Nô nức trong an toàn
Tại thủ đô Hà Nội, 9 giời tối 24/12, các tuyến phố hướng về nhà thờ Hàm Long, Cửa Bắc, nhà thờ Lớn Hà Nội, người người đã nô nức đổ ra đường đón Giáng sinh. Về đêm, khu vực nhà thờ Lớn Hà Nội, nhà thờ Hàm Long đã dày đặc người. Đông nhưng không lộn xộn, chen vai nhưng niềm nở, thân thiện. Đó là những khoảnh khắc của tình yêu thương đầm ấm trong đêm Giáng sinh. Hầu khắp các ngã tư, khu vực gần các nhà thờ đều có lực lượng công an hướng dẫn giao thông và giữ gìn trật tự nên không bị tắc đường cục bộ. Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung- Giám đốc Công an TP Hà Nội, để đem lại bình yên, an toàn cho người dân, Công an thành phố đã huy động tối đa lực lượng kể cả tự quản phường.
Dòng người trong đêm Giáng sinh tại nhà thờ Lớn Hà Nội. Ảnh: An Luých
Nhà thờ chính tòa Hà Nội trang trí nhẹ nhàng, phối ánh sáng dịu dàng, hài hòa với không gian kiến trúc đã tôn lên vẻ đẹp tinh tế, cổ kính. Nơi đây “ăn khách” nhất vì nằm ở vị trí đắc đị, lại có đêm văn nghệ hoành tráng nhất Giáo phận. Nhà thờ Cửa Bắc bề ngoài trang trí đơn giản, nhưng bên trong chật kín người xem các tiết mục văn nghệ, kịch về Noel và màu nhiệm con Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhà thờ Làng Tám, không gian tươi sáng hơn, nhộn nhịp từ sớm với những giai điệu thành ca, vũ khúc Giáng sinh. “Chúng tôi hẹn nhau đi sớm để hòa vào niềm vui tại tất cả các nhà thờ trong nội thành”, anh Cường và nhóm bạn háo hức. Các tòa nhà, khách sạn, trung tâm khách sạn tại Thủ đô đều trang hoàng lộng lẫy như khoác cho Thủ đô chiếc áo mới.
Với các xứ đạo ở ngoại thành, bầu trời đêm lung linh ánh sao do các gia đình trang trí, .sương lạnh buốt nhưng không ngăn được lòng người tìm đến hang đá belem. Linh mục Dương Phú Oanh- Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội cho biết, nét mới trong Giáng sinh năm nay là có nhiều xứ đạo đã phục hồi, phát huy ngành nghề truyền thống, góp phần làm tăng hộ giàu nên bộ mặt xứ đạo khang trang hơn.
Hiệp nhất trong tình yêu thương
Tại Ninh Bình, ngay từ chiều tối dòng người đã nhộn nhịp trên các ngả đường thuộc các họ đạo ở huyện Kim Sơn- nơi có Tòa Giám mục Phát Diệm là trung tâm mục vụ của Giáo phận Phát Diệm. Với đặc điểm vừa là địa bàn tập trung tới 55% người Công giáo của toàn tỉnh Ninh Bình với 80 nghìn giáo dân, đồng thời cũng là địa danh du lịch nổi tiếng cả nước, nên lượng khách hành hương từ trong và ngoài tỉnh về đây khá đông. Anh Bùi Văn Bình- hướng dẫn viên ở Hà Nội cho biết, vài năm nay, anh đều đưa khách về Phát Diệm, đặc biệt là vào dịp lễ Giáng sinh. Khách nước ngoài thích Giáng sinh ở Phát Diệm bởi nơi đây vẫn mang đậm chất truyền thống của Á Đông, đặc biệt là lối kiến trúc của quần thể nhà thờ.
Lung linh đêm Giáng sinh tại Phát Diệm. Ảnh: AL
Trước phương đình nhà thờ Phát Diệm, chương trình văn nghệ đêm Giáng sinh do giáo xứ chính tòa Phát Diệm tổ chức với những giai điệu rộn rã, vang vọng như thúc dục bước chân khách hành hương hướng về đêm của bình an, hạnh phúc. “Gia đình tôi vừa được vụ tôm, các cháu được sắm quần áo mới đi lễ Noel, vui lắm!”- bà Trần Thị Hường, giáo dân xứ Cồn Thoi (huyện Kim Sơn) tươi cười. “Chúng tôi ăn cơm từ sớm để cả nhà đi đón Giáng sinh. Tôi đi làm xa nhưng vẫn kịp về để sum vầy cùng vợ con…”, anh Bùi Công Minh- giáo xứ Văn Hải khoe.
Lối vào nhà thờ Phát Diệm lung linh ánh sao với những cửa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Kim Sơn, tạo nên không gian vui tươi, đầm ấm cho khách hành hương. Điều đáng trân trọng là văn hóa kinh doanh nơi đây mang đậm chất Công giáo: Không nói thách, chỉ bớt chút ít làm vui cho khách; lời nói nhẹ nhàng khiêm nhu, dù khách mua hay không mua….Các mặt hàng tranh thêu, sơn mài, cói bán phổ biên nhất. “Mấy ngày trước, bà con giáo dân đã quét dọn sạch sẽ lối vào khu vực nhà thờ Chính tòa, đồng thời trang hoàng nhà cửa để đón mừng Chúa Giáng sinh”, một giáo dân ở ngay cổng nhà thờ cho biết.
Đức Giám mục giáo phận Phát Diệm Giuse Nguyễn Năng chia sẻ: Giáng sinh thì năm nào cũng đẹp, năm nay công đoàn giáo dân vui đón Giáng sinh trong lời mời gọi mỗi giáo xứ, giáo họ thực hiện cho người nghèo một công trình bác ái cụ thể, loại trừ mê tín dị đoan, bảo vệ sự sống và sống theo lương tâm ngay chính. Đồng thời hưởng ứng chủ đề “Phúc Âm hóa đời sống gia đình” nên các xứ đạo đều tích cực làm việc bác ái, xây dựng đời sống văn hóa, hiệp nhất trong tình yêu thương để xây dựng quê hương, xứ đạo. Ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết, Giáng sinh năm nay, các họ đạo trong huyện khởi sắc hơn, nhờ sự chung sức chung lòng của đồng bào Công giáo và nhân dân trong các chương trình phát triển. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 19,7% năm 2012 còn hơn 7% năm 2013. Nhiều giáo dân đã có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm như ông Phạm Văn Khuyến, ông Phạm Văn Hùng, bà Đinh Thị Giang…Tính chung trong toàn tỉnh Ninh Bình, tất cả các xứ đạo trong tỉnh Ninh Bình đều có đường nhựa hoặc đường bê tông nối liền giáo xứ với đường liên thôn, liên xã, hộ giáo dân nghèo giảm đáng kể
Vui trong làn gió mới
Tại Nam Định, nơi có rất nhiều nhà thờ to đẹp nằm liên tiếp tại các làng, xã, đặc biệt là tại các huyện vùng ven biển như Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng…đã tạo nên không gian lấp lánh khắp miền quê. Đêm Giáng sinh nơi đây đã làm nóng cả bầu trời với những ánh sao, đèn điện lấp lánh trên tất cả các mái nhà của người Công giáo. Điểm nổi bật ở Nam Định là hầu như nhà nào cũng có đèn nhấp nháy hình ngôi sao cao vút trên mái nhà, rất nhiều người làm hang đá tại nhà. Đặc biệt, Đội kèn đồng Giáo xứ Phạm Pháo (huyện Hải Hậu) với hàng trăm nhạc công đã làm vang vọng đêm Giáng sinh. Hầu hết các giáo xứ trong tỉnh đều có đội kèn đồng phục vụ lễ Giáng sinh.
Văn nghệ mừng Giáng sinh tại nhà thờ xứ Nam Định. Ảnh: An Luých
“Xứ đạo rất vui, tôi cũng vui”, giáo dân Kiều vừa nói vừa tìm chỗ đứng. Anh phấn khởi cho biết, anh vừa chế tạo thành công lò đốt rác không cần dùng nhiên liệu, hiện đang sử dụng miễn phí để xứ lý rác thải của cả xã. Máy nghiền rác thải giá thấp cũng do anh chế tạo được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao. Anh Kiều là giáo dân xứ đạo Kiên Lao (huyện Xuân Trường), nơi có ngôi thánh đường mới đồ sộ, đường nét kiến trúc tinh xảo. Từ rất xa, khách hành hương đã cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy của thánh đường trong đêm Giáng sinh.
Tại xứ đạo Xuân Bảng (huyện Vụ Bản), không khí Giáng sinh náo nức ngay từ chiều. Bà con lương dân tại các xã bên cạnh rủ nhau sang từ chiều sớm để chúc mừng Giáng sinh tại các gia đình giáo dân và được người đáp lại bằng bánh kẹo và những lời chúc an lành, đoàn kết. Ông Đặng- thành viên Ban chấp hành giáo xứ tiết lộ, bà con giáo dân đang hưởng làn gió mới từ công nghiệp hóa với khu công nghiệp mới ngay cạnh giáo xứ đang thu hút nhiều nhà đầu tư. “Tới đây, con em chúng tôi không phải ly hương kiếm công ăn việc làm nữa”, ông Đặng vui vẻ.
Linh mục Lê Văn Luật- Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định cho biết, Nam Định có gần 25% dân số theo đạo Công giáo. Giáng sinh được chuẩn bị từ rất sớm, đảm bảo vui tươi, an toàn, đoàn kết. Rất nhiều xứ đạo được đón Giáng sinh trong làn gió mới của thành công từ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng bào Công giáo đã hiến 2361,3ha đất để mở rộng đường giao thông, góp hàng cục tỷ đồng và rất nhiều ngày công để tham gia xây dựng nông thôn mới. Hải Hậu là huyện đông giáo dân, đã trở thành điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh với 95 % hộ giáo dân có nhà kiên cố, trên 73% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình Công giáo gương mẫu; 100% xứ đạo có điện chiếu sáng đường làng…
Theo Linh mục Nguyễn Công Danh- Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, nhìn chung các xứ đạo trên cả nước đều đón Giáng sinh trong niềm vui của tình đoàn kết và phấn khởi trước sự phát triển của quê hương. Đặc biệt, đồng bào Công giáo đang ngày càng có nhiều cơ hội để vươn lên làm giàu chính đáng, sống hài hòa đạo- đời, để mỗi mùa Giang sinh lại thêm vui tươi hơn, an lành hơn, thành công hơn.