Với gần 2 triệu người, gồm11 dân tộc anh em quần cư sinh sống hòa thuận lâu đời; tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú, sinh động; trong đó, dân tộc Mông, dù chỉ chiếm 0,64% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung ở các huyện Võ Nhai, Đổng Hỷ, Phú Lương nhưng người Mông lại có một kho tàng văn hóa rất nhân văn.
Người Mông ở Thái Nguyên quan niệm: Con gái Mông phải biết may vá dệt vải, thêu thùa. Con trai Mông phải biết cưỡi ngựa, bắn cung, nỏ và thổi khèn, múa khèn. Bởi khèn là là nhạc khí có từ xa xưa; giữ vị trí quan trọng làm lên bản sắc văn hóa cũng như đời sống tâm linh của tộc người Mông. Điều đáng nói, qua chiếc khèn, được coi là thước đo “thang bậc” về nghệ thuật chế tác khèn; cách thổi khèn; múa khèn để thấy sự khéo léo, tài hoa và thể chất, tinh thần của chàng trai người Mông.
Khác với những nhạc cụ dân gian của các tộc người ở Thái Nguyên,khèn Mông khi thổi hơi ra hoặc hít hơi vào, tất cả các ống của khèn đều phát ra âm thanh cùng lúc, tùy theo hơi thổi của người thổi tạo âm thanh ấy cao vút trong trẻo hay trầm hùng mạnh mẽ… Học thổi khèn Mông rất khó, học nghe và hiểu tiếng khèn Mông càng khó hơn. Để làm được một cây khèn Mông có chất lượng âm thanh tốt, nghệ nhân người Mông phải chuẩn bị một số vật liệu trong thiên nhiên. Chẳng hạn: một lượng gỗ vừa đủ, nhưng phải là gỗ thông mọc trên núi cao để làm bầu khèn. Kích thước của bầu khèn được nghệ nhân ước lượng bằng mắt và đo bằng gang tay, nắm tay với độ chính xác rất cao. Dây để kết nối các bộ phận của khèn bằng vỏ cây đào rừng. Vừa có tác dụng bảo đảm cho các ống của khèn không bị dập,vỡ,vừa còn là để trang trí cho cây đàn có “phụ kiện” hài hòa. Các ống khèn được làm bằng những đốt cây trúc mọc ở vùng núi cao, thân thẳng, đốt dài, được nghệ nhân lựa chọn rất kỹ, đen về phơi nắng, không quá khô hoặc quá “non nắng”. Có như vậy mới đảm bảo khi thổi, các ống khèn sẽ phát ra âm thanh hay.
Người Mông sử dụng khèn vừa là nhạc cụ vừa là đạo cụ. Nghĩa là vừa thổi khèn vừa múa, với các vũ đạo đẹp, mạnh mẽ, trữ tình. Thể hiện sức sống mãnh liệt của người Mông, kết hợp nhuần nhuyễn giũa các động tác biểu cảm của người vừa thổi khèn vừa múa theo tiết tấu âm thanh khèn phát ra một cách uyển chuyển, nhịp nhàng. Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú, nhưng cơ bản là các tư thế khom lưng, quay người; hất gót chân tại chỗ và vừa di chuyển vừa quay người vừa hất gót chân theo vòng tròn lớn, rồi thu hẹp dần theo hình xoáy trôn ốc, với tốc độ nhanh. Thể hiện người thổi khèn và múa khèn điêu nghệ.
Trao “Bằng chứng nhận nghệ thuật Khèn của người Mông là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia” tại Ngày hội văn hóa- thể thao dân tộc Mông lần thứ IV năm 2018. Ảnh: Chí Cường |
Thổi khèn và múa khèn chỉ có nam giới người Mông thực hiện trong những lúc vui chơi; dịp lễ hội hay đưa tiễn người qua đời về nơi an nghỉ cuối cùng. Mỗi bài khèn của người Mông đều tương ứng với nội dung cụ thể của từng hoàn cảnh mà người thổi khèn biểu đạt thông qua giai "điệu âm thanh. Có những bài khèn được thổi, người nghe như một câu chuyện kể bằng âm thanh, đậm màu kỳ bí, huyền diệu… gắn kết cảnh vật, thiên nhiên với con người; giưa hiện tại với quá khứ, tương lai; tung ca chân thiện - mỹ trong tình yêu, nghĩa cử hoặc trải lòng trước niềm vui, nỗi buồn của cộng đồng. Do có âm thanh đặc trưng và cách sử dụng độc đáo, cây khèn của người Mông đã thấm thấu, hằn sâu vào tâm thức qua các thế hệ, đồng thời những âm thanh, vũ đạo trong khi sử dụng khèn đã trở thành một tài sản tinh thần, gắn bó máu thịt cùng những món ẩm thực truyền đời: Thắng cố, mèn mén; rượu ngô; tạo nên bản sắc của người Mông ở Thái Nguyên.