Công việc hằng ngày của bà là chăm bông, thay bông để giữ cho các bình luôn tươi mới và quét dọn không gian xung quanh. Mọi việc như vòng tròn lặp lại, tháng nắng cũng như ngày mưa, ít người bầu bạn cũng không ai đồng hành, nhưng người phụ nữ xấp xỉ tuổi 70 này chưa từng có ý định nghỉ ngơi, dù đó là công việc hoàn toàn thiện nguyện, không có trợ cấp hay lương bổng.
Loay hoay với mấy chậu bông nên phải mất một lúc lâu, bà mới ngơi tay và chuyện trò với chúng tôi. Bà kể cuộc đời mình từ trẻ đã phải bôn ba xuôi ngược, chỉ đến khi về già được bên Mẹ thì mới êm đềm. Sống đời độc thân nên nhiều lúc bà cũng cô đơn, buồn tủi, nhưng đổi lại là sự thanh thản, tự do trong tâm hồn. “Lập gia đình thì chắc chắn vướng bận chồng con, cháu chắt, còn độc thân thì tự do tự tại, dành hết thời gian, tâm trí để làm chuyện mình muốn”, bà nói.
Việc chăm hoa cho Đức Mẹ với bà Cúc là một cơ duyên. Không cơ duyên sao được vì bà vốn không phải người Măng Đen, lại chẳng phải ở Kontum mà từ tận Sài Gòn xa xôi. Số là sau ngày di cư, gia đình bà đến sống tại giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang, Thủ Đức. Tại đây, trong một dịp tình cờ, bà được làm quen và nhận Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh làm cha tinh thần (thời điểm đó là linh hướng và giáo sư Tiểu chủng viện Thừa sai Kontum, sau này là Giám mục GP Kontum). Khi điểm hành hương Đức Mẹ Măng Đen hình thành, Đức cha mời bà lên Kontum để phụ giúp một số công việc. Và khi mọi chuyện dần ổn, bà xin ở bên Mẹ thêm một thời gian nữa để “chạy vòng ngoài”. Vậy mà thấm thoắt, 10 năm đã trôi qua. Bà dự định tiếp tục gắn bó với vùng đất này trong những năm tháng tuổi già.
Ai từng có dịp lên viếng Mẹ Măng Đen đều thấy bóng dáng một người phụ nữ lớn tuổi loay hoay bên mấy chậu cây. Phần lớn thời gian trong ngày bà đều ở đây, còn vào những hôm hành hương hay lễ trọng thì công việc luôn bù đầu. Bà bảo, có khi cả mấy ngàn bó hoa được giáo dân thành kính dâng lên cùng ngày, lại phải tất bật chọn lựa những bông đẹp nhất dành cho Mẹ, còn lại xử lý bằng cách nhờ bà con mang về lại như lộc của Mẹ hay gởi đến các nhà dòng, trao cho người cần… Nhiều lúc bận việc phải về lại thành phố nhưng dăm ba bữa bà lại lật đật trở lại vì bông lâu ngày không thay mới sẽ hôi thối, nhờ người khác thì chỉ sợ họ không quen việc. Vừa nói bà vừa liền tay cột mấy bó hoa cúc, lay ơn đã được phân loại gọn gàng.
Suốt 10 năm qua, bà âm thầm dưới chân Mẹ, góp phần làm cho đẹp khuôn viên |
Dù tuổi đã xế chiều nhưng bà Cúc vẫn chưa có ý định “nghỉ hưu”, bà nói khi nào nơi này trở thành trung tâm hành hương có người quản lý và bản thân không còn phục vụ được thì sẽ lui về. Chúng tôi hỏi ở đây có lúc nào muộn phiền không, bà trả lời: “Mình là người tình nguyện, một khi đã nhận công việc thì phải làm cho đến nơi đến chốn. Với lại, chả còn thời giờ nào để mà buồn, nếu có buồn chỉ cần nhìn lên, Mẹ sẽ an ủi. Mẹ đã cho mình quá nhiều niềm vui trong cuộc sống, hơn nữa tuổi này mà vẫn có sức khỏe tốt để đi tới đi lui nên tôi làm vậy để trả ơn Mẹ thôi”.
Tượng Đức Mẹ Fatima tại Măng Đen (còn được gọi là Tượng Đức Mẹ Măng Đen hay Đức Mẹ cụt tay), tọa lạc ở thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kontum; cạnh Quốc lộ 24, cách thành phố Kontum 53 km về phía Đông Bắc. Tượng Mẹ được dựng từ năm 1971, nhưng sau đó do chiến tranh, nơi đây trở nên hoang vu, bức tượng cũng bị hư hỏng ít nhiều và bị quên lãng trong rừng rậm. Mãi tới ngày 28.12.2006, sau khi được một số giáo dân thông báo, một phái đoàn do Đức Giám mục GP Kontum Micae Hoàng Đức Oanh dẫn đầu đã lên viếng Mẹ. Một năm sau, ngày 9.12.2007, Đức cha cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 giáo dân đã hiệp dâng thánh lễ kính Đức Mẹ tại đây. Từ đó, nơi này thành điểm hành hương của giáo dân đến từ khắp nơi. Ngày 9.12 hằng năm trở thành Ngày hành hương Đức Mẹ Măng Đen của giáo phận Kontum. |
VÕ QUỚI
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc