Gương điển hình

Người cần mẫn lưu giữ những giá trị của thời gian...

Cập nhật lúc 16:16 14/08/2019
Trò chuyện và dành thời gian tìm hiểu về các dòng xe cổ cùng ông Phạm Văn Thọ (sinh năm 1955), là một người Hà Nội gốc, và cũng là một người có thâm niên gắn bó cùng với nghề sửa xe cổ gần 20 năm nay. Tôi mới nhận ra rằng, đằng sau những chiếc xe cũ kỹ ấy, là những câu chuyện lịch sử đầy thú vị, và là niềm đam mê bất tận của những người yêu xe cổ… 
Ông Phạm Văn Thọ luôn cần mẫn bên những chiếc Peugeot cổ. Ảnh: PV
Ông Phạm Văn Thọ luôn cần mẫn bên những chiếc Peugeot cổ. Ảnh: PV
Thọ xe lam…

Tìm hiểu câu chuyện về ông “Thọ xe lam”, cái biệt danh gắn bó cùng ông Thọ từ trước khi ông làm nghề sửa xe đạp, xe máy cổ, có lẽ phải quay ngược về cái thời xưa hơn nữa… Sau khi học xong phổ thông, năm 1973 ông Thọ tham gia thanh niên xung phong, rồi quay trở về xây dựng lăng Bác. Sau khi xong công trình, ông được Trung ương Đoàn giới thiệu về Xí nghiệp sửa chữa xe máy Hà Nội.

Trong quá trình vừa học, vừa làm ở xí nghiệp, ông Thọ mua một số xe Nga về, cải tiến thành chiếc xe con bọ ba bánh, dựng thành xe lam, cứ chiều tối xong việc ở xí nghiệp, ông lại mang chiếc xe mình dựng được ra bến Kim Mã, nhận chở bách hóa, lương thực, thực phẩm, hàng hóa Liên Xô viện trợ…. Kiếm được 4-5 đồng mỗi tối, “cái hồi tem phiếu ấy, 4 hào đã mua được 1kg gạo, số tiền tôi kiếm được quả thật rất đáng quý” – Ông Thọ kể.

Nhận thấy tiềm năng từ những chiếc xe lam, nhiều người ngỏ ý muốn mua lại chiếc xe của ông Thọ để làm ăn, ông Thọ đã quyết định liên kết cùng xí nghiệp, mua trực tiếp xe ở Nga về, bán được trên dưới 4000 chiếc xe lam, đến nỗi cứ nhắc tới xe lam, là người ta lại nhắc tên ông Thọ. Từ đó mà mọi người đặt cho ông biệt danh là “Thọ xe lam”. Ngày ấy, mình ông “độc quyền” cửa hàng chuyên sửa chữa, bán những chiếc xe lam ba bánh, cho tất cả dân lao động Hà Nội và các tỉnh lân cận, cho tới những năm 1996-1997, xe lam chính thức bị hạn chế lưu thông rồi ngừng hẳn. 

Ông Thọ sửa xe cổ…

Năm 2000, ông Thọ chuyển sang sửa xe máy, xe đạp cổ của Pháp. Gắn bó, thăng trầm cùng dòng xe Pháp cổ, đối với ông không chỉ còn có ý nghĩa về cơm áo, gạo tiền thông thường nữa, mà còn là cách để ông theo đuổi, nuôi dưỡng niềm đam mê của mình với những dòng xe cổ, cũng như lưu giữ những nét văn hóa, lịch sử của Hà Nội.

Ông Thọ chia sẻ: “Quanh Hà Nội, giờ chỉ còn vài ba người gắn bó với nghề sửa xe đạp cổ. Đây vừa là nghề, cũng là niềm đam mê của tôi, bạn bè hay khách đến đây ngắm những chiếc xe cổ, hoặc đến nhờ tôi sửa xe cũng đều rất thích thú. Tôi thấy rằng, nghề này rất đáng để chúng ta gìn giữ, để nhớ lại một thời lịch sử của Pháp gắn với Hà Nội. Nhớ lại thời hoàng kim của những chiếc Peugeot cổ, khi làm nghề, tôi mong muốn giữ được vẹn nguyên, những giá trị lịch sử của dòng xe pháp”.

Nhiều năm qua, tiệm sửa xe nhỏ nằm trên phố Thanh Bảo của ông, đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ quen thuộc của giới “chơi” xe cổ. Rất nhiều người đam mê, nghỉ hưu rồi về chỉ thích quanh quẩn ở đây ngắm xe cùng ông suốt từ sáng đến tối. “Khách đến đây chiều mát sẽ đông kín vỉa hè, trên cơ sở là thú vui về xe, anh em tứ xứ còn gặp gỡ, trao đổi với nhau về kiến thức xã hội, về cuộc sống, con người, gia đình… Mọi người tụ họp nhau về đây, mỗi người mỗi việc, khi có vấn đề gì mọi người cũng giúp đỡ nhau, hoặc cùng nhau trao đổi kiến thức. Đây cũng chính là nguồn động lực, làm cho tôi thêm yêu, thêm thích nghề này, dù rằng giờ sức khỏe tôi không còn được như xưa, thế nhưng vì yêu thích, say mê, dù mưa nắng tôi vẫn ra đây ngồi, để được ngắm nhìn những chiếc xe Mobylette, Peugoet, Mobicane… Mỗi ngày đối với tôi, giống như được “gặp lại” Hà Nội xưa lãng mạn và đầy hoài cổ”.

Ngót nghét gần 20 năm gắn bó với nghề, mặc dù giờ đã hơn 60 tuổi, thế nhưng ông Thọ vẫn miệt mài, cần mẫn đi thu mua lại những chiếc xe đạp cổ từ mọi miền của Tổ quốc, tháo ra, lắp lại tỉ mỉ từng con ốc. Ấy vậy mà có chiếc xe, ông mất mấy tháng trời mới đủ phụ tùng để dựng lại một chiếc nguyên bản. Việc phục chế xe cổ, từ linh kiện, phụ tùng của nhiều chiếc xe cổ khác, cần đầu tư rất nhiều công sức, thời gian, cũng như sự đam mê, tỉ mỉ của người làm. Từ đó, sự giá trị của chiếc xe dường như không chỉ đơn thuần là phương tiện đi lại, mà nó còn mang đậm nét văn hóa, những giá trị nhân văn đẹp đẽ của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Theo lời kể của ông Thọ, tôi hình dung về một thời, những chiếc xe Peugeot cổ, đang nhịp nhàng lăn bánh trên khắp các nẻo đường Hà Nội, những nam thanh, nữ tú trong bộ áo dài xưa, đang vui vẻ nói cười bên chiếc xe đạp, xe máy cổ. Hình ảnh những chiếc xe cổ ấy, đã gắn bó một thời tuổi thơ của ông Thọ, trở thành một phần không thể thiếu trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, gắn bó cùng với ông hơn nửa đời người… và những người cần mẫn lưu giữ những giá trị của thời gian như ông Thọ, sẽ tiếp thêm lửa đam mê, để những người trẻ có thể hiểu được một phần giá trị về văn hóa, lịch sử của một Hà Nội cổ kính và đầy lãng mạn…
 
Đỗ Hoa
Thông tin khác:
Giữa vùng quê Tây Đô có lớp học "0 đồng" (09/08/2019)
"Giáo xứ an toàn - sáng - xanh - sạch đẹp" (09/08/2019)
Một lương y với ước mơ trở thành một nhà từ thiện (06/08/2019)
Caritas Hải Phòng đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường (01/08/2019)
Một gia đình Công giáo có hai thế hệ đều là thương binh (30/07/2019)
Ca mổ hy hữu do sản phụ phải ngồi sinh (29/07/2019)
Ba người "anh hùng" trong một mái nhà (24/07/2019)
Người “cưu mang” 200 bà bầu (23/07/2019)
Nghị lực vươn lên của cậu học trò khuyết tật (22/07/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log