Văn hóa nghệ thuật

Nét văn hóa Khmer Nam Bộ

Cập nhật lúc 10:56 06/12/2017
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ định kỳ tổ chức 3 năm/lần (gọi chung là ngày hội). Năm nay, ngày hội được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu với nhiều hoạt động sôi nổi, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer...
Nghi thức Dâng Bông, Dâng Y được giới thiệu tại ngày hội. Ảnh: Đăng Huỳnh
Nghi thức Dâng Bông, Dâng Y được giới thiệu tại ngày hội. Ảnh: Đăng Huỳnh
Sôi nổi ngày hội

Bạc Liêu được biết đến là một trong những địa danh gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, là nơi mà nghệ sĩ Cao Văn Lầu cho ra đời bài Dạ cổ hoài lang bất hủ. Và những ngày qua, quê hương Bạc Liêu nhộn nhịp hẳn lên vì là nơi diễn ra ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ. Năm nay, ngày hội quy tụ gần 3.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 12 tỉnh, thành phố Nam Bộ có đồng bào Khmer. Dù ngày hội đã khép lại (bế mạc ngày 19/11) nhưng những dư âm vẫn còn lắng đọng nơi người xem, giao lưu, thưởng thức văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc Khmer.

Nói đến văn hóa Khmer Nam Bộ không thể không nhắc đến hoạt động đua ghe ngo. Đây là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer, mang tính cộng đồng rất cao. Vì vậy, khi các đội đua tranh tài trên kênh quản lộ Phụng Hiệp (huyện Phước Long) đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của hàng ngàn người dân. Theo bà Tô Việt Thu, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, đua ghe ngo là một biểu tượng văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer. Cho nên hoạt động này được đồng bào tham gia đông đảo và nhiệt tình.

Một hoạt động khác diễn ra cũng khá sôi nổi và thu hút người dân là Liên hoan nghệ thuật quần chúng Khmer Nam Bộ. Liên hoan lần này quy tụ 12 đoàn nghệ thuật quần chúng, với hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên của 12 tỉnh, thành trong khu vực. Tại cuộc liên hoan này, nhiều đoàn nghệ thuật đã tái hiện đa dạng đời sống sinh hoạt, văn hóa, trình diễn trang phục truyền thống rực rỡ, đậm nét của đồng bào dân tộc Khmer... Có thể nói, những ngày qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là “tâm điểm” sự kiện văn hóa, diễn ra sôi nổi các hoạt động thể thao mang đậm không gian, sắc màu của đồng bào dân tộc Khmer.

Giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Như ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu hôm khai mạc: “Đồng bào dân tộc Khmer với kho tàng văn hóa truyền thống phong phú và độc đáo của mình, đã góp phần làm giàu cho nền văn hóa chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Theo ông Dương Thành Trung, ngày hội cũng là dịp để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ. Đồng thời, khơi dậy và phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh Bạc Liêu cũng như của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước; là điều kiện để kết nối giữa các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Trong không khí phấn khởi của ngày hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình,  ghi nhận trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, đồng bào Khmer đã có những đóng góp, hy sinh to lớn để đánh đuổi kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương đất nước. Trong những năm tháng hào hùng đó, mảnh đất sinh sống của đồng bào Khmer Nam Bộ, thậm chí các chùa chiền Khmer cũng trở thành những căn cứ vững chắc của cách mạng. “Bằng tình cảm chân thành, trách nhiệm sâu sát trong thực hiện công tác dân tộc, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục đạt nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa, thiết thực đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta”, Phó Thủ tướng nhắn gửi.
 
Đạo diễn Nguyễn Tấn Kiệt, Tổng đạo diễn chương trình nói: Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII - Bạc Liêu 2017 tôn vinh giá trị truyền thống trên nền tảng đoàn kết các dân tộc ở Nam bộ.
Chương trình nghệ thuật chủ đề “Bạc Liêu niềm vui hội tụ” giới thiệu chắt lọc những nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer Nam Bộ. Sân khấu thiết kế độc đáo, được chú trọng đến từng chi tiết với các kiến trúc về ngôi chùa Khmer là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc trưng nhất của đồng bào Khmer. Một trong những điểm nhấn của chương trình là màn hòa tấu nhạc cụ độc đáo giữa dàn nhạc dân tộc ngũ âm Khmer và dàn nhạc đờn ca tài tử của dân tộc Kinh, là một phần sáng tạo thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng các dân tộc ở Nam Bộ thông qua ngôn ngữ âm nhạc. Mặt khác, hòa điệu của những thăng âm truyền thống còn cho thấy sự giao thoa của các nền văn hóa, tạo nên nét đa dạng và đặc sắc của vùng đất phương Nam phóng khoáng, nghĩa tình, nhân hậu. Có thể nói chương trình khai mạc đã thực sự để lại trong lòng người xem về một bức tranh tổng thể đa sắc màu văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ trong sự giao lưu, tiếp biến và bao bọc với các dân tộc khác trên vùng đất Nam Bộ. 
Thông tin khác:
Phải tỉnh ở sẵn sàng (05/12/2017)
Trải nghiệm ơn thiêng (01/12/2017)
Xét thưởng phạt tùy theo (30/11/2017)
Ấp ủ về một thư viện văn hóa Công Giáo Việt Nam (28/11/2017)
Ngôi nhà thờ mang tên “7 tinh tú” trên trời (21/11/2017)
Cô giáo lên vùng cao (21/11/2017)
Nén bạc ông chủ trao (20/11/2017)
Tháp Bà Ponagar (16/11/2017)
Tam giáo đồng nguyên (16/11/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log