Nằm ẩn mình giữa những ngọn đồi xanh mướt, chỉ cách bờ biển Adriatic vài cây số, là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới: Cộng hòa San Marino. Chẳng hề có đường biên giới hoặc chốt kiểm soát biên phòng nào đánh dấu phạm vi của quốc gia này, chỉ có một tấm biển trên đường cao tốc chào đón người mới đến “Mảnh đất cổ xưa của tự do”. Với những ai lần đầu đặt chân đến đây, San Marino cũng như bao thị trấn trên đồi khác ở nước Ý. Người dân nói tiếng Ý, ẩm thực cũng mang phong cách Ý. Thế nhưng, đó là một quốc gia độc lập với bề dày lịch sử gìn giữ chủ quyền xuyên suốt nhiều thế kỷ, trụ vững một cách đáng kinh ngạc.
Được thành lập vào thế kỷ thứ tư, San Marino trên thực tế là nước cộng hòa lâu đời nhất còn tồn tại đến nay. Diện tích quốc gia chỉ vỏn vẹn 61,2 km2. Như những nước có chủ quyền khác, San Marino có nguyên thủ, đội bóng đá riêng, quốc kỳ, và khoảng 34.000 công dân gọi là Sammarinesi luôn tự hào giữ gìn bản sắc và truyền thống của mình. Vùng đất có phần kỳ lạ, đầy sự mâu thuẫn, đã thu hút những du khách tò mò ghé thăm, nhưng trong đó ít có người Ý. Đa số dân Ý thậm chí còn chưa từng đặt chân đến đây và không rõ lịch sử hình thành ra sao.
San Marino nhìn từ núi Titano |
Độc lập và tự do
“San Marino có những điều độc nhất vô nhị. Đất nước cộng hòa này độc lập và tự do suốt nhiều thế kỷ, và dù ngôn ngữ và ẩm thực địa phương mang đậm phong cách vùng Romagna của Ý, nhưng đừng bao giờ gọi họ là ‘người Ý’, vì họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Họ có cờ riêng, quốc huy và hộ chiếu riêng; họ sử dụng đồng euro dù không phải là một phần của Liên minh châu Âu”, Đài CNN dẫn lời bà Antonia Ponti, hướng dẫn viên du lịch của San Marino. Bà Ponti thừa nhận San Marino có thể không cạnh tranh được về mặt cảnh quan so với những vùng lân cận, “mảnh đất này chắc chắn không phải là điểm đến đẹp nhất trên thế giới”, nhưng các du khách tìm đến đây vì muốn chứng kiến một quốc gia trong lòng một quốc gia khác.
“San Marino cũng giống như bất kỳ thị trấn trên đồi nào mà bạn có thể tìm thấy ở Tuscany, Lazio, Marche hay Umbria, nhưng nơi đây sở hữu chất rất riêng về khía cạnh dồi dào lịch sử, và mang đến những góc nhìn tuyệt đẹp nhờ vị trí địa lý”, theo nữ hướng dẫn viên. Cũng giống như điều các du khách cảm thấy tò mò và muốn khám phá những quốc gia nhỏ bé khác như Liechtenstein hoặc Monaco, San Marino hấp dẫn những ai yêu thích sự khác biệt. Khi đến nơi, họ thường bị cuốn hút bởi nét kiến trúc trung cổ độc đáo. “Nhiều du khách nước ngoài tham quan Emilia-Romagna để thưởng thức ẩm thực, thường quyết định ghé ngang San Marino. Khi chuyến đi kết thúc, ai cũng bất ngờ vì đã khám phá được một địa điểm đầy cuốn hút, với các công trình cổ, những cửa hàng thủ công và các màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống”, bà Ponti chia sẻ.
Vương Cung Thánh Đường San Marino |
Một mê cung thời Trung cổ
Phố cổ là nơi tập trung những điểm đến nổi bật nhất của San Marino. Nơi này nằm trên núi đá Titano, nơi bạn có thể phóng tầm mắt đến tận bờ biển Adriatic và vào những ngày trời trong, Croatia có thể nằm gọn trong tầm nhìn. Được UNESCO công nhận là di sản thế giới, phố cổ chẳng khác nào một viện bảo tàng ngoài trời. Là vùng quy hoạch không có xe hơi, khu phố này là một mê cung ngoài đời thực với các con ngõ lát đá cuội, được bao quanh bởi những bức tường thành vững chắc. Có ba ngọn tháp lớn trên đỉnh núi, nối với nhau bằng con đường đi bộ men theo sườn núi. Từng là nơi đặt trạm gác quân sự, ba ngọn tháp giờ đây được mở cửa đón công chúng tham quan. Những người đến đây có thể vào bên trong ngục tối, thưởng thức bộ sưu tập các vũ khí cổ trong viện bảo tàng và tiếp cận “Con Đường Phù Thủy” với tầm nhìn tuyệt đẹp.
Theo các tài liệu, San Marino được hình thành từ ngôi nhà nguyện và tu viện được thành lập năm 301 bởi thánh Marinus, xuất thân là một thợ đá. Ngài là một Kitô hữu thời đầu đến từ đảo Rab, nay thuộc Croatia. Ngài đã rời quê hương để tránh thoát sự bách hại của hoàng đế La Mã Diocletian, và đến núi Titano sống ẩn dật từ đó. Thánh tích là hài cốt được cho thuộc về thánh Marinus đang được lưu trữ tại Vương Cung Thánh Đường San Marino. Giường đá nơi ngài từng ngủ cũng được bảo quản đến nay và tương truyền đã có những bệnh nhân đến đây cầu nguyện, nhờ sự chuyển cầu của thánh nhân, đã được chữa lành.
Nghề thợ đá của thánh Marinus cũng được truyền lại cho các thế hệ dân chúng San Marino. Hướng dẫn viên Ponti cho biết khai thác đá từ sườn núi Titano vẫn là nghề chính của người dân trong nhiều thế kỷ. Sau thế chiến thứ hai, những ngành nghề thủ công như gốm sứ, làm gạch, đồ nội thất, giấy bắt đầu phát triển. Do sống trên một vùng đất nhỏ, tinh thần cộng đồng của người dân ở đây rất cao. Họ đoàn kết và tự hào về danh xưng “người tự do” đã tồn tại qua hàng trăm năm.
HỒNG HOANG
Nguồn https://www.cgvdt.vn