Chưa từng làm mẹ nhưng lại là mẹ của nhiều người con Thành lập từ năm 2008, Mái ấm Thánh Tâm ban đầu chỉ là một căn nhà cấp bốn rộng khoảng 40m2. Cùng với những nữ tu sĩ khác, sơ Nguyễn Thị Ngát đã dành tâm huyết để có thể gây dựng nên ngôi nhà chung nuôi dưỡng các em nhỏ bị khuyết tật, bỏ rơi tại địa phương. Hiện tại, không gian này là ngôi nhà chung của 10 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, 16 trẻ em khuyết tật bẩm sinh, 2 người lớn hơn 50 tuổi mắc bệnh trầm cảm, thần kinh và 2 cụ già neo đơn. Trong số các em thì có 2 em đang là sinh viên đại học. Các em đều được Mái ấm Thánh Tâm cùng các sơ nuôi dưỡng khi chỉ mới 8 - 9 tuổi.
Sơ Bích chăm sóc các con tại Mái ấm Thánh Tâm. |
Khi 18 tuổi, Nguyễn Thị Bích đã chọn con đường trở thành tu sĩ chỉ với một lý do đơn giản: “Nếu xây dựng gia đình, sẽ chỉ có thể làm cho bản thân hạnh phúc. Nhưng tôi muốn có cuộc sống ý nghĩa hơn, rộng lớn hơn, sống một đời yêu thương - phục vụ”.
Với tâm tình ấy, sơ Bích đến với Mái ấm Thánh Tâm từ năm 2009. Cũng như các sơ khác, sơ Bích phải học cách chăm sóc những em bé, nhất là đối với những trẻ khuyết tật. Sơ cho biết, những ngày đầu tiên ở đây ăn cơm không ngon vì cảm giác sợ hãi, lo lắng luôn thường trực. Nhưng bây giờ thì những điều ấy không còn nữa. Thay vào đó, các sơ đều muốn tự tay chăm sóc các con, lo lắng và dạy bảo chúng mỗi ngày.
“Linh đạo của chúng tôi là quan tâm, chăm sóc những người bất hạnh, mồ côi, khuyết tật, các cụ già neo đơn, những mảnh đời bất hạnh, cho nên cách đây 13 năm, từ sự giúp đỡ của nhà dòng và nhiều ân nhân, cha Giuse Nguyễn Minh Hoàng đã cùng với các sơ xây dựng nên Mái ấm Thánh Tâm. Chúng tôi đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống dưới mái nhà này”, sơ Bích vui vẻ chia sẻ.
Người gắn bó lâu nhất với Mái ấm là sơ Nguyễn Thị Ngát. Dù sức khỏe không tốt nhưng chưa một ngày nào, sơ thôi trăn trở về các con. Các sơ đều nhớ như in từng hoàn cảnh, quê quán, câu chuyện của những mảnh đời kém may mắn trong ngôi nhà chung. “Có em thường xuyên lên cơn động kinh hoặc lên cơn hoảng loạn, đập phá hết đồ đạc, la hét. Các sơ luôn phải bình tĩnh, chăm sóc, kiên nhẫn và không bao giờ nặng lời hay dùng đòn roi với các con”, sơ Ngát kể về những điều tưởng chừng như rất khó khăn nếu không có tình thương yêu, lòng bao dung.
Xây dựng mái ấm bằng tình thương Một ngày ở Mái ấm Thành Tâm bắt đầu bằng việc đọc kinh cầu nguyện. Sau đó, việc lo bữa ăn, dạy học đều được các sơ chia nhau chăm lo. Không chỉ dạy chữ, các sơ còn dạy đàn, dạy hát. Có sơ chưa từng làm mẹ, làm bà, có sơ mắc bệnh hiểm nghèo nhưng tất cả đều rất thành thạo mọi công việc chăm sóc người khác và trở thành người thân, người thầy, người bạn của những mảnh đời bất hạnh nơi đây.
Uỷ ban MTTQ Thành phố Hà Nội đến thăm tặng quà Mái ấm Thánh tâm. Ảnh: CTV |
“Mái ấm đã được cấp cho mảnh đất để xây nhà mới nhưng hai năm qua, dù nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà hảo tâm nhưng cũng chỉ xây xong phần nhà. Nhiều hạng mục khác vẫn còn dang dở. Chúng tôi chỉ mong sớm hoàn thiện ngôi nhà để các con có chỗ ở tốt hơn, không bị nóng bức trong mùa hè”, sơ Bích chia sẻ.
Không dễ gì để hoàn thành những công việc đó nếu không có tình thương, vượt lên trên cả những người sinh ra đứa trẻ ấy. Tấm lòng bao dung, ấm áp của các sơ đã phá bỏ rào cản của những đứa trẻ cô đơn. Cũng chính tình yêu thương giúp các sơ vượt qua khó khăn bao năm qua, ngày ngày chăm sóc nuôi dưỡng hơn 30 mảnh đời bất hạnh. Dù còn nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng những người mẹ ấy vẫn luôn rộng mở vòng tay đón nhận những mảnh đời không nơi nương tựa.
Ngoài sân là mảnh vườn trồng hoa đậu biếc. Những bông hoa dịu dàng, nữ tính với sắc xanh tím dịu nhẹ mang lại cảm giác bình yên tinh khiết như chính tấm lòng của những nữ tu sĩ nơi giáo xứ Xuy Xá.