Khu di tích đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan ở Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Hà Hoa |
Dương Vân Nga (952 - 1000), quê Thanh Hóa, là Hoàng hậu của 2 vị Hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc trong Lịch sử đất nước là Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Khi người con trai của bà với Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn lên kế vị còn nhỏ tuổi, bà trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính. Bà đã chủ động nhường vị trí của con cho Phó vương Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn, để lập ra nhà Tiền Lê. Sau khi đoạt chức vua, Lê Đế lập Dương thị làm một trong các Hoàng hậu của ông, tôn hiệu là Đại Thắng Minh hoàng hậu. Vì là một người đàn bà quyền lực của 2 triều đại quan trọng, sử sách thường gọi bà với cái tên trang trọng là Dương hậu hay Dương thái hậu. Hiện nay, trong các đền thờ, tên đường và các tác phẩm văn học nghệ thuật, người Việt gọi bà là Thái hậu Dương Vân Nga. Bà là nhạc mẫu của Hoàng đế Lý Thái Tổ, bà ngoại của hoàng đế Lý Thái Tông. Dương hoàng hậu và Lê Hoàn được thờ ở Hoa Lư Ninh Bình.
Ỷ Lan (1044-1117) quê Hà Nội. là phi tần của Hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ của Hoàng đế Lý Nhân Tông. Bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, giúp đất nước dưới triều Lý hưng thịnh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Lý Thánh Tông phải duyên với Ỷ Lan cô gái hái dâu và triệu bà về cung làm Phu nhân”. Tên hiệu Ỷ Lan nghĩa là tựa vào gốc lan. Tháng 2/1069, Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành đã trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho bà, giúp sức có Thái sư Lý Đạo Thành. Tháng 1/1072, Lê Thánh Tông mất. Hoàng thái tử 7 tuổi kế nghiệp là Lý Nhân Tông. Ỷ Lan Nguyên phi được tôn làm Hoàng thái hậu, giữ vai nhiếp chính lần thứ hai, với sự tiếp sức của Thái úy Lý Thường Kiệt. Ỷ Lan có ảnh hưởng lớn trong triều đình, lại rất thương dân. Bà thường cấp gạo cứu đói cho dân, phát tiền chuộc các cô gái nhà nghèo bị bán ở đợ, đem họ gả cho những người đàn ông góa vợ. Bà còn đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi, góp phần tạo nên kỷ cương xã hội
HẢI VÂN