Để tìm hiểu về Đại hội và những đóng góp quan trọng của đồng bào Công giáo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Linh mục Phan Khắc Từ – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Phóng viên (PV): Xin Linh mục cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội đại biểu Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI?
Linh mục Phan Khắc Từ: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội đại diện cho người Công giáo Việt Nam, một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành lập năm 1983. Tiền thân của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là Ủy ban Liên lạc Những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hòa bình được thành lập năm 1955. Đến nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã trải qua 5 kỳ Đại hội. Đại hội lần thứ VI này sẽ đánh giá kết quả phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm (2008 – 2013) của đồng bào Công giáo; phân tích những mặt tích cực và tồn tại trong hoạt động của tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo để đưa ra giải pháp khắc phục. Trên cơ sở tình hình kinh tế – xã hội của đất nước và đường hướng của Giáo hội, cùng với những đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động trong nhiệm kỳ V, Đại hội sẽ đề ra đường hướng, nhiệm vụ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo trong tình hình mới.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng, Nhà nước tặng đồng bào Công giáo
bức trướng "người Công giáo Việt Nam đoàn kết sống tốt đời đẹp đạo". Ảnh: An Luých
PV: Tình hình kinh tế – xã hội và giáo hội có ảnh hưởng thế nào đến việc đề ra đường hướng hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo và phong trào thi đua yêu nước?
Linh mục Phan Khắc Từ: Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới; quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican đang tiến triển tốt đẹp; vai trò chứng tá của người giáo dân trong xã hội cũng được nhấn mạnh qua Huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedict XVI: “Người Công giáo tốt cũng chính là người công dân tốt”. Theo tôi, đây là cơ hội và là điều kiện thuận lợi để Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ VI phát huy vai trò của mình nhằm tập hợp đồng bào Công giáo cả nước tiếp tục dấn thân phục vụ đất nước, phục vụ giáo hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây cũng là cơ sở để Đại hội đề ra đường hướng hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo trong tình hình mới.
PV: Xin linh mục cho biết điểm nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước “Sống tốt đời đẹp đạo” của đồng bào Công giáo trong 5 năm qua?
Linh mục Phan Khắc Từ: Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước “Sống tốt đời đẹp đạo” của đồng bào Công giáo do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Có thể khẳng định ở đâu có người Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua yêu nước trong bà con giáo dân sôi nổi, thiết thực, hiệu quả. Nổi bật nhất là ở lĩnh vực hoạt động từ thiện – bác ái, giúp nhau phát triển kinh tế và phòng chống tệ nạn xã hội. Đây là nét đẹp truyền thống của người Công giáo được Ủy ban Đoàn kết Công giáo phát huy và cụ thể hóa bằng các phong trào: “Ba an toàn”, “Bảy tốt đời, ba đẹp đạo”, “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”…
Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến như: Xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho người nghèo của linh mục Phan Văn Điền ở Nam Định. Linh mục Phan Văn Điền được tặng cúp vàng “Vì sự nghiệp phát triển cộng đồng”; Hiến tặng giác mạc khi qua đời nhằm giúp đem lại ánh sáng cho người mù do các bệnh lý giác mạc ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Kim Sơn là nơi có người Công giáo đầu tiên ở Việt Nam hiến tặng giác mạc và là nơi dẫn đầu cả nước về số người hiến tặng giác mạc; Hoạt động từ thiện, phúc lợi xã hội tại các xứ đạo ở TP.Hồ Chí Minh. Trong 5 năm qua, đồng bào Công giáo TP.Hồ Chí Minh đã tham gia từ thiện nhân đạo và phúc lợi xã hội với tổng số tiền 271 tỷ đồng và 22.443 lượt người hiến máu nhân đạo; Đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở các xứ đạo thuộc huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường (Nam Định)…
Bên cạnh “phần đời” ngày càng được cải thiện tốt hơn, các hoạt động “đẹp đạo” cũng có bước phát triển đáng mừng: Số lượng chức sắc và tín đồ đạo Công giáo tăng; cơ sở thờ tự của đạo Công giáo được sửa sang, xây dựng mới, khang trang, to đẹp vừa có thêm nơi cầu nguyện cho bà con giáo dân, vừa làm phong phú hơn nét văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc Việt Nam. Các cơ sở đào tạo của Công giáo được mở rộng; các sinh hoạt tôn giáo lớn như khai mạc Năm Thánh, đại hội, hội nghị và các ngày lễ trọng đại đã diễn ra trang trọng, an toàn, phù hợp với quy định pháp luật.… Quan hệ quốc tế của Giáo hội, chức sắc Công giáo mở rộng với nhiều hoạt động đa dạng như thăm viếng, hội thảo khoa học, giao lưu, trao đổi về tôn giáo, văn hoá, từ thiện xã hội...
Các hoạt động “tốt đời đẹp đạo” đã minh chứng cho tinh thần kính Chúa yêu nước của đồng bào Công giáo, đồng thời góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, làm cho quê hương, xứ đạo thêm khởi sắc.
PV: Linh mục có thể đánh giá những tác động của chính sách tôn giáo đối với đồng bào Công giáo và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam?
Linh mục Phan Khắc Từ: Chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng – tôn giáo của Đảng, Nhà nước cùng với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam và quan hệ Việt Nam –Vatican đang tiến triển tốt đẹp đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của đồng bào các tôn giáo, trong đó có đồng bào Công giáo. Cùng với thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong sinh hoạt tôn giáo ở nước ta, đem lại niềm tin, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đồng bào các tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng.
Theo tôi, phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo trong những năm tới không chỉ được khích lệ bởi đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước mà còn bởi tinh thần đổi mới của Cộng đồng Vatican II được các Giám mục Việt Nam triển khai trong Thư chung 2001: “Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, đồng cảm chia sẻ hi vọng lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người… Ta không thể thờ ơ với những chương trình phát triển cũng như tình trạng nghèo đói và những tệ nạn xã hội, bởi ta là một thành viên của cộng đồng dân tộc với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ”.
Với tinh thần Hợp tác – Đồng hành – Chia sẻ, chắc chắn Đại hội đại biểu Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI sẽ kết hợp được những nhân tố trên cùng với những đòi hỏi thực tế của xã hội để đề ra đường hướng thích hợp cho hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của người Công giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao chất lượng cuộc sống và thăng tiến con người.
PV: Xin cảm ơn Linh mục!