Khu di tích Bến Nhà Rồng, tên chính thức là “Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh là tên gọi thông dụng để chỉ cụm di tích kiến trúc - bảo tàng lịch sử cách mạng quốc gia - đặc biệt nằm bên sông Sài Gòn, thuộc quận 4, thành phố Hồ Chí Minh”. Nơi đây từng là trụ sở của hãng vận tải Messageris maretimes tại Sài Gòn từ năm 1864 đến năm 1955. Tuy nhiên, địa danh này được biết đến nhiều do tại đây có cụm di tích kiến trúc đánh dấu sự kiện ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đã xuống con tàu Ami ral Latouche làm phụ bếp để có điều kiện sang châu Âu, mở đầu hành trình cách mạng của mình. Do đó, từ 1975, cụm di tích kiến trúc của thương cảng Nhà Rồng đã được xây dựng lại thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh, và ngày 5/6 được chọn là Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Có thuyết nói rằng vì trên nóc ngôi nhà trụ sở hãng vận tải Messageries impériales (từ năm 1871 đổi thành Messageries maritimes) tại Sài Gòn có gắn đôi rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh Thuyết này phổ biến nhất.
Khu di tích hang Pác Pó là một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia - đặc biệt của Việt Nam, thuộc bản Pác Pó xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, là điểm đầu (km 0) của đường Hồ Chí Minh. Khu di tích có: nhà tưởng niệm Bác Hồ, hang Cốc Pó (tên địa phương có nghĩa là “đầu nguồn”), hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài (đều trên núi Các Mác), suối Lênin, bàn đá nơi Bác Hồ làm việc, nền nhà ông Lý Quốc Súng, nền nhà ông La Thành... Ngày 8/2/1941, khi về nước, Bác Hồ đã sống và làm việc trong hang Cốc Pó và đặt tên dòng suối trước cửa hang là “suối Lênin”, ngọn núi có hang này là “núi Các Mác”. Trước năm 1979 hang Cốc Pó rộng khoảng 15m³, trước cửa hang có một con suối lớn chảy ngầm từ trong núi đá ra, nguồn của con suối là bên phía Bắc của ngọn núi này và thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trong chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, quân Trung Quốc đã cho nổ mìn phá hoại hang Cốc Pó. Ngày nay, hang Cốc Pó được khôi phục một phần để phục vụ khách tham quan du lịch.