Nhiều nữ tu tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19. Ảnh: CTV |
Hơn hai năm qua 2020 - 2022, dịch COVID-19 hoành hành cũng là hơn hai năm đất nước gồng mình chống chọi với những tác động từ đại dịch.
Hơn lúc nào hết, trong gian nan ấy, tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách của người Việt lại tỏa sáng. Các dân tộc, tôn giáo, các thành phần trong xã hội, từ nông dân, công nhân, trí thức, đến các doanh nhân cùng chung tay đóng góp sức người, sức của vào công cuộc chống “giặc COVID”, chung tay sẻ chia với đồng bào trong cơn hoạn nạn, sa cơ.
Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới. Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần Dân Chúa”, đã được đồng bào Công giáo thể hiện bằng những hành động cao cả như thế, sống Phúc âm giữa lòng dân tộc.
Trong Thư kêu gọi gửi đồng bào Công giáo Việt Nam với tiêu đề “Thương quá Sài Gòn ơi!”, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam - Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã kêu gọi đồng bào trong nước hướng nhìn về Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành tâm dịch; kêu gọi tín hữu Công giáo, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện… coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo lời Chúa dạy, làm tất cả những gì có thể để ứng cứu đồng bào ruột thịt
Phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo, tinh thần từ bi, cứu khổ, không ít chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đã tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, trong số đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào Công giáo.
Sau lời kêu gọi của Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngày 22/7/2021, gần 200 linh mục, tu sỹ là nhân viên y tế đã tình nguyện lên đường vào các bệnh viện dã chiến - nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 để chung tay góp sức với ngành y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân. Tiếp đó, ngày 11/8/2021, thêm 70 y bác sĩ là các chức sắc, tu sĩ, tín hữu Công giáo đã tham gia hỗ trợ công tác điều trị COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 12 và Bệnh viện Nhân dân Gia Định Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến ngày 29/9/2021, thành phố tổ chức lễ xuất quân đợt 8 cho 19 tình nguyện viên tôn giáo tiếp tục tham gia công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 16, quận 7. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 8 đợt xuất quân lực lượng tình nguyện tôn giáo với 605 tình nguyện tham gia phục vụ tại các bệnh viện điều trị COVID-19. Nhiều nhân viên y tế, y bác sĩ Công giáo là nhân lực chủ chốt tại những bệnh viện nơi tuyến đầu.
“Các tình nguyện viên tôn giáo có vai trò rất lớn để hỗ trợ bệnh nhân sớm hồi phục. Các thầy, các sơ là những người rất tâm lý, hỗ trợ chăm sóc, chia sẻ và động viên tinh thần cho người bệnh cũng như trấn an người bệnh trong lúc họ hoảng loạn. Những y bác sĩ Công giáo đang nỗ lực hết sức để chữa trị cho người bệnh. Thậm chí có nhiều trường hợp, bác sĩ vài tháng chưa được nghỉ ngơi, về thăm gia đình.” - Bác sĩ Chuyên khoa II Vương Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 16 chia sẻ.
Những đóng góp của các tín đồ tôn giáo nói chung, y bác sĩ Công giáo nói riêng khó có thể nói bằng lời hay bằng những con số. Giá trị lớn nhất mà chúng ta có được sau các làn sóng dịch là tinh thần nhân văn, tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước được tiếp nối và phát huy
ĐỖ THỊ HẰNG