Văn hóa nghệ thuật

'ÊM, CHẬM, SÂU, ĐỀU'

Cập nhật lúc 15:18 23/06/2009

Êm, chậm, sâu, đều là chuyện không dễ. Phải từ từ mới được. Đừng nóng vội. Như đã nói, phải chừng sáu tháng mới quen. Mới đầu tập thở bụng như vậy thế nào nó cũng "nhộn nhạo". Khi đã quen, đã thành phản xạ thì mới ổn định được. Cứ tự nhiên. Bình thường giai đoạn thở ra bao giờ cũng dài hơn giai đoạn thở vào. Các phương pháp khí công dạy nhiều cách thở, nào hai thì, ba thì, bốn thì, nào nín hơi, ém hơi... rất phức tạp, nhất là đối với người có tuổi. Ta tập thở theo sinh lý hô hấp để nâng cao sức khỏe chớ không phải để luyện "cửu âm chân kinh"!

Thở êm là thở không có tiếng phì phò phì phèo như kiểu tập thể dục, quơ tay, quơ chân thế thôi. Còn thở chậm mà sâu thì rõ ràng lợi thế hơn thở nhanh mà cạn. Để ý xem, khi ta vui vẻ, bình tĩnh, ta thấy ta luôn thở nhẹ nhàng, chậm rãi, thoải mái. Còn khi ta có chuyện bực mình, căng thẳng hay sợ hãi, lo lắng... ta đều thở nhanh mà cạn, thở cà giựt, thở cà hước...! Do vậy, nếu ta tập trung chú ý vào thở bụng, theo dõi, quan sát hơi thở vào ra thế nào, ta sẽ bớt căng thẳng, và nhờ đó, hơi thở cũng sẽ chậm lại và sâu hơn. Thử xem. "Thả lỏng" toàn thân là một yếu tố quan trọng khác. Thả lỏng là không để căng cứng, không gồng, không ráng sức. Cả thân thể đều được nghỉ ngơi, trừ cái bụng phình ra xẹp vào thôi. Bình thường, hệ cơ bắp của ta luôn có độ căng gọi là trương lực cơ (tonus musculaire) tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Thả lỏng là buông xả, là làm cho toàn thân dịu lại. Cơ thể ta có hơn mười ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một cái túi, một loại "sinh vật" háu ăn, háu tiêu thụ oxy - với phản ứng gọi là oxyt hóa - để tạo ra năng lượng. Nhưng oxyt hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất... bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, già nua. Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị oxyt hóa thành rỉ sét.

Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn. Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, nhờ đó toàn thân thấy sảng khoái. Một bữa ăn "nặng bụng" bao giờ cũng kèm theo sự mệt mỏi, uể oải. Trái lại, một bữa ăn đơn giản, nhẹ nhàng, luôn làm ta dễ chịu.

Danh y Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV đã đúc kết một lời khuyên: "Bế tinh - Dưỡng khí - Tồn thần/ Thanh tâm - Quả dục - Thủ chân - Luyện hình". Thử nhìn lại đời sống hiện nay ta thấy: tinh không bế, khí không dưỡng, thần không tồn, tâm náo loạn, ham muốn nhiều, lường gạt lắm... bảo sao các hiện tượng tâm thần, tự tử, béo phì, tim mạch, huyết áp... kể cả chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai... chẳng ngày một gia tăng?

BS Đỗ Hồng Ngọc
(dohongngocbs@gmail.com)


Tác giả:  BS Đỗ Hồng Ngọc (http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2009/Pages/Em-cham-sau-deu.aspx)

Ban biên tập
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log