Tin tức - Hoạt động

Tùy bút dài kỳ: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG NHÂN ÁI

Cập nhật lúc 14:10 01/04/2011
Đầu tháng 3 năm 2011 Quỹ vì trẻ em khuyết tật thành lập tổ công tác đi thăm và khảo sát thực trạng tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật tại 3 tỉnh Bắc Ninh, Nam Định và Nghệ An. Nhận được sự phân công, chúng tôi bắt đầu chuyến công tác  đi Bắc Ninh, địa chỉ mà chúng tôi đến là Nhà Tình thương thuộc xã Tân Lãng - huyện Lương Tài - tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 60 km. Từ Hà Nội chúng tôi lên đường bằng xe máy vào khoảng 8h30p  sáng. Lần đầu tiên tôi đi thăm một cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ khuyết tật tôi thấy hào hứng và hăng hái lạ. Do chưa biết đường nên chúng tôi tìm được đến Nhà Tình thương Tân Lãng khi đã mua thêm đoạn đường hơn 20km so với dự kiến ban đầu, lúc đó cũng đã hơn 11h. Không muốn làm phiền các sơ và các em vào buổi trưa, chúng tôi quay trở ra thị trấn Gia Bình huyện Gia Bình để nghỉ tạm.
Đầu giờ chiều chúng tôi trở vào Nhà Tình thương xã Tân Lãng. Khi đến nơi, nhà Tình thương vẫn trong giờ nghỉ trưa, trong lúc đợi mọi người chúng tôi đi dạo quanh khuân viên yên tĩnh rợp bóng cây. Nhà Tình thương Tân Lãng nằm trên khu đất rộng, thoáng mát, có khu vườn rộng và hai cái ao tương đối lớn, khu nhà kiên cố khang trang và còn khá mới, khoảng sân trước mặt rộng được đổ bê tông sạch sẽ. Đang miên man ngắm cảnh thì một người phụ nữ dáng người nhỏ, nước da sạm nắng, tuổi độ ngoài 40 mở cửa bước ra, niềm nở tươi cười chào và mời chúng tôi vào nhà khách của nhà Tình thương.
Tiếp chuyện chúng tôi là sơ Nguyễn Thị Chúc, sơ cho biết Nhà Tình Thương Tân Lãng được thành lập cách đây hơn 200 năm thuộc dòng Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất, sau bao biến cố của lịch sử, khó khăn chung của đất nước đến năm 2000 nhà Tình Thương mới hoạt động trở lại. Nhà Tình Thương có 10 sơ và  hiện đang chăm nuôi 20 trẻ khuyết tật với các dạng khuyết tật như thiểu năng bại não, bại liệt… Các em đến từ nhiều tỉnh thành như Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên… Bên cạnh đó nhà Tình Thương cũng đang nuôi 2 bà cụ neo đơn không người nương tựa. Hiện nhà Tình Thương  chưa có cơ cấu tổ chức, tư cách pháp nhân. Ngoài việc chăm sóc các em, các sơ còn sản xuất nông nghiệp, một vài sơ còn bận đi học nên các sơ phải thay phiên nhau chăm sóc các em, trung bình luôn có 3 sơ chăm sóc cho 20 em. Sơ Chúc cho biết nguồn duy trì nhà Tình Thương chăm nuôi cho các em dựa vào việc canh tác 6 sào ruộng và 2 ao thả cá, mỗi sào ruộng cho năng suất 2 tạ/sào, 2 ao cá thu hoạch được 1 tấn cá/năm, bên cạnh đó là sự đùm bọc giúp đỡ của người dân trong vùng, người giúp cân gạo, người cho gói mỳ chính… và các nhà hảo tâm gần xa thỉnh thoảng cũng đến thăm, gửi quà. Do không có nguồn tài chính, tài trợ ổn định nên việc duy trì nhà Tình Thương gặp rất nhiều khó khăn.
Thấy chúng tôi nóng lòng muốn xuống thăm các em, sơ Chúc nói có lẽ các em cũng đã ngủ dậy, rồi  mời chúng tôi đi theo sơ. Khu các em ở là 2 phòng rộng, trước mặt có sân chơi được xây như vườn hoa có hòn non bộ và đài phun nước nhỏ, có hoa, bồn cỏ. Khu nhà ở sạch sẽ, thoáng mát lát đá hoa và có cửa chống muỗi, các em nằm trên những chiếc giường inox, trong phòng có tủ quần áo, quạt treo tường. Cơ sở vật chất các em đang sinh hoạt như nhà bếp, nhà ăn, khu vệ sinh… dù còn nhiều thiếu thốn nhưng mọi thứ đều rất ngăn nắp sạch sẽ. Mỗi em ở đây một số phận, một dạng dị tật như thần kinh, bại não, liệt…,  mọi sinh hoạt của các em đều phải có sự giám sát và giúp đỡ của các sơ. Sơ Chúc cho biết có 02 em bị bỏ rơi, còn lại các em đều có gia đình, người thân thích nhưng do điều kiện hoàn cảnh đều rất nghèo không thể chăm sóc các em nên gửi vào đây. Thỉnh thoảng lại có tiếng hú tiếng hét, rên rỉ có thể các em vì đau đớn thân thể hoặc vì bệnh thần kinh. Chúng tôi đến bên từng em chia quà rồi xoa đầu, xoa chân xoa tay các em, tươi cười chuyện trò hỏi han với các em mà lòng quặn thắt nỗi sót xa.
 Chúng tôi hỏi những khó khăn nhà Tình Thương đang gặp phải, sơ Chúc cho biết ngoài những khó khăn như: nguồn kinh phí để hoạt động, cơ sở vật chất thì việc giao tiếp giữa các sơ và các cháu còn nhiều hạn chế do có nhiều cháu không nói được và các sơ cũng chưa được đào tạo về kỹ năng chăm sóc và giao tiếp với trẻ khuyết tật. Nhiều khi các cháu mệt, chán ăn các sơ cũng chỉ biết dựa vào kinh nghiệm cơ bản của bản thân để tăng thêm dinh dưỡng, bồi bổ cho các cháu mà không biết các cháu bị mệt vì bệnh gì. Hiện tại nhà Tình Thương còn khó khăn và thiếu về cơ sở vật chất nên chưa có phòng riêng để chăm sóc và cách ly các cháu bị ốm.
Sơ Chúc mong muốn xây dựng thêm cơ sở vật chất, các sơ được đào tạo về kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật cũng như một vài sơ được đi học y tá để chăm sóc các em được tốt hơn. Sơ cũng mong muốn đón thêm các em khuyết tật về nuôi dưỡng. Đối tượng mà Nhà Tình thương có thể nhận là các em khuyết tật từ 15 tuổi trở xuống.
Rồi chúng tôi cũng phải chia tay các em vì thời gian buổi chiều không còn, một cô bé khoảng 4-5 tuổi tóc bím hai bên rất xinh sắn đi theo chúng tôi như thể muốn tiễn chân.
Chúng tôi chào các sơ  để lên đường về Hà Nội cho kịp buổi chiều tà, các sơ tiễn chúng tôi bịn rịn như tiễn những người em về thăm rồi lại phải vội đi, dặn vội chúng tôi lần sau về nhớ về nghỉ ngơi và ăn cơm với các sơ với các em không phải nghỉ ở ngoài nữa…. Chúng tôi cảm ơn các sơ, chúc các sơ có sức khỏe dồi dào để tiếp tục công việc ý nghĩa và nhân đạo của mình. Chia tay các sơ tôi thấy lòng mình nao nao man mác, có thể vì có quá nhiều súc cảm đan xen lẫn lộn trong tâm trí tôi, hình ảnh các em, những số phận không may mắn làm tôi thất sót xa, hình ảnh các sơ, những việc các sơ đang làm khiến tôi cảm thấy vui và cảm phục. Tôi thấy cuộc sống này còn ý nghĩa biết bao đáng để những người may mắn như chúng ta sống và có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng.
Tạm biệt các em, tạm biệt các sơ. Hẹn lòng mong được về đây nhiều lần hơn nữa để thăm các em, thăm các sơ.

(Còn tiếp)

Lương Dũng
Thông tin khác:
Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân thăm mục vụ giáo xứ Thất Khê. (28/03/2011)
Ngày hội Giao lưu Giới Doanh nhân Công giáo Tổng giáo phận TP.Hồ Chí Minh (24/03/2011)
NGƯỜI CÔNG GIÁO THẠCH TRUNG LÀM TỐT CÔNG TÁC AN NINH (24/03/2011)
TIỂU SỬ NỮ TU MARIA HỒ THỊ CHÍNH (1937-2011) (24/03/2011)
PHÂN ƯU (24/03/2011)
Ủy ban ĐKCG tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị Ban thường trực mở rộng: (23/03/2011)
Thông tin mới về Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (16/03/2011)
HỘI NGHỊ ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO VIỆT NAM BÀN NHIỀU VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG (15/03/2011)
Tổng Bí thư phát biểu: Nhân dân đang quan sát những người có trách nhiệm làm gì (01/03/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log