Tin tức - Hoạt động

Trở về miền Trung

Cập nhật lúc 11:01 23/10/2024
Trở về những di tích lịch sử đầy máu và hoa ở Quảng Trị, lại được thăm những danh thắng ở La Vang, cố đô Huế thân thương trong chúng tôi đầy xúc động.


1. Quảng Bình, Quảng Trị anh hùng 

Con đường từ Hà Nội vào miền Trung như ngắn lại vì có đường cao tốc sáng từ Hà Nội, chiều đã ở thành phố Đông Hà.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi viếng thăm là thành cổ Quảng Trị. Trong đoàn cũng có người đã từng tham gia chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành cổ này năm 1972 đỏ lửa. Thành Quảng Trị chỉ vỏn vẹn có diện tích hơn 3km2 mà có ngày phải gánh chịu tới 300 ngàn quả đạn pháo. Tính ra Mỹ đã thả xuống đây lượng thuốc nổ tương đương 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima, Nhật Bản. Vậy cho nên, bất cứ gốc cây, ngọn cỏ nào ở đây cũng có xương và máu chiến sĩ. Nhiều người ngã xuống khi đang là sinh viên, chưa một lần nắm tay bạn gái. Có người vừa cưới vợ chưa kịp tuần trăng mật đã nằm lại nơi này. Chúng tôi lên lễ đài dâng hương cho các liệt sĩ mà lòng rưng rưng xúc động. Bên tai văng vẳng câu thơ của Lê Bá Dương: Đò lên Thạch Hãn ơi! Chèo nhẹ/ Dưới sông còn đó bạn tôi nằm…”
Cũng như hôm đến nghĩa trang Trường Sơn, nhìn thấy bạt ngàn các ngôi mộ liệt sĩ mà quê quán đủ ở các tỉnh, thành mới thấy sự hy sinh trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước lớn chừng nào. Trời nắng, chúng tôi cũng chỉ thắp hương được nơi tượng đài và những ngôi mộ gần tượng đài.
Đến biển Nhật Lệ nước trong và sóng vừa phải nhưng khách không đông lắm. Vị trí này quá xa nên không thể đón khách đông như Sầm Sơn, Cửa Lò. Chúng tôi đến bên tượng đài Mẹ Suốt- người mẹ anh hùng chèo đò đưa bộ đội qua sông thời chiến tranh. Thật khâm phục ý chí người mẹ Việt Nam thời chiến. Tại đây các nhà hàng có món đặc sản “cá cơm mẹ Suốt” rang giòn với lạc rất ngon. Nhiều khách ở Hà Nội đặt mua đưa về làm quà. 
Ghé Vũng Chùa, đảo Yến thắp hương cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vậy đã 11 năm kể từ ngày Đại tướng về yên nghỉ nơi đây, hằng ngày vẫn đông khách hành hương đến viếng. Bãi đậu xe vẫn đông. Con đường lên phần mộ trước đây có 103 bậc - tương đương tuổi của Đại tướng, bây giờ lát đá xanh khá phẳng. Phần mộ của Đại tướng vẫn là nấm đất, không tượng, ảnh. Chỉ có tấm bia ghi tên tuổi của Đại tướng. Đúng là giản đơn và khiêm nhường. Chết rồi vẫn giản đơn. Chỉ có chút băn khoăn, giá gần đây có một nhà vệ sinh, một bình nước lọc cho khách hành hương thì tốt biết mấy. Tôi tin chắc nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng làm ngay khi có yêu cầu.




2. Đến Huế thân thương 

Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân lên Huế là Trung tâm Hướng Thiện La Vang của cha Phanxicô Xaviê Trần An (còn gọi là Trần Ân). Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Vinh buôn bán vàng. Anh thanh niên Trần An biết chế tác vàng nên lúc nào cũng rủng rỉnh tiền là tiền. Thế là anh thường giao lưu với thanh niên con nhà giàu và nghiện hút, đi mua thuốc phiện và bị bắt. 12 tháng tù chưa đủ giáo hóa. Ra tù lại tiếp tục giao du với con nghiện. Cha mẹ anh An là người đạo đức, ra sức cầu nguyện và gửi anh cho một cha quen biết để cải hóa. Vậy là cha mẹ lại dắt cậu vào tận Đan viện Thiên An giao phó vào năm 1994. Không biết Đan viện cảm hóa thế nào mà thầy An trụ được trở thành tu sĩ và ngày 1/1/2008, Đức TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể đã trao sứ vụ linh mục cho thầy. Sau đó, cha An xin lập Trung tâm Hướng Thiện La Vang năm 2012. Năm đầu tiên, dù cơ sở vật chất còn rất nghèo, Trung tâm đã đón 50 người nghiện hút, tù tội. Chữa trị cho họ chính là kinh nghiệm của cha: liệu pháp trị liệu tâm linh. Lao động- Cầu nguyện là song hành. Lạ thay, không có ai bỏ trốn khỏi Trung tâm dù cửa luôn mở. Khóa đầu đó đã có 10 người tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3, 2 người đỗ đại học và 1 người xin đi tu. Vậy là hàng năm Trung tâm đều nhận học viên mới. Bây giờ có 80 học viên. Năm 2023 có 12 người tốt nghiệp trung học phổ thông, 4 người đỗ đại học, 4 người xin đi tu. Cơ ngơi Trung tâm khang trang như hiện nay đều do các học viên tự tay xây dựng lên. Có sân bóng, có xưởng sản xuất, có vườn trồng rau sạch, chăn nuôi gà. Ai cũng có nghề. Chưa có nghề thì đi học anh em biết hoặc đi trồng rau, nuôi gà. Khách đến thăm rất ngạc nhiên thấy những người xăm trổ đầy mình mà quỳ gối đọc kinh nguyện trước bữa ăn thật sốt sắng. Chúng tôi thấy Trung tâm đang chuẩn bị cả ngàn bộ chăn gối cho khách hành hương La Vang. Anh Phạm Ngọc Kỳ- Trưởng ban ĐKCG quận Thanh Xuân gửi tặng Trung tâm chút quà. 






Qua linh địa Thánh Mẫu La Vang, thấy vẫn có lễ bên cạnh lễ đài, vẫn có người tập trung khấn nguyện trước linh đài Đức Mẹ. 
Chúng tôi qua nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế Huế. Đây là một kiến trúc pha trộn Đông- Tây trên một diện tích khá rộng. Nhà thờ có chỗ chứa cho cả chục ngàn người. 
Xe chạy qua Đan viện Thiên An giữa rừng thông rất đẹp như đang ở Đà Lạt nên có rất nhiều bạn trẻ chek in. Thầy Quang dẫn chúng tôi đi thăm nhà nguyện dưới tầng hầm. Những năm còn chiến tranh, dân chúng vẫn vào đây tránh bom đạn. Tôi hỏi sinh hoạt của đan viện, khẩu hiệu của chúng con là: Lao động và Cầu nguyện. Có 6 giờ cầu nguyện mỗi ngày xen kẽ với lao động. Vậy mà, mỗi ngày nhà dòng chỉ chi tiền ăn mỗi người là 15 ngàn cho 80 thầy và 8 linh mục. Nên phải tăng gia tự túc- Thầy Quang chia sẻ.
Dù trười nắng, nhưng mọi người rất vui vì chuyến đi nhiều ý nghĩa này.
Bài, ảnh: TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Cao Bằng: Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các đại biểu tiêu biểu dân tộc thiểu số (21/10/2024)
Thực hiện công khai, dân chủ; thường xuyên kiểm tra, giám sát Dự án 1- Chương trình 1719 (22/10/2024)
Nâng cao năng lực thanh, kiểm tra cho công chức trong các cơ quan quản lý về công tác dân tộc (20/10/2024)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (21/10/2024)
Đại tướng Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước (21/10/2024)
Infographic] Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (20/10/2024)
Infographic] Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà (20/10/2024)
Dư âm Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X: Lan toả quyết tâm và khát vọng cống hiến (20/10/2024)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, năm 2024 (20/10/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log