệnh viện. Dù được đi học miễn phí cấp 1, cấp 2, nhưng chẳng mấy người đi học. Bởi theo họ, học cũng chẳng làm gì. Lên nương, lên rẫy cần gì lắm chữ. Sợ nhất là trong nhà khi có người qua đời. Người chết để đó, cứ mổ lợn, giết trâu uống rượu ngày này qua ngày khác, tốn kém vô cùng… Cha Phêrô bắt đầu mở lớp về hôn nhân gia đình ở Hầu Thào, Lao Chải. Buổi đầu cũng chỉ mươi người đến nghe. Nhưng sau đông dần, người lớn tuổi, thanh thiếu niên đều thích. Nạn tảo hôn ít dần. Tiền thách cưới cũng giảm đi chỉ còn 10-15 triệu thôi. Khi có người ốm nặng, cha Phêrô cho xe đón cả bệnh nhân và người nhà đi xuống tận Hà Nội chữa trị. Nếu bệnh nhân không qua khỏi, thì giáo xứ chung tay làm đám tang trọng thể. Để vận động thanh thiếu niên đi học lên lớp cao, giáo xứ Sa Pa mở nhà lưu trú từ năm 2006. Mỗi năm giúp cho khoảng 60 đến 80 em theo học cấp 2, cấp 3 đến từ nhiều địa phương như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu. Cha Phêrô nhờ các nữ tu dòng Mến Thánh giá Hưng Hóa, dòng Thánh Phaolô Hà Nội quản giúp, vì các em tuổi mới lớn cũng rất cần phải chỉ bảo từng ngày nhất là các em nữ. Những em đến đây, được hỗ trợ chỗ ăn, nghỉ, tiền học phí khi đi học ở trường. Cái nôi này cũng đã nuôi dưỡng nhiều ứng sinh cho ơn gọi như nữ tu Maria Matta Lồ Thị Chư (dòng Thánh Thể Bác Ái, Korea), nữ tu Maria Má Thị Dua (dòng Mến Thánh giá Hưng Hóa), linh mục Giuse Má A Cả (giáo phận Hưng Hóa). Cũng có gần mười em vào đại học, cao đẳng. Một số em do có khả năng học ngoại ngữ trở thành nhân viên phục vụ các nhà hàng, khách sạn hay bán hàng lưu niệm cho khách du lịch có thu nhập tốt…Cứ thế, số người dân tộc xin theo học đạo ngày càng đông. Đến nay, giáo xứ Sa Pa đã có hơn 4.700 tín hữu trong đó hơn 90% là người dân tộc H’Mông. Từ một giáo xứ Sa Pa, nay đã hình thành thêm 3 chuẩn xứ mới là Hầu Thào, Lao Chải và Sử Pán mà Hầu Thào, Lao Chải mỗi nơi có tới gần 1.200 giáo dân. Hầu Thào đã có nhà thờ kiến trúc gotich khá đẹp và rộng rãi. Giáo xứ cũng có gần 20 giáo điểm nữa. 
Cha Phêrô bây giờ ngoài Trưởng ban Mục vụ cho người dân tộc thiểu số của giáo phận còn “gánh” thêm chức quản hạt Lào Cai- Lai Châu nên khá bận rộn. Cha nói, có khi phải đi làm mục vụ xa vài trăm cây số. Khi đoàn chúng tôi đến, cha vừa đi dâng lễ cùng một cha mới nhận xứ ở Tân Quang, Vị Xuyên, Hà Giang và lại chuẩn bị đưa một cha đi nhận xứ ở Xéo Sìn Chài tận Lai Châu. Cha kể chuyện vui. Có lần cha đưa thêm 2 cha khách đến một giáo điểm dâng lễ hỏi bà con: Bà con muốn cha nào chủ tế hôm nay? Họ đáp: thằng nào chủ tế chẳng được….
Trong những ngày ở Sa Pa, chúng tôi đặt bữa ở nhà ông Phó Hội đồng mục vụ giáo xứ Nguyễn Đức Thắng- quê ở Thịnh Long (Nam Định), từng giúp lễ cha cố Vinhsơn Nguyễn Đức Hiệp. Nhà hàng chế biến món ăn ngon, giá cả hợp lý nên lúc nào cũng đông khách.
Nhưng chúng tôi nhận được tin cha Phanxicô Xaviê Vũ Đức Văn- người rất thân quen với chúng tôi đã từng coi sóc giáo xứ Phủ Lý, Trại Mới, Bái Xuyên, Hòa Khê… được Chúa gọi về. Vậy là đoàn quyết định về sớm hơn dự định. Ông Lê Văn Cửu- nguyên Trưởng ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội cũng đề nghị đi viếng cha cố Vũ Đức Văn ở tận quê cha, giáo họ Phú Lư, thuộc giáo xứ Cao Đường (Lý Nhân, Hà Nam).
Đoàn Thành phố Hà Nội gồm Ủy ban MTTQ Thành phố, Phòng PA02, Công an Hà Nội, Ủy ban ĐKCGVN Thành phố cùng đến viếng cha cố Phanxicô Xaviê. Đoàn chúng tôi cũng gặp Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đến viếng. Ngài nói, thật hạnh phúc khi cha cố Phanxicô Xaviê vừa dâng lễ tạ ơn mừng 47 năm làm linh mục, 80 năm làm con Chúa rồi thanh thản ra đi. Xin mọi người cùng tạ ơn Chúa với cha cố Phanxicô Xaviê. Gặp Đức TGM Giuse, chúng tôi chúc mừng Ngân khánh Giám mục của Ngài (1999-2024). Chúng tôi biết, sáng 29/6, tại Đan viện Châu Sơn, một thánh lễ kỷ niệm đơn sơ không có khẩu hiệu, không nhiều hoa nhưng làm xúc động rất nhiều người nhất là nghe bài chia sẻ của cha giáo Matthêu Nguyễn Khắc Hy. Trước đó, các giáo phận như Lạng Sơn, Hà Nội cũng có phái đoàn về Châu Sơn, chúc mừng ngân khánh của Ngài. Xin Chúa tiếp tục nâng đỡ Ngài khi tuổi cao, sức khỏe không còn tốt như xưa.
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Những nhà truyền giáo kỹ thuật số hướng tới Năm Thánh Giới trẻ (13/07/2024)
Việt Nam luôn dành ưu tiên hàng đầu cho phát triển quan hệ với Campuchia (13/07/2024)
Vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào (13/07/2024)
Mỗi cán bộ Mặt trận là người đi xây dựng khối Đại đoàn kết (13/07/2024)
Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore (11/07/2024)
Khánh Hòa: Ủy ban Đoàn kết Công giáo triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 (08/07/2024)
“Người hùng” trong hỏa hoạn: “Người hùng cũng phải mưu sinh” (04/07/2024)
Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu chủ trì sơ kết Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam bộ (04/07/2024)
An toàn cho trẻ em trên môi trường số (02/07/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log