Là con cả trong một gia đình nghèo có 9 người con, ông Hội từ nhỏ đã mang trong lòng sự nhạy cảm đối với hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu. Khi vừa học hết lớp 5, ba mẹ gởi ông vào cô nhi viện của dòng Don Bosco, bởi khả năng ông bà không thể lo nổi cho con đi học. Những tháng ngày sống trong vòng tay đỡ nâng của các linh mục và nữ tu đã gieo vào tâm tưởng ông ước muốn được dấn thân, cống hiến.
Thuở ban đầu, ông Hội chọn theo ngành kỹ thuật, nhưng trong quá trình học, ông nhận ra bản thân mình lại luôn để ý, tìm tòi về chuyện nấu nướng. “Tôi là con nhà nông, từ nhỏ thấy ở vườn, ngoài ao nhà mình có nhiều loại cây trái, cá thịt khác nhau, vậy mà bữa cơm gia đình lúc nào cũng đạm bạc vì cách nấu nướng còn nghèo nàn lắm. Đến khi lên Sài Gòn học, đi ngoài đường phố thấy cũng với chừng ấy nguyên liệu thôi mà người ta có thể chế biến biết bao món ăn. Từ đó, niềm say mê học hỏi về ẩm thực dần lớn lên trong tôi”. Năm 1975, ông Hội sang Đức. Tại đây, ông học ngành đầu bếp rồi đến quản lý, sau đó gầy dựng được sự nghiệp khá thành công. Dù đã ổn định nơi xứ người, ông vẫn đau đáu hướng về quê nhà. Năm 2010, ông quay trở về Việt Nam, thắp lên ước mong ngày nào vẫn còn âm ỉ.
Học viện ở Mai Sen sau khi hoàn thành chương trình học ba năm sẽ có đủ kinh nghiệm về nghề bếp, quản lý nhà hàng |
Trường Anrê Mai Sen được ông thành lập vào năm 2014. Nơi đây nhận dạy nghề đầu bếp và quản lý nhà hàng cho các em thuộc gia đình nghèo từ khắp các tỉnh thành. Ông Hội tâm sự: “Mấy chục năm ở nước ngoài, làm việc cho họ, tôi vẫn chưa làm được gì cho quê hương mình. Khi về, tôi cứ trăn trở hoài không biết nên bắt đầu từ đâu, nhưng rồi chợt nghĩ, cần cái gì cao xa, mình có nghề bếp thì cứ bắt đầu từ cái nghề này mà phục vụ”. Ông Hội cho biết, sau khi hoàn thành ba năm học tại trường, học viên sẽ có đủ kiến thức để mở được nhà hàng và tự mình quản lý. Bên cạnh việc tự mình đứng lớp giảng dạy, người thầy giáo tuổi suýt soát thất thập này còn mời thêm nhiều giáo viên trong và ngoài nước có kinh nghiệm để bồi đắp kiến thức nghề cho học viên.
Đồng hành với người trẻ trên hành trình tìm kiếm tương lai, ông Hội vẫn thường hay tìm hiểu về những ước mơ của học trò để từ đó vun xới, tiếp thêm lửa cho họ. Ở Mai Sen, rất nhiều học viên gọi ông Hội bằng danh xưng trìu mến là papa, bố hay tía. Với họ, người thầy cao niên đôi khi nghiêm khắc vô cùng nhưng lại chất chứa tình cảm yêu thương, vì muốn những đứa con phải ngày càng hoàn thiện. Chị Vũ Thị Thúy Hồng - học viên năm thứ nhất chia sẻ: “Thầy Hội yêu việc lắm, mấy lúc làm muộn, thầy cứ nói về mà chẳng thấy về, toàn ở lại làm suốt. Nhưng hễ tụi em cần giúp gì là thầy gác việc để làm giùm liền. Thầy coi tụi em như con cháu trong nhà, lo cho từng đứa một, từ chuyện học hành, ăn uống, đi đứng... Tính thầy nghiêm nghị, hay rầy khi tụi em phạm lỗi sai, nhưng lại thường xuyên động viên ủi an nên tụi em không cảm thấy xa cách”.
Mai Sen đang bước vào năm thứ 4 hoạt động, khóa học viên đầu tiên đã ra trường và có việc làm ổn định. Ông Hội thường nhận được những phản hồi tích cực từ phía sử dụng lao động, nơi các học viên của ông đang làm việc. Cùng với Mai Sen, ông đang từng ngày vun đắp cho nhiều em có một nghề vững chắc để vào đời, như một cách đáp trả những ân tình ngày xưa: “Giờ là lúc tôi đền đáp ân nghĩa của các cha, các dì ngày xưa đã nuôi tôi ăn học và trả lại cho đời, cho quê nhà những gì tôi đã mang ơn”.
Học viên ở Mai Sen được đào tạo theo chương trình kép, học và làm song song (hệ thống Dual) của Ðức. Trong tuần có hai ngày học lý thuyết - thực hành, bốn ngày thực tập được hưởng lương học nghề. Ngoài những kiến thức trong công việc quản lý, hai năm đầu tiên các bạn được học 1.500 món Âu châu và tất cả các kỹ thuật nấu nướng. Năm thứ ba, mới chuyển sang bếp Á. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận bằng quốc tế. Hiện tại, trường có 125 học viên, chia làm 6 lớp. Trường Anrê Mai Sen tọa lại 56 Nguyễn Văn Lạc, phường 16, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh |
THIÊN LÝ
Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc