Ðây cũng chính là nhà thờ Chánh tòa của giáo phận Rome chứ không phải Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô ở Vatican.
Tổng lãnh Vương Cung Thánh Ðường
Ở mỗi giáo phận, lễ kỷ niệm ngày cung hiến nhà thờ Chánh tòa thường được xem là một dịp lễ của cả cộng đoàn. Và ngày cung hiến của Tổng lãnh Vương Cung Thánh Ðường Thánh Gioan Latêranô - 9.11, nơi đặt ngai tòa của Giám mục thành Rome, tức Ðức Giáo Hoàng, được cả Giáo hội mừng lễ. Nhà thờ Thánh Gioan Latêranô cũng là nhà thờ Mẹ các nhà thờ trên thế giới.
Sau những thế kỷ đầu tiên bị bách hại, Kitô giáo cuối cùng đã có thể tự do tổ chức các hoạt động vào thế kỷ thứ 4. Kể từ đó đến suốt một thiên niên kỷ, vị Giám mục thành Rome đặt Ðiện Tông tòa ở “Cung điện Latêranô”, khu phức hợp có chứa Tổng lãnh Vương Cung Thánh Ðường Thánh Gioan Latêranô. Nhà thờ được xây dựng dưới thời Ðức Giáo Hoàng Melchiade (311 - 314) và vào thời điểm cung hiến năm 324, dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sylvester I, nơi này có tên Ðức Giêsu Cứu Thế. Nhiều thế kỷ sau, ngôi thánh đường lần lượt thánh hiến cho hai thánh Gioan Tẩy Giả và thánh sử Gioan.
Ðức Giáo Hoàng Sergius III đã cung hiến nhà thờ cho thánh Gioan Tẩy Giả vào thế kỷ 10, kế đến Ðức Giáo Hoàng Lucius II vào thế kỷ 12 tiếp tục cung hiến nhà thờ cho thánh Gioan. Mỗi triều đại giáo hoàng, bắt đầu với Ðức Miltiades, đã cư ngụ tại Cung điện Lateran cho đến triều đại của Ðức Giáo Hoàng người Pháp Clement V. Cung điện Lateran trở thành Ðiện Tông tòa trong suốt thời gian đó, thậm chí còn lâu hơn cả Vatican. Tổng cộng 5 công đồng đã được tổ chức tại đây, trong khi số lần ở Vatican là 2.
Năm 1309, Ðức Giáo Hoàng Clement V chuyển đến Avignon (Pháp), và từ đó cho đến khi vị chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ quay lại thành Rome, Tổng lãnh Vương Cung Thánh Ðường Thánh Gioan Latêranô trải qua hai lần bị hỏa hoạn, lần lượt vào năm 1307 và 1361. Khi Ðức Giáo Hoàng chuyển về lại Rome, Cung điện Lateran và nhà thờ Mẹ đều không còn thích hợp để cư ngụ. Dần dần, Ðức Thánh Cha chuyển đến Vatican cho đến ngày nay. Tuy nhiên, bất chấp Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô, được xây vào thế kỷ 16, đẹp đẽ và tráng lệ đến cách mấy, các vị giáo hoàng chưa từng chuyển ngai khỏi nhà thờ Thánh Gioan Latêranô. Vì thế, cho đến nay, đây vẫn là nhà thờ Chánh tòa thành Rome và là nơi duy nhất nắm giữ tước hiệu “tổng lãnh Vương Cung Thánh Ðường”.
Dòng chữ Nhà thờ Mẹ và đứng đầu toàn bộ các nhà thờ ở Rome và trên toàn thế giới |
Nhà thờ Mẹ
Tổng lãnh Vương Cung Thánh Ðường Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ lâu đời nhất và đứng đầu trong số 4 Ðại Vương Cung Thánh Ðường. Tên đầy đủ của nhà thờ là “Vương Cung Thánh Ðường của Ðấng Cứu Thế Cực Thánh và Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh sử Gioan Latêranô”. Ðối với những ai còn chưa rõ, từ lối vào đến cổng vòm có chạm khắc dòng chữ: “Nhà thờ Mẹ và đứng đầu toàn bộ các nhà thờ ở Rome và trên toàn thế giới”.
Ðã có một vài nỗ lực trùng tu Tổng lãnh Vương Cung Thánh Ðường trước khi Ðức Giáo Hoàng Sixtus V (1585 - 1590) bắt tay khởi động dự án chính thức. Ðức Sixtus V đã mời kiến trúc sư nổi tiếng Domenico Fontana giám sát hoạt động trùng tu. Ông Fontana đã cho phá hủy Cung điện Latêranô ban đầu và xây một dinh thự hoàn toàn mới. Tại quảng trường phía trước cung điện là đài kỷ niệm Latêranô lớn nhất thế giới, với trọng lượng ước tính khoảng 455 tấn. Ðài kỷ niệm được xây dựng dưới thời Pharaoh Thutmose III của Ai Cập cổ đại và được dựng lên dưới thời Pharaoh Thutmose IV, thậm chí trước khi có đền thờ Thebes vĩ đại. Hoàng đế Constantine I đã chuyển nó về Constantinople trước khi lưu lạc suốt nhiều năm cho đến khi được tìm thấy dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtus V.
Trên thế giới chỉ có 4 Đại Vương Cung Thánh Đường và đều tọa lạc tại Rome, gồm: Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô; Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô; Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả và Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. |
Công cuộc trùng tu Tổng lãnh Vương Cung Thánh Ðường được tiếp tục được thực hiện qua nhiều triều đại giáo hoàng, nhà thờ đã được bổ sung tượng của các thánh tông đồ, xuất phát từ bàn tay của những thợ điêu khắc tài hoa nhất lúc đó, thời Ðức Giáo Hoàng Innocent X. Bên trong nhà thờ còn đặt 6 mộ phần của các Ðức Giáo Hoàng Alexander III, Sergius IV, Clement XII Corsini, Martin V, và Leo XIII. Trong số này, Ðức Leo XIII là vị giáo hoàng cuối cùng không được chôn cất tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô.
LING LANG
http://www.cgvdt.vn/cong-giao-the-gioi/nha-tho-co-nhat-tay-phuong_a12004