Mọi thứ trong đời đều có nhân duyên ! Năm 2008, trong một dịp tình cờ vô làng chơi, thấy một đứa trẻ mới 2 ngày tuổi còn đỏ hỏn, vừa lọt lòng thì mẹ qua đời, theo hủ tục của người dân tộc Jarai, đứa trẻ phải được kẹp vào chân chôn chung với mẹ. Không cầm lòng được, thầy Nhật lao vào giằng co cứu cho bằng được sinh linh bé bỏng ấy, sau đó thuyết phục già làng cho mình nhận nuôi. Đấu tranh mãi, cuối cùng làng cũng cho thầy đem đứa bé về chăm sóc. Sau này, em được đặt tên là Đinh Hồng Phúc, bởi theo bố nuôi, việc cứu và nuôi sống được em là nhờ hồng phúc Chúa ban. “Khi đưa đứa bé đầu tiên về nuôi, mình rất sợ, do không lập gia đình nên mình chưa mường tượng phải nuôi con như thế nào. Tối nó khóc, buồn vì dỗ mãi không nín, chỉ biết ngồi đọc kinh cầu nguyện. Để bé được bú sữa, mình phải bế đi xin những chị hàng xóm có con nhỏ, rồi phải nấu nước cơm đút cho nó uống”, thầy Nhật hồi tưởng. Đứa bé đỏ hỏn ngày trước nay đã được 9 tuổi và đang học lớp 3 trường Võ Thị Sáu trong xã.
Từ đó về sau, hễ đi đâu bắt gặp các em nhỏ bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ, thầy Nhật lại đem về nuôi nấng. Năm tháng qua đi, mái ấm của thầy lại đầy thêm, bây giờ đã lên đến 71 em, nhỏ nhất 9 tháng và lớn nhất 16 tuổi. Tất cả đều được đưa về trong tình cảnh bi đát: có em nằm bãi rác, có bé bị bỏ rơi lúc lọt lòng hay bị khuyết tật bẩm sinh. Lòng trắc ẩn đã khiến người đàn ông ngoài 50 tuổi không ngại khó, ngại khổ để chăm sóc các bé. Trong căn nhà đơn sơ, thầy và các con nương nhau sống. Những ngày đầu khó khăn thiếu thốn, chỉ có cơm chan canh lót dạ qua ngày, vậy mà vẫn ấm áp tình người bởi những yêu thương đong đầy của người cha nuôi dành cho bọn trẻ.
Thầy bảo, mình có thể chịu đói chứ các con thì không. Vì thế, mỗi ngày ông thầy đều xách xe đi xin làm công trong rẫy cà phê, tiêu, hay đi nuôi bệnh nhân, làm việc gì chân chính mà có tiền nuôi các em, thầy đều không ngần ngại. Cũng có khi ông dẫn theo một vài em lớn tới các gia đình xin phụ việc, tập cho các em biết làm và có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình. “Mặc dù mình cũng là người cứng cỏi, nhưng nhiều lúc cũng phải rơi nước mắt, nghĩ không biết ngày mai sống bằng gì, làm sao để các cháu được ăn được học như bao đứa trẻ bình thường khác”,người cha nuôi trầm giọng.
Góc học tập của lũ trẻ |
Không chỉ nuôi ăn, những đứa trẻ còn được thầy chăm lo cho đến trường học hành. Hiểu được hoàn cảnh của mình, tụi nhỏ luôn yêu thương đùm bọc nhau, đứa lớn chăm đứa bé, kèm cặp em nhỏ học phụ với thầy. Bé Lan, 10 tuổi, học lớp 3, sống ở mái ấm từ nhỏ. Mẹ mất sớm, bố bị ung thư phổi đang ngụy kịch, em nói trong sự biết ơn: “Không có thầy Nhật chắc giờ con không được đi học đâu. Thầy vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa làm thầy nữa, dạy dỗ và luôn yêu thương chúng con !”. Nghe bé nói với chúng tôi như vậy, thầy tiếp lời: “Những đứa bé khác sinh ra có cha mẹ, ông bà chú bác vây quanh, còn tụi nhỏ ở đây lại côi cút nên nhiều khi dù rất mệt mỏi, mình cũng ráng chăm lo cho các bé hết mình, cố vượt qua những khó khăn với niềm tin rằng các cháu là con của Chúa, Chúa sẽ giữ gìn”.
Ngày mới về Ia H’Lốp, đời sống của người dân xung quanh rất nghèo, hầu như không có người Công giáo, chỉ có hai gia đình người Kinh có đạo song lại nguội lạnh trong đời sống đức tin. Bản thân vốn là một tu sĩ nên thầy Nhật luôn trăn trở phải làm cách nào để đem Tin Mừng của Chúa đến nơi đây. Nhờ sự ủng hộ của một ân nhân, thầy xin xây dựng nhà thờ giáo họ Ia H’Lốp, hoàn thành cách đây 3 năm. Hiện tại số tín hữu nơi đây đã tăng lên với 600 người Kinh và 1100 người dân tộc. Do không có linh mục nên hằng ngày thầy đích thân dạy giáo lý cho người dự tòng, cho các cặp chuẩn bị kết hôn. Các bé lúc mới đưa về đều được gia nhập đạo, còn những em lớn thì thầy hỏi ý kiến, khi thực sự cảm mến thì mới chịu phép rửa.
Tuy đã rẽ ngang con đường tu trì nhưng những gì thầy Nhật đang làm không khác lắm một nhà truyền giáo, mang ánh sáng đức tin đến bản làng xa xôi, nơi chưa có nhiều người biết Chúa. Tâm nguyện của người cha nơi mái ấm Giuse này là phục vụ cho các trẻ với hết sức mình, tất cả chỉ để làm sáng danh Chúa.
Chuẩn bị chia tay mái ấm, hình ảnh vô cùng dễ thương đọng lại trong tâm trí là các em quây quần dưới chân tượng Đức Mẹ lần chuỗi Mân Côi. Tự nhiên chúng tôi có một niềm tin tưởng rằng Mẹ sẽ bảo bọc, ban cho các em một sức sống mạnh mẽ như núi rừng Tây Nguyên này, để kiên cường vượt qua mọi bão táp của cuộc đời, dưới vòng tay và khúc ru của một người đàn ông có trái tim bao dung, nhiệt thành.
NGỌC LAN