Khu lăng mộ Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (Cha Khâm), hiện ở tại thôn Chánh Khoan, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, thuộc giáo xứ Phù Mỹ, giáo phận Qui Nhơn. |
Trong 10 giới răn của Thiên Chúa truyền, tóm lại chỉ có hai điều duy nhất: “Trước kính mến Chúa trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy”.
Người Công giáo Việt Nam “trọn niềm kính Chúa”
Đạo Công giáo bị triều đình gán cho là “tà đạo”, đạo của phương Tây, chỉ có đám “ngu phu, ngu phụ” tin theo mà thôi. Nhưng người Công giáo Việt Nam luôn tin rằng đạo của mình là “Đạo xuất ư thiên”: “Đạo này nguyên xuất bởi Trời/ In trong lòng người từ thuở sơ sanh/…/Đạo tuy truyền bởi phương Tây/ Vốn là đạo Chúa dựng gầy càn khôn”.
Triều đình và người ngoài Công giáo đều cho rằng những người theo đạo Chúa là loại “vô quân, vô phụ”, loại người “bỏ vua, bỏ nước, bỏ thầy, bỏ cha”. Nhưng sự thật không phải như vậy, người Công giáo: “dưới tuân vương pháp, trên thờ Chúa Cha”. Thờ Chúa Cha “hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn” không chối bỏ Thiên Chúa, dù cho phải chịu cực hình. Triều đình Huế dùng biện pháp “quá khóa” (bước qua Thánh giá hoặc ảnh Chúa) để ép buộc người Công giáo chối bỏ đức tin: “Ai mà thập tự bước qua/ Ấy là thiên thiện chỉ tha về liền”. Nếu không chịu quá khóa thì “Dây roi có đó, nọc vồ có đây”, “Roi to, roi nhỏ đánh bừa/ Chẳng kiêng lưng cổ, chẳng chừa đầu đuôi”, “Kẻ thì vồ nọc căng ra/Đánh nát da thịt, kêu la vang trời”.
Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn[1] khi bị bắt giải đến dinh Án sát tỉnh Quảng Ngãi cũng bị bắt phải “quá khóa”: “Dạy đem sách lễ ra ngoài/ Giở nơi có ảnh hình hài Chúa ta/Quan rằng: Tuấn phải bước qua/ Chẳng làm thì phải tấn tra bây giờ”. Khi ấy linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn thưa: “Bẩm ông xuống phước tôi nhờ/Ảnh này hình Chúa tôi thờ xưa nay/Thờ vua còn phải hết ngay/Thờ Chúa đâu dám đạp giày thế ni/Ngày xưa lòng đã kính vì/Ngày nay trở mặt đạp đi sao đành”. Trước câu trả lời một cách khôn ngoan và chí lý như vậy, nên quan Bố chánh[2] khen: “Bố rằng: Hắn nói cũng minh/ Dạy đem sách lễ ngoài dinh trở vào”.
Tại dinh của bộ Binh, linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn bị chất vấn: “Một là hỏi đạo Chúa Dêu/ Nghe trong đạo ấy nhiều điều nghinh ngang”. Linh mục Gioakim trả lời: “Đạo dạy thờ Chúa thiêng liêng/Dựng nên trời đất cầm quyền tử sinh/ Hễ người thì có tánh linh/ Giữ noi đàng chánh trường sinh cõi trời”.
Chỉ dụ cấm đạo được ban ra: “Giáo nhơn ai chẳng thuận tình/ Trảm giáo lập tức, lôi đình oan gia”. Mặc dù bị tra tấn bắt phải bỏ đạo, rất nhiều người Công giáo vẫn kiên trung, khiến người ngoài Công giáo thắc mắc: “Liều mình trấn nước cớ chi/ Gông cùm lòi tói đeo trì cũng mang”. Người giáo dân hiểu câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”: “Lửa nồng mới biết tuổi vàng/Khá khen mấy kẻ vẹn toàn thủy chung/Nước loạn mới biết tôi trung/Phong ba một trận anh hùng phiêu danh/ Sấm truyền Chúa phán đành rành/Úy tử thời lỗ, xá sanh thời lời”.
Người Công giáo luôn tin tưởng, những gian nan khốn khó ở trần gian này là thử thách của Thiên Chúa gởi đến: “Chữ rằng: Dĩ hỏa thí kim/Gian nan thử đức, khảo kiềm thử gan/Chúa cả cội rễ khôn ngoan/Ngọn roi khôn khéo, cha hiền dạy răn/Ai mà biết tội ăn năn/Nay tạm khốn khổ sau hằng nghỉ an/Ai mà lòng đạo mơ màng/Lao đao thân phận, rõ ràng chẳng sai”.
Kinh Thánh, sách Khôn ngoan viết: “Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao: Vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu” (Kn 3:1-9)
Người Công giáo Việt Nam “trọn niềm yêu vua”
Thời vua Gia Long, người giáo dân Việt Nam: “Khắp miền lạc nghiệp an cư/Dưới tuân vương pháp, trên thờ Chúa Cha”. Suốt thời vua Gia Long và sang những năm đầu thời vua Minh Mạng: “Đời thái bình tức chỉ can qua/An nhàn khắp chốn gần xa/Sông trong biển lặng tuyết hoa rạng ngời/Kính vua thờ Chúa nơi nơi/Vui đời thạnh trị, vẽ vời đàng ngay/Giảng rao đạo Chúa cao dày/Giải dịch kinh sách, vẽ bày khôn ngoan”.
Ngay từ khi đạo Công giáo được rao giảng ở nước ta thì tư tưởng cho rằng đạo Công giáo là đạo của Tây, theo đạo là theo Tây: “Xem mấy lời trong nơi yết thị/Gẫm nhiều điều báng phỉ đạo ngay/Rằng mê tả đạo phương Tây/Bỏ vua, bỏ nước, bỏ thầy, bỏ cha”. Do đó triều đình răn dạy, khuyên nhủ giáo dân: “Bay đừng quen thói dại ngây/Đạo ta thời bỏ, đạo Tây lại thờ” và “Tin chi Tây giáo truyền qua/Can vào quốc pháp can ra tội người”; “Đạo ta ta học với nhau/ Trung thờ nhà nước, hiếu hầu ông cha”. Người giáo dân sau khi tin Chúa có phải là loại người “vô phụ, vô quân” hoặc “bỏ vua, bỏ nước, bỏ thầy, bỏ cha”?
Đạo Công giáo dạy: “Dạy thờ Tam Phụ[3] vi tôn/ Tiễn tâm chiêu sự, cẩn ngôn, thận hành/Trí thân trung nghĩa chơn thành/Dễ đâu phụ quốc, há đành vong quân/Hiếu trung cúc dục thâm ân[4]/Một lòng thảo thuận muôn phần kính yêu”; “Đạo dạy thờ Chúa thiêng liêng/ Dựng nên trời đất cầm quyền tử sinh/Hễ người thì có tánh linh/ Giữ noi đàng chánh trường sinh cõi trời/ Đạo dạy thờ vua dưới đời/ Vì vua thay mặt Chúa Trời trị dân/ Đạo dạy thảo kính song thân/ Cù lao báo bổ, ân cần đền ơn/ Ấy là ba đấng trọng hơn/ Gọi là Tam Phụ có quờn khác nhau”.
Thấm nhuần lời Chúa dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi”. Mặc dù bị triều đình bách hại, giáo dân vẫn không oán hận triều đình, luôn giữ đúng bổn phận một “xích tử” của triều đình: “Phụng công thủ pháp mọi đường/Binh thuế như chúng, kiều lương như người/Không lòng mạn phép dể ngươi/Không làm trộm cướp, không lời khinh khi/Đạo chẳng dám xuất bỏ đi/Là trọng Thiên Chúa đâu vì Lang Sa/Triều đình là lượng mẹ cha/Bắt bớ thời chịu thứ tha thời nhờ”; “Cam lòng sáp quản, giam lưu/Phải sao chịu vậy chẳng cưu lòng hiềm”.
Giáo dân Công giáo luôn ý thức mình là con dân Chúa và cũng là con dân của đất nước nên khi Tổ quốc lâm nguy, cũng mong muốn tòng quân diệt giặc để bảo vệ quê hương: “Phải mà trên xuống chiếu ban/Truyền cho bổn đạo tùng đoàn cự Tây/Cam lòng liều thác bỏ thây/ Ơn vua trả đặng lòng này mới ưng/Kẻo rằng: Trở mặt sấp lưng/Ở trong vương thổ trông chừng Tây dương”.
Nếu phản bội Tổ quốc làm nội ứng cho giặc là có tội với Thiên Chúa: “An khả bội bổn quốc nhi vi thử bối chi nội ứng gia? Dương ký ư đắc tội triều đình, âm hựu ư đắc tội Thiên Chúa. Kỳ thành tâm phụng giáo chi nhân, quyết vô thị sự”. (Đâu lại có thể phản bội nước mình, mà làm nội ứng cho bọn đó được sao? Nếu làm vậy thì bề ngoài và trên cõi thế gian, đã mắc tội với triều đình, mà bề trong, trong cõi huyền linh [âm hựu], lại mắc tội với Thiên Chúa. Những kẻ lòng thành giữ đạo, quyết không có việc này- Bản điều trần “Nguyên đạo: nhứt khoản Binh bộ đường chi cứu vấn”)
Kết luận
Người giáo dân Công giáo Việt Nam dù có bị xã hội hiểu lầm, bị ngược đãi vẫn luôn “kính Chúa yêu nước”: “Dầu cho pháp trọng hình nghiêm/Trọn niềm kính Chúa, trọn niềm ngay vua”.
Thành kiến “theo đạo là theo Tây” vẫn còn rơi rớt trong xã hội hiện nay. Người Công giáo Việt Nam luôn sống gắn bó với dân tộc: “Là người Công giáo Việt Nam/Con phải yêu Tổ quốc gấp bội/Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con/Cha mong dòng máu ái quốc/Sôi trào trong huyết quản con” (Bài thơ “Con có một Tổ quốc” của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sáng tác năm 1976)
————————
Tất cả thơ văn đều trích dẫn từ tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam” do Giáo sư Lam Giang và Linh mục Võ Ngọc Nhã hợp trứ, In lần thứ nhất, Tác giả tự xuất bản, 1970.
[1]- Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn sinh năm 1806. Theo lời khai của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn: “Quê tôi Bình Định/Làng chánh Qui Hòa”. Đầu bản điều trần 1 và 2 của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn ghi: “Bình Định tỉnh, Bồng Sơn huyện, An Sơn xã, Qui Thuận thôn, trưởng đạo Đặng Đức Tuấn tấu…”(Nguyễn Văn Thoa, Cuộc đời và tác phẩm của linh mục Đặng Đức Tuấn, Nxb Tổng hợp TP.HCM, t. 85&99) Vào thời vua Tự Đức làng Qui Hòa đã được đổi thành Qui Thuận. Hiện thôn Qui Thuận là một trong mười thôn của xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Về mặt tôn giáo thì linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn thuộc họ đạo Gia Hựu là một họ đạo lâu đời của xứ Đàng Trong. Về cuối đời linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn coi sóc họ đạo Nước Nhỉ thuộc làng Chánh Khoan (nay thuộc thôn Chánh Khoan, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) và mất tại đây vào năm 1874.
[2]-Trang 140 tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam” ghi: “Tuần vũ Quảng Ngãi lúc đó là Châu Phúc Hy, bố chánh là Nguyễn Tăng Tín, án sát là Nguyễn Hiển”. Tỉnh Quảng Ngãi là tỉnh nhỏ nên không có chức Tuần phủ (vũ). Bộ ba đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi là Bố chánh, Án sát và Lãnh binh. Tháng 6 năm Kỷ Mùi (1859) quan Bố chánh và Án sát tỉnh Quảng Ngãi là Nguyễn Tăng Tín và Nguyễn Trường Duyệt (xem Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, t.617). Tự Đức năm thứ 13 (1860- Canh Thân) quan Bố chánh và Án sát tỉnh Quảng Ngãi là Nguyễn Tăng Tín và Nguyễn Đăng Hành (xem Châu bản triều Tự Đức[1848-1883], Nxb Văn học, t.105). Sau đó Án sát Nguyễn Đăng Hành đổi bổ vào lãnh chức Bố chánh tỉnh Khánh Hòa (xem Đại Nam thực lục tập 7, t.763) và Nguyễn Văn Hiển đến làm Án sát tỉnh Quảng Ngãi và tháng 11 năm Tân Dậu (1861) Án sát tỉnh Quảng Ngãi là Nguyễn Văn Hiển sung làm Tán tương quân thứ Biên Hòa (xem Đại Nam thực lục tập 7, t.743). Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn, bước xuống tàu Loan Thoại cùng với sứ bộ triều đình Huế vào Sài Gòn xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) vào ngày 24/4/Nhâm Tuất (Ngày hai mươi bốn tháng tư/Tàu Tây ra cửa đón ngừa tàu ta”). Như vậy có thể phỏng đoán linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn bị bắt tại Quảng Ngãi vào khoản cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 năm Nhâm Tuất (1862) cho nên chưa tra cứu được danh tính quan Án sát Quảng Ngãi vào thời điểm linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn bị bắt là ai.
[3]- Tam Phụ vi tôn: Thiên Chúa- Đức vua- Thân phụ.
[4]-Tiễn tâm chiêu sự: giữ gìn tấm lòng trong sạch thì nhận định sự việc rõ ràng/Cẩn ngôn, thận hành: kính cẩn trong lời nói, thận trọng trong việc làm/Trí thân trung nghĩa chân thành: đặt thân mình vào nơi trung nghĩa, chân chính, thành thực/ Phụ quốc, vong quân: phụ bạc Tổ quốc, quên mất đấng quân vương/Hiếu trung cúc dục thâm ân: hiếu trung với ơn sâu nuôi dưỡng của đấng sinh thành.