Nguyễn Tri Phương (1800-1873). Tranh: TL |
Nhà nghèo lại không xuất thân từ khoa bảng, nhưng nhờ ý chí tự lập ông đã làm nên cơ nghiệp lớn, được nhà Nguyễn trọng dụng. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình chống lại quân Pháp trong nhiều năm, được vua Minh Mạng đề bạt hàm Điển bộ (Bí thư ở Nội điện) và nhiều chức danh quan trọng khác, được vua Thiệu Trị thăng hàm Chánh Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Thượng thư bộ Công đại thần Cơ mật viện, tước Tráng Liệt tử và được ban một Ngọc bài có khắc bốn chữ “Quân kỳ thạc phụ", được chép công trạng vào bia đá ở Võ miếu (Huế). Sau khi vua Thiệu Trị mất, ông được vua Tự Đức tôn làm Phụ chính Đại thần (theo di chiếu). Năm 1858, tàu chiến Pháp đến uy hiếp Đà Nẵng, vua Tự Đức cử ông làm Quân thứ Tổng thống đại thần trực tiếp chỉ huy quân đội chống lại. Năm 1862, sau khi triều đình Huế Hòa ước Nhâm Tuất, mất 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào tay Pháp, ông được cử ra Bắc làm Tổng thống Hải An quân vụ, thăng chức Võ Hiển Đại học sĩ, tước Tráng Liệt Bá. Năm 1872, ông được điều về giữ chức Tuyên sát đổng sức đại thần, thay mặt triều đình xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ, bảo vệ thành Hà Nội. Đêm 19/11/1873, Pháp đánh úp thành Hà Nội. Bị trọng thương, ông đã tuyệt thực, quyết không đầu hàng giặc, mất ngày 20/12/1873, thọ 73 tuổi. Tên ông được đặt cho con đường ở phía đông thành Hà Nội.
Hoàng Diệu (1829-1882) quê làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho giáo có 7 anh em nổi tiếng thông minh. Năm 25 tuổi, ông đỗ Phó bảng. Từ năm 1851 đến 1878, ông được vua Tự Đức bổ nhiệm làm Tri huyện, Tri phủ, Tổng đốc nhiều nơi rồi giữ chức Thương thư bộ Binh, kiêm quản cả việc thương chính. Từ 1879 đến 1882, ông làm Tổng đốc Hà Ninh quản lý vùng trọng yếu nhất của Bắc Bộ là Hà Nội và phụ cận. Ông đã chỉ đạo quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Trước khi thất thủ, ông ra lệnh cho tướng sỹ giải tán để tránh thương vong. Một mình ông vào hành cung, cắn ngón tay lấy máu viết di biểu tạ tội cho vua Tự Đức, rồi ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử. Tờ di biểu viết: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng”. Ông mất ngày 25/4/1882, thọ 54 tuổi. Tên ông được đặt cho con đường phía tây thành Hà Nội.