Thôn Liên Nhật - một trong những khu dân cư kiểu mẫu của xã Thạch Hạ. Ảnh: CTV |
Gia đình ông trưởng thôn Lê Đức Luận (54 tuổi - thôn Trung) là một trong những hộ tiên phong trong phong trào mở đường tại đây. Đầu năm 2019, 2 đợt vận động hiến đất ông đều tham gia với diện tích 700m2 đất.
Với cương vị là trưởng thôn, ông còn vận động bà con trong thôn cùng hưởng ứng phong trào hiến đất mở đường làm đẹp lối xóm.
Đặc biệt, trong năm 2017, hơn 20 hộ giáo dân thôn Trung đã hiến gần 1.000 m2 để mở rộng đường từ 3m lên 5-7m.
“Trước kia, con đường tại thôn Trung vừa chật lại toàn bùn đất, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, khiến cho người dân đi lại khó khăn, kinh tế địa phương kém phát triển. Sau khi thấy nhiều thôn khác đường sá rộng rãi thuận tiện, bà con tự thay đổi cách nhìn và tham gia hiến đất nhiều hơn.”, ông Luận vui vẻ nói.
Được biết, thôn Trung là vùng Công giáo toàn tòng với 118 hộ, 497 nhân khẩu. Những năm 2011-2013, các tuyến đường vào thôn chỉ từ 2,5m - 3m, nhiều tuyến đường lầy lội, khó đi. Sau khi được mở rộng nhờ đất dân hiến, các con đường tại đây đều được bê tông hóa, rộng từ 5-7m.
Tại xã Thạch Hạ, nhiều hộ dân hiến đất còn tự nguyện tham gia tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất, cây cối, hoa màu… mà không đòi hỏi đền bù. Thậm chí, nhiều mảnh đất đang có giá trị cả trăm triệu đồng cũng được người dân đồng tình ủng hộ.
Mảnh đất của gia đình bà Nguyễn Thị Kính (giáo dân tại thôn Thượng) thời điểm sốt đất có giá gần 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên khi được vận động, bà cùng con cháu đã tự nguyện phá bỏ hàng rào hiến 120 m2.
Chia sẻ việc làm của mình, bà Kính cho rằng đó là việc nên làm vì “Từ khi có đường mới xe cộ đi lại thích hẳn, ô tô vào tận nhà. Hiến đất mà được lợi như thế bà con đều đồng tình thôi”.
Để có sự đồng thuận từ người dân, trong gần 10 năm xây dựng phong trào nông thôn mới, nhiều cách làm hay, sáng kiến đã được chính quyền xã vận dụng.
Một trong những cách làm hay của Thạch Hạ chính là tuyên truyền nông thôn mới bằng hình thức sân khấu hóa. Tại các thôn xóm thường xuyên diễn ra các chương trình văn nghệ, các tiết mục được lồng ghép mà người dân là nhân vật chính.
Ngoài tuyên truyền vận động thì vai trò của người cán bộ rất quan trọng. Cái khó của Thạch Hạ là nằm ở vùng ven đô, giá đất khá cao, trong khi đời sống người dân còn thấp. Để người dân mất hàng chục có khi hàng trăm mét vuông có giá trị lên đến trăm triệu đồng rất khó. Vì vậy hầu như các cán bộ, nhân viên đều tiên phong đi đầu trong việc hiến đất. Điển hình như ông Từ Công Duyệt (nguyên thủ quỹ UBND xã) hiến 150m2 đất có giá trị hơn 200 triệu đồng; ông Võ Tá Hậu (thôn Hạ) hiến 150m2 đất..., ông Nguyễn Sông Hàn (Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ) chia sẻ.
Nhiều cán bộ trẻ kế cận cũng tham gia hiến đất để mở rộng đường. Mảnh đất của gia đình chị Võ Thị Khánh Linh (Phó Bí thư Đoàn xã Thạch Hạ) trước đây rộng hơn 1.000m2 đất. Nhưng con đường vào nhà trước đây còn nhỏ hẹp, chị Linh đã vận động gia đình phá dỡ hàng rào, nhường hơn 200m2 để làm đường.
“Trong 10 năm qua, người dân xã Thạch Hạ đã hiến gần 60.000m2 đất với giá trị khoảng 107 tỷ đồng. Cùng với sự chung tay của nhân dân, xã Thạch Hạ đã đầu tư xây dựng trên 41km đường trục xã, gần 88km đường trục thôn, hơn 139km đường ngõ xóm và 102km đường giao thông nội đồng. Các tuyến đường đều được bê tông hóa và trải nhựa”, Chủ tịch UBND xã Thạch Hà, Nguyễn Sông Hàn phấn khởi.
Về vùng ven đô Thạch Hạ, những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp cùng với hàng rào xanh cắt tỉa gọn gàng đã thay thế cho những ngõ nhỏ với bùn đất lầy lội. Điều này đã giúp diện mạo và kinh tế địa phương được khởi sắc.