Gương điển hình

Xứ đạo bình yên nơi rừng Sác

Cập nhật lúc 09:56 04/12/2017
Nằm lặng lẽ bên kia sông Nhà Bè, giáo xứ Thánh Giuse có thể xem là một trong những họ đạo xa nhất và ít tín hữu nhất của TGP.TPHCM. Nhưng cũng tại nơi này, cái tình, cái nghĩa luôn nồng ấm…
Xứ đạo bình yên nơi rừng Sác
Xứ đạo bình yên nơi rừng Sác

 

“Quá giang” để dâng lễ

Chiếc phà ở bến Bình Khánh đưa chúng tôi về Cần Giờ vào một ngày trời đầy nắng. Từ đây, chạy khoảng 8 cây số nữa thì tới ngã ba Rừng Sác - Bà Xán, rẽ trái cặp theo con lộ nhựa thêm 4km là tới nhà thờ Thánh Giuse. Cùng với Cần Thạnh, đây là một trong hai giáo xứ thuộc huyện Cần Giờ. Khác với các xứ đạo ở TGP.TPHCM luôn nằm trong vùng dân cư đông đúc, nhà thờ Thánh Giuse lẻ loi giữa những cánh đồng.

Giáo xứ được “phôi thai” từ năm 1972, khi cha G.B Trần Ngũ Nhạc dẫn một số bà con giáo dân xuôi về vùng đất Cần Giờ rộng lớn, quanh năm nước ngập để khai khẩn đất hoang, làm ăn kinh tế. Thời gian đầu, cha Nhạc không thể thường xuyên hiện diện nên đời sống đạo của bà con khá ảm đạm; mỗi Chúa nhật, giáo dân chỉ tập trung đọc kinh và thực hành các nghi thức chứ không có thánh lễ. Năm 1977, linh mục Giuse Phạm Kim Ðiệp - dòng Chúa Cứu Thế - trong một lần vô tình nghe nói tại đây có một giáo đoàn di dân, đã tìm đến và xin bề trên được lãnh trách nhiệm coi sóc. Nhớ lại những khó khăn thuở ban đầu, cha Ðiệp (hiện đang nghỉ hưu ở Dòng Chúa Cứu Thế) kể thời điểm đó ngài đang coi xứ Cần Thạnh, đường lên Thánh Giuse dài khoảng 50km đường sông, nhưng phải mất 4 đến 5 tiếng đồng hồ, tùy theo con nước: “Tối đến tôi thường vào chùa xin cơm và tá túc, nửa đêm mới “quá giang” mấy chiếc ghe buôn bán tôm cua để đến nơi. Không ít lần bị té xuống sông, cả đồ lễ, quần áo ướt hết, phải tìm mọi cách hong khô để tới sáng còn kịp dâng lễ”. Cha nói khi ấy muốn vô tận nơi ở của giáo dân phải di chuyển rất vất vả, địa bàn bao quanh là nước nên chỉ có đường sông hoặc đường… ruộng. Người dân thì kiếm sống nhờ hai nghề chính là trồng lúa và trồng cói.

Lớp học văn hóa cho trẻ em vùng Cần Giờ vào mỗi dịp hè

Trong hoạt động bác ái, giáo xứ chú trọng giúp đỡ người già và những gia đình khó khăn bằng phần quà hằng tháng. Tủ thuốc tình thương đặt tại nhà xứ đã nâng đỡ cho nhiều người ốm đau mỗi khi trái gió trở trời. Ðể đáp ứng nhu cầu mục vụ của một số giáo dân ở xa nhà thờ, mới đây giáo xứ đã lập nên ngôi nhà nguyện nhỏ mang tên Mẹ Phù Hộ, nằm cách bến phà Bình Khánh độ 200m.

Năm 1988, linh mục Giuse Hoàng Văn Hinh (dòng Don Bosco), vốn là một người con của họ đạo đã thay cha Ðiệp hướng dẫn họ đạo. Giờ ngồi nghĩ lại, trong dòng hồi ức về những ngày đầu vừa nhận xứ, cha Hinh luôn nhớ về ngôi nhà thờ bé tí và lợp bằng tôn, trống trước hở sau, chứa được khoảng trăm người: “Dạo đó, đây là vùng đất ba không: không điện, không nước sạch, không đường đi. Tới năm 1997, giáo xứ xây lại nhà thờ mà vẫn chưa có đường dẫn vào nhà xứ. Ðể chuyển vật liệu, mọi người phải thay nhau đẩy bằng xe rùa. Bà con muốn lên thành phố, mỗi ngày chỉ có một chuyến đò đêm, để về lại phải đợi qua ngày hôm sau. Do khó khăn nên những năm 1986 - 1987, nhiều người bỏ Cần Giờ về lại thành phố định cư”.

Sân chơi dành cho thiếu nhi

Cộng đoàn Thánh Giuse hiện nay có khoảng 300 nhân danh, trong đó một lượng lớn thanh thiếu niên đã lên thành phố trọ học, làm ăn, khiến cho con số càng thêm khiêm tốn. Nhưng không vì thế mà đời sống họ đạo ảm đạm, trái lại các sinh hoạt vẫn diễn ra đều đặn, bởi theo như lời ông Chủ tịch HÐMVGX Nguyễn Văn Nghĩa thì bài toán thiếu nguồn nhân lực được giải quyết khi một người cùng lúc đảm trách nhiều nhiệm vụ. Từ nhiều năm qua, đây là nơi vui chơi không thể thiếu của thiếu nhi trong vùng, và từng được thành phố khen tặng là điểm sinh hoạt hè tiêu biểu.

Một buổi sinh hoạt của thiếu nhi tại giáo xứ

Ðiểm sinh hoạt cho thiếu nhi đã có gần 20 năm nay và được duy trì đều đặn, mỗi khóa có khoảng 200 em từ lớp 4 đến lớp 9 cùng tham gia, phần lớn con em gia đình không Công giáo. Dù chỉ diễn ra trong hai tháng hè, giáo xứ vẫn mời những giáo viên giỏi, có tâm huyết đến đồng hành với các em; cả các thầy dòng Don Bosco cũng trực tiếp đứng lớp nhiều môn. Mọi người còn chú trọng về nhân bản qua những ngày rèn luyện kỹ năng sống. Nhờ vậy, chỉ trong vài tuần hè, học lực nhiều em tiến bộ trông thấy, đồng thời cải thiện rõ rệt về văn hóa ứng xử như đi thưa về trình, hòa đồng cùng các bạn và biết ý thức chung… Nếu như ban sáng là thời gian dành cho các lớp văn hóa thì đến chiều các em vui chơi nhiều môn thể thao như bóng đá, bóng bàn, cầu lông hoặc tham gia văn nghệ với guitar, trống, hát… Ðây là môi trường lý tưởng giúp các em bộc lộ, phát triển năng khiếu bản thân. Các sân chơi dù đơn giản nhưng nơi chốn đi về quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em trong vùng.

Cha Hinh tặng quà cho người già hằng tháng

Ban đầu cũng gặp những khó khăn nhất định như cơ sở vật chất thiếu thốn, ít giáo viên tham gia... Nhưng giờ đây, khóa hè ở nhà thờ Thánh Giuse đã trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín để phụ huynh gởi con đến. Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nghĩa vẫn tỏ ra “tiếc hùi hụi” vì đợt vừa rồi bên ban chỉ đạo hè của huyện đề nghị không tổ chức ôn văn hóa, chỉ để trẻ vui chơi thể thao. Có thể có sự lo lắng cho việc học của các em sẽ bị quá tải sau một năm đầy vất vả, tuy nhiên, như đề cập ở trên, lâu nay, học và chơi ở đây luôn song hành, và học đơn giản là bổ trợ kiến thức, không đặt nặng vấn đề điểm số nên học sinh không bị áp lực.

Với sức sống mang trong mình, họ đạo Thánh Giuse đang góp thêm một nét đặc trưng vào bức tranh sống đạo vốn đã rất phong phú tại mảnh đất Sài Gòn.

ÐÌNH QUÝ

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Thông tin khác:
Thánh Luca Vũ Bá Loan (01/12/2017)
Nơi nào khó, nơi đó có dáng hình người mục tử (30/11/2017)
Nửa thế kỷ rong ruổi nơi bản làng (29/11/2017)
Vị mục tử và gia nghiệp Chúa trao (28/11/2017)
Nhóm Trái Tim yêu thương thực thi bác ái (20/11/2017)
Những nữ tu mặc áo blouse (15/11/2017)
Mái ấm Nhân Ái - "phép màu" của tình yêu thương (15/11/2017)
Giáo xứ Hoàng Mai: Chăm sóc quý cụ cao niên (14/11/2017)
Mái Ấm Thiên Ân: Nơi nương náu của các cụ già (10/11/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log