Gương điển hình

“Gia sản” của Ðôi vợ chồng già

Cập nhật lúc 15:32 25/03/2019
Nếu như không có hai ông bà thì 13 đứa trẻ đang sống nơi đây và trên trăm đứa trẻ khác có thể đã là những sinh linh vô tội bị cha mẹ chối bỏ. Không chỉ nhận về nuôi, họ còn cho các em cả một bầu trời tuổi thơ…

Làm “cha mẹ” khi đã tuổi lục tuần

Cầm trên tay địa chỉ của hai ông bà, chúng tôi tìm về mái ấm Thiện Tâm nằm tại thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Ngày trước họ sống ngay tại trung tâm thành phố Nha Trang, nhưng về sau, do nhu cầu tăng cao nên mới bàn nhau tìm mua một khu đất đủ lớn để lũ trẻ con có không gian sinh hoạt và lớn lên… Tiếng chuông vừa dứt, một cậu bé mở cửa và ngoan ngoãn mời chúng tôi vào nhà. Bên trong mấy đứa nhỏ vẫn chăm chỉ học bài trước sự xuất hiện của người lạ, bởi hình ảnh này có lẽ đã quá quen thuộc với chúng.

 

Cặp vợ chồng lớn tuổi mà tại đây ai cũng gọi bằng cái tên thân mật ông ngoại, bà ngoại là hai ông bà Nguyễn Đình Chi (76 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Liên (72 tuổi). Bên tách trà nóng, câu chuyện giữa chúng tôi lâu lâu lại đứt quãng giữa chừng, vì chút xíu lại có em chạy ngang ôm chầm lấy hai người. “Chiều nay ngoại nấu canh bí đỏ cho tụi con nha, lâu rồi tụi con chưa được ăn!”, em Nguyễn Đình Lâm Cát, 10 tuổi, nũng nịu. Sau cái gật đầu và nụ cười nhẹ trên môi, bà Liên thúc cả nhóm tranh thủ học bài. Tôi kịp với theo hỏi Lâm Cát ở đây có vui không thì em nhanh nhảu: “Vui lắm chú à, không những chúng con được các ngoại chăm sóc mà còn có nhiều anh chị em để chơi. Ngoại thương tụi con lắm, ngày nào cũng dành cho tụi con đồ ăn ngon hết”.

Thật ra, nuôi trẻ sơ sinh chỉ là bước đi sau này. Buổi đầu, chọn lựa của ông bà là đi chôn cất các thai nhi bị phá bỏ. Bà Liên kể ngày trước, thậm chí giờ đây cũng vậy, mỗi lần đi ra các ngã đường hay dọc theo những bãi cát mà thấy có cắm cây nhang thì ở dưới thế nào cũng có một bào thai. “Điều đó làm cho chúng tôi không thể nào cầm lòng, bị cha mẹ chối bỏ nhưng các em cũng cần phải được chôn cất tử tế chứ không thể để lạnh lẽo như vậy. Sau đó, khoảng năm 2004 thì cha Đông (linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông - Tổng Đại diện giáo phận Kontum, là anh ruột của bà Liên - PV) thêm lời động viên. Có cha cùng đồng hành nên chúng tôi mạnh dạn mua một khu đất trên núi Hòn Thơm làm nghĩa trang thai nhi”, bà Liên kể lại cơ duyên đến với công việc “nghĩa tử là nghĩa tận” này. Năm 2006, do khó khăn trong chôn cất, lại thấy việc đang làm không giải quyết được ngọn ngành nên ông bà chuyển sang cách dành thì giờ tới các cơ sở phá thai để khuyên nhủ, thuyết phục những người mẹ đang có ý định bỏ con, nói họ cố gắng sinh nở, nếu khó khăn thì ông bà sẽ nuôi con giúp. “Nếu như không có hai bác thì có lẽ giờ những đứa trẻ này đang là những thai nhi vô tội nằm ngoài nghĩa trang”, câu nói bất chợt nhưng là thật của anh bạn đi cùng xen vào khiến ai nghe cũng thấy chạnh lòng.

Niềm vui của bà Liên khi một đứa trẻ chào đời an toàn

 

Mang cho em tuổi thơ

Ở đây các em đều mang họ Nguyễn, còn tên thì được đặt theo quê của mẹ, nên những cái tên như Lâm Cát, Lương Sơn, Trường Lạc… đều mang theo đó một ý nghĩa. “Chúng tôi có ý đặt như vậy để sau này khi lớn lên, chúng nó biết mà tìm về quê hương, vì sẽ đến một ngày ông bà già sẽ lẩm cẩm, tay run, nhớ - quên lẫn lộn. Khi đó, nếu cần đi tìm mẹ thì các con cũng dễ dàng đến được nơi”, ông Chi tâm sự.

Sau hơn 10 năm, 136 đứa trẻ qua sự thuyết phục của hai ông bà đã chào đời an toàn. Phần lớn sau khi sinh ra, tình mẫu tử trong người mẹ trỗi dậy, do đó mặc những lời thị phi vô lý, họ vẫn quyết định mang con về nuôi nên sống tại mái ấm hiện còn 13 em nhỏ. Ngày chúng tôi đến thăm có thêm hai em từ Bình Phước mới về lại. Ông Chi cho hay mẹ của anh em sinh đôi này trước đây sinh con không cha được ông bà nâng đỡ, hiện đang làm công nhân ở Bình Phước, do đang trong giai đoạn cuối năm tăng ca, sợ các con ở nhà một mình ban tối nguy hiểm nên gởi xuống nhờ ông bà ngoại coi dùm một thời gian. Chi tiết này tuy nhỏ nhưng nói lên sự tin tưởng của những người lỡ bước với hai vợ chồng già nhân hậu.

Ở nhà, các em luôn được kèm cặp cả về nhân bản cũng như học lực

 

Để tiện cho việc chăm sóc, ông bà thuê thêm hai người cùng mình lo chuyện ăn uống, đưa đón các cháu đi học. Mấy đứa trẻ lớn có thể phụ giúp nấu cơm, quét dọn cửa nhà. Đều đặn mỗi Chúa nhật, Đại Chủng viện Sao Biển cắt cử các thầy tới dạy thêm nhân bản, vi tính cho mấy em trong nhà, rồi chở đi lễ... Còn tu sĩ dòng Ngôi Lời hằng tuần cũng tới kèm cặp thêm Anh văn. Lũ cháu đông đúc của ông bà cứ vậy hồn nhiên lớn lên trong sự bao bọc của nhiều người. “Những ngày đầu mới thực hiện việc này gặp rất nhiều vất vả, hằng đêm hai vợ chồng phải chia nhau thức để lo thay tã, đút sữa cho con, vậy mà Chúa cho mình sức khỏe nên không cảm thấy mệt mỏi gì. Đến hôm nay các em khôn lớn, thân già lại phải lo miếng ăn, chuyện học hành thì Chúa cho mọi thứ, dù không dư giả nhưng cũng không phải quá túng thiếu. Chuyện các thầy đến cùng đồng hành đều là do Đại Chủng viện lẫn nhà dòng biết và cử tới chứ mình đâu dám xin. Bản thân cứ phó thác thì mọi việc Chúa sẽ lo liệu”, ông Chi đúc kết.

Thêm một điều nữa mà ông bà cũng luôn thầm cảm tạ Ơn Trên là mọi chuyện từ lúc khởi sự cho đến nay luôn được năm người con đồng tình, ủng hộ và giúp sức… Trong gian nhà đơn sơ nhưng gọn gàng, sạch đẹp, giờ đây ngày ngày vang lên tiếng lũ trẻ đọc bài, cùng lời kinh nguyện trầm bổng, xua tan đi không gian yên tĩnh xung quanh. Riêng với ông bà, mỗi lần ngồi nhìn ngắm “gia nghiệp” là 13 đứa trẻ (em lớn nhất vô lớp 7, nhỏ nhất đã lớp 4) khôn lớn, trưởng thành cũng là niềm vui và hạnh phúc của tuổi già.

 

VÕ QUỚI
cgvdt

Thông tin khác:
Những giáo hữu SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI (20/03/2019)
Người cha của những đứa trẻ chưa từng cất tiếng khóc chào đời (20/03/2019)
Nơi đâu cũng đọng yêu thương (19/03/2019)
Thầy giáo Đặng Tấn Đua (13/03/2019)
Khiêm nhường là sứ điệp quan trọng từ Đức Mẹ Lộ Đức (05/03/2019)
Bác ái mùa Xuân (04/03/2019)
Vua heo rừng Đồng Tháp (20/02/2019)
Công giáo với y học dân tộc (18/02/2019)
Người cựu chiến binh có tấm lòng nhân ái (15/02/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log