BỨC TƯỜNG THAN KHÓC
Bức tường than khóc tại khu thành Cổ Giêrusalem |
Thánh Kinh thuật lại năm lên mười hai tuổi, Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem cùng cha mẹ và ở lại trong đền thờ để "Lo việc của Thiên Chúa Cha"(x. Lc 2,49). Đền thờ này đã bị tàn phá vào năm 70, đúng như lời Chúa Giêsu đã báo trước. Hiện chỉ còn một bức tường than khóc. Ai đến đây thăm cũng đều phải qua cửa an ninh và nhận miễn phí một mũ Do thái màu trắng. Liên tục những nhóm người Do thái về đây đọc kinh cầu nguyện. Tư thế gật đầu theo nhịp càng tạo cơ sở cho người ta gọi đây là bức tường than khóc.Gọi là bức tường, nhưng độ cao bằng tường nhà hai tầng và còn được cơi nới bằng tường nhà ba tầng tại Việt Nam. Bức tường không chỉ là dấu vết lịch sử 2000 năm tồn tại, mà còn cho thế giới về đây biết về sinh hoạt tôn giáo của người Do thái.
Chúng tôi ra về mà lòng cứ chạnh thương những người Do thái giáo, không biết họ còn sống mùa vọng tới bao giờ và một câu hỏi của tín đồ trẻ Do thái đặt ra cho vị Thượng tế bỗng vang âm trong tôi. Chàng trẻ Do thái ấy đã hỏi rằng: Liệu khi đấng Cứu Thế tới có bằng được ông Giêsu không?
SÔNG JORDAN Bên dòng sông Joran huyền thoại |
Thời kỳ ẩn dật của Chúa Giêsu kéo dài tới ba mươi năm. Sau cuộc nhịn chay bốn mươi đêm ngày trong hoang địa và cuộc chiến thắng Satan cám dỗ, Chúa Giêsu tới dòng sông Jordan chịu phép Rửa của Gioan Tẩy giả. Dòng sông Jordan bắt nguồn từ cực Bắc Ixraen xuyên qua biển hồ Galilê rồi nối liền biển hồ Galilê với Biển Chết và trở thành nguồn nước chính cung cấp nước cho Biển Chết. Nơi chúng tôi được tới hành hương thuộc về chủ quyền của Ixraen, xuôi dòng khoảng vài chục mét nữa là đập ngăn biên giới giữa Ixraen với Jordani, dòng sông bên Ixraen được xử lý rất trong khi chảy về Jordani thì trở lại đục nguyên thủy. Theo các nhà khảo cổ thì đoạn sông Chúa Giêsu xuống chịu phép Rửa bởi Gioan thuộc về bên Jordani, tuy nhiên cùng một dòng sông nên khách hành hương Đất thánh xuống trầm mình bên Ixraen. Người không trầm mình thì cũng lội xuống và rửa mặt. Ngạc nhiên cho đoàn chúng tôi là người lội xuống sâu nhất lại là cha già Giuse Phạm Văn Chỉnh 72 tuổi, vừa từ Cần Thơ nhập về giáo phận Bùi Chu. Trong dòng nước trong và mát lạnh, mỗi người đều cảm xúc vì như được động chạm tới Chúa Giêsu dưới dòng nước đã được Chúa thánh hóa.
BIỂN CHẾT
Xuôi dòng Jordan ta đến với biển Chết, biển duy nhất trên hành tinh không có một sinh vật nào sống nổi, vì nồng độ muối mặn tính trung bình là gấp 35 lần biển thường. Biển chết dài 76km, chỗ rộng nhất là 18km, độ sâu trung bình là 120m. Bề mặt biển Chết nằm dưới mặt nước biển tới 420m. Du khách về đây mà không tắm biển chết thì kể như mất nửa hành trình.Bạn hãy nhẹ nhàng xuống biển, chú ý đừng để nước tung toé lên mặt. Mắt bạn cần được giữ gìn đừng để dù chỉ một giọt bắn vào mắt. Nồng độ biển mặn tới mức người bạn không thể chìm nổi. Bạn khẽ thả người xuống biển, biển nâng bạn bồng bềnh như nằm trên nệm giường, bạn có thể khoanh hai tay dưới gáy như người gối đầu, chân duỗi dài trên mặt nước, mắt ngắm bầu trời cao, thậm chí bạn có thể cao hứng nằm dưới biển đọc báo! Một bà mẹ trẻ cho con xuống tắm và để đứa trẻ đáng yêu ngồi giữa hai bàn chân của mẹ, cả hai mẹ con bồng bềnh trôi, quả là thú vị. Chỉ duy ở biển Chết bạn mới thấy trạng thái tắm biển như vậy. Bạn còn quan sát thấy ai cũng lấy bùn sát lên mặt, lên người. Bạn lý giải là họ tránh ánh nắng của mặt trời, đó chỉ là một phần đúng. Bùn ở đây chứa đầy khoáng chất. Người trát bùn xong sau giờ tắm biển và xả nước ngọt xong sẽ thấy da trở nên mịn màng như một em bé. Nếu được chăm sóc kỹ hơn thì nước biển ở đây còn chữa bạn lành các bệnh ngoài da. Cũng do nước và bùn có nhiều khoáng chất như vậy nên nền khoa học tân tiến không ngừng khai thác và chế biến sản phẩm, đặc biệt trong lãnh vực nông nghiệp. Bạn cũng nên chú ý một chi tiết nhỏ, đó là phải đi dép tới tận mép nước biển, vì dưới thời tiết nắng nóng, nước và cát mặn ở đây đều trở thành muối rang. Bạn sẽ phỏng chân và ít khả năng lên được tới bờ nếu đi bằng chân không! Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com