Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai. Ảnh: CTV |
Lê Lai (? – 29/4/1418) quê thôn Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Năm 1416, ông cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh khác tham gia Hội thề Lũ Nhai, chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược. Câu chuyện ông hy sinh thân mình cứu Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh được đời sau truyền tụng, gọi là Lê Lai cứu chúa. Nhà sử học Ngô Thì Sĩ viết: “Trước khi khởi binh ở Lam Sơn, thế quân ta kém và ít, người Minh lùng bắt mãi. Bình Định Vương (Lê Lợi) bèn nói với tướng tá rằng: “Ai có thể đem thân ra thay ta, cho ta đi ẩn nấp, giấu tông tích mà cho quân nghỉ, để cử binh lần sau”. Lê Lai xin đem thân nhận lấy việc ấy. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng: “Ta là chúa Lam Sơn đây!”. Quân Minh ngỡ là Lê Lợi nên xúm lại đánh kịch liệt, bắt được và đem hành hình. Lê Lợi sai người tìm di hài Lê Lai đem về Lam Sơn mai táng. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), phong Lê Lai là Công thần hạng nhất. Lê Thái Tổ mất ngày 22/8 âm lịch năm 1433. Trước khi mất ông dặn lại đời sau phải làm giỗ Lê Lai trước một ngày, tức là ngày 21/8. Từ đó dân gian truyền lại câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.
Các con Lê Lai hy sinh trong chiến đấu chống giặc Minh xâm lược, bảo vệ và xây dựng đất nuớc. Anh cả của ông là Lê Lạn hàm Thái Phó tử trận khi tham gia đánh ải Khả Lưu năm1425, được phong tặng Hiệp quận công. Ba con trai của ông đều được Lê Lợi nuôi như con đẻ: Lê Lư hàm Thiếu úy, tước Kiến quận công, tử trận khi vây thành Nghệ An năm 1425. Lê Lộ hàm Thái úy, tước Chiêu quận công, có công tham gia đánh bại các tướng Minh TrầnTri và Phương Chính, tử trận 10/1424. Lê Lâm hàm Thiếu úy, sau khi khởi nghĩa thành công được xếp vào hàng công thần thứ ba. Năm 1430 ông làm tiên phong đi đánh giặc bảo vệ biên giới phía tây bị trúng chông độc tử trận. Về sau có con là Lê Niêm làm trọng quan triều đình, gia phong làm Trung quốc công, ban tên thụy là Uy Vũ.