Thật ra cho đến nay, người ta biết rất ít về song thân của Đức Maria- người đã cưu mang Chúa Cứu thế.
Gia đình thánh Gioankim |
Các thánh sử Matthêu và Luca không nói gì về nhà ngoại của Đức Giêsu theo văn hóa Dothái. Theo cuốn Tiền Phúc Âm của thánh Giacôbê ở thế kỷ thứ II thì cha , mẹ của Đức Maria là Gioakim và Anna. Gioakim xuất thân là người chăn chiên thuộc dòng tộc Giuda. Anna là con gái của vị tư tế Matthan, gia đình trung lưu thuộc dòng họ Lêvi. Họ kết hôn khá sớm lúc khoảng chừng 20 tuổi nhưng mãi mà chẳng sinh con cái.Vì vậy, có lần, ông Gioakim lên đền thờ Giêrusalem để dâng của lễ, các tư tế giữ đền thờ đã từ chối vì ông không có người nối dõi. Làng xóm xì xào, bàn tán cho rằng đó là vô phúc. Cả Gioakim và Anna đều đau khổ nhưng họ không ca thán mà liên lỉ cầu nguyện. 20 năm sau, trong một lần hãm mình ăn chay, cầu nguyện, Anna được thiên thần của Chúa báo tin: bà sẽ sinh được một người con kỳ lạ. Về thuật lại với chồng, cả Gioakim và Anna đều vui mừng không xiết và bà Anna hứa rằng, nếu sinh được con, bất kể là trai hay gái, bà sẽ dâng con cho Chúa. Nhà của ông bà làm ngay tại Giêrusalem và được xác nhận là tại Cổng Chiên của Đền thờ ngày nay.
Sau 9 tháng 10 ngày mang thai, bà Anna sinh một bé gái xinh xắn khi bà tròn 40 tuổi. Hai ông bà đặt tên con là Maria. Ông Gioakim dạy dỗ con rất nghiêm khắc còn bà Anna dạy con làm nữ công gia chánh và nhất là làm người đạo đức, sốt sắng kính mến Chúa như lời sách Huấn ca dạy: “Kính sợ Thiên Chúa đem lại vinh quang và tự hào
Hân hoan và phấn khởi
Kính sợ Thiên Chúa khiến tâm hồn sung sướng
Cho con người hoan hỷ mừng vui
Và an khang trường thọ
Bởi kính sợ Thiên Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp
Ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành” (Hc 1,1-13)
Khi bé Maria lên hai tuổi, giữ đúng lời hứa, ông bà đã đem con lên đền thờ Giêrusalem để dâng con cho Chúa.
Ông Gioakim được cho là qua đời lúc 80 tuổi, bà Anna mất sau khi cháu ngoại là Đức Giêsu được dâng ở trong Đền thờ.
Thi hài ông Gioakim thì bị thất lạc nhưng thi hài bà Anna được gìn giữ dù phải chạy qua giấu cất ở nhiều nơi. Người ta truyền rằng, chính Đức Giêsu đã căn dặn các Tông đồ phải đưa hài cốt của bà ngoại đi cất giữ vì sợ khi Giêrusalem bị chiếm, người ta sẽ phá hủy thánh tích. Hài cốt thánh Anna được đưa về Apt, miền nam nước Pháp rồi bị thất lạc. Năm 792, Hoàng đế Chaletaque của Pháp tham dự thánh lễ kính thánh Anna. Đang lễ sốt sắng, đột nhiên có cậu bé mù chống gậy lên phía bàn thờ và gõ gậy lên bậc lên xuống nói: Bà ngoại ở đây. Mẹ cậu bé cuống quýt chạy lên dìu cậu xuống. Nhưng Hoàng đế yêu cầu cứ để cậu bé ở lại và hỏi: Bà ngoại nào? Cậu bé đáp: Bà ngoại của Chúa Giêsu chứ còn ai nữa. Hoàng đế ra lệnh cho thợ đào bậc tam cấp. Một đường hầm hiện ra. Cậu bé chống gậy đi trước, mọi người theo sau. Tới cuối hầm có một ngôi mộ đá. Trên đó có khắc dòng chữ: “Đây là xác thánh Anna- Mẹ Đức Trinh nữ Maria”. Cậu bé gọi to: Bà ngoại ơi, chúng con tới viếng bà ngoại đây”. Đột nhiên, mắt cậu sáng ra. Mọi người mừng rỡ tạ ơn bà thánh Anna. Vương cung thánh đường Sainte Anna de Beaupre (Quebec, Canada) tôn vinh thánh Anna. Ảnh: CTV |
Thánh tích của thánh Anna được chia sẻ ra nhiều nơi. Bàn tay phải được lưu giữ ở Vương cung thánh đường Bologne (Italia), một phần đưa về Cologne (Đức), đặc biệt được chia cho nhiều nhà thờ Chính thống giáo ở Hy Lạp, Hoa Kỳ. Ngày 3/8/2007, Đức Hồng y TGM Cologne đã trao phần thánh tích thánh Anna cho giáo sĩ C. Apostolin của Giáo hội Chính thống Hy Lạp ở nhà thờ cổ Texalonica, kiến trúc theo kiểu Bizantine từ thế kỷ X.
Đức Gioan Phaolô II đã coi song thân Đức Mẹ là gương mẫu của các gia đình Công giáo trong việc nuôi dạy con cái vâng theo thánh ý Chúa. Giáo hội kính 2 vị thánh này vào 25/7 hàng năm. Rất nhiều nhà thờ được xây dựng để tôn kính song thân Đức Mẹ trong đó có Vương cung thánh đường ở Bắc Mỹ Sainte Anna de Beaupre. BÍCH HẢI
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com