Nhà thờ Phan Rang |
Gìn giữ đức tin
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Tổng cục Thống kê, số người Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 67.274 người. Trong đó, số người đã được rửa tội là hơn 350 người, hiện sống rải rác trong các làng Thành Ý, Thành Tín, Phước Nhơn, Bỉnh Nghĩa, Mỹ Nghiệp, Bầu Trúc... Tuy nhiên, linh mục phụ tá giáo xứ Phan Rang Gêrônimô Nguyễn Hùng Sơn cho biết: “Hiện tại, do nhiều nguyên nhân nên số người Chăm giữ đạo thường xuyên còn khoảng hơn 100 người. Hằng tuần, chúng tôi vẫn sắp xếp đến thăm hỏi, giúp họ gìn giữ đức tin”. Vào những dịp lễ lớn, các cha lại tập trung anh chị em Công giáo người Chăm về giáo xứ Phan Rang để cùng dâng thánh lễ, học hỏi giáo lý. Ông Đàng Ninh, một giáo dân người Chăm đã được rửa tội cách đây hơn 30 năm, hiện sinh hoạt tại giáo xứ Đá Trắng tâm sự: “Những buổi gặp gỡ ấy đã an ủi tinh thần chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương, đồng cảm của các linh mục, tu sĩ và bà con giáo dân nên thấy ấm lòng mỗi khi đến đây”.
Thiếu nhi Chăm trong lớp học hè tại Gx Phan Rang |
Trong khuôn viên nhà xứ Phan Rang cũng dành một nhà nguyện và một số phòng học cho bà con đến sinh hoạt. Vào dịp hè (từ khoảng nửa đầu tháng 6 đến cuối tháng 7), đều đặn 4 buổi mỗi tuần, các cha tổ chức một lớp học bồi dưỡng văn hóa, giáo lý và cả tiếng Chăm cho học sinh từ lớp 1 - 12. Đây là nơi giúp các em ôn lại kiến thức ở trường, được học thêm cách nói, viết tiếng Chăm cơ bản và nhất là có thêm điều kiện gần gũi với sinh hoạt đạo hơn. Những năm 2000 - 2007, cha chánh xứ Phan Rang lúc ấy là linh mục Gioan Baotixita Trần Minh Cương đã thành lập một nhà nội trú để nuôi dạy, giáo dục đức tin, nhân bản cho các em cô nhi người Chăm. Song, sau khi các em tản mát về làng thì hiện tại hoạt động này không còn được duy trì.
Cũng với mong muốn được góp phần nâng đỡ bà con, các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (Cộng đoàn Ánh sáng Phan Rang) đã vận động các nhà hảo tâm giúp học bổng cho hơn 150 em học sinh nghèo (cả người Chăm và người Kinh), để các em có điều kiện đến trường. Người Chăm sống theo chế độ mẫu hệ nên người phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình, do vậy, trước năm 1975, các nữ tu đã thành lập một trung tâm nội trú chăm sóc cho khoảng 30 thiếu nữ Chăm và dạy nữ công gia chánh, cắt may cho họ. Sau này trung tâm không còn hoạt động nhưng các nữ tu vẫn tiếp tục góp sức giúp đỡ bà con bằng cách này hay cách khác.
Cùng vui trung thu |
Trân trọng bản sắc Chăm
Theo tinh thần của Công đồng Vatican II, các linh mục, tu sĩ vẫn khuyến khích người Chăm đã gia nhập Công giáo giữ gìn những giá trị văn hóa, tinh thần tốt đẹp của cộng đồng họ đã tồn tại từ xưa. Các dịp lễ hội lớn như Katê (của người Chăm Bàlamôn) hay Ramưwan (của người Chăm Bàni) cũng là dịp để các cha, các nữ tu thăm viếng, sẻ chia với anh chị em Chăm. Trong nỗ lực bảo tồn chữ viết Chăm, các linh mục thuộc dòng Ngôi Lời (tỉnh dòng Ngôi Lời - Giuse Việt Nam) đã cho dịch sách lễ, sách Phúc Âm ra tiếng Chăm. Cha Gioan Nguyễn Hoài An - một linh mục từng có nhiều năm đồng hành với người Công giáo Chăm chia sẻ: “Thực tế là ngày nay còn rất ít người Chăm biết đọc, biết viết chữ Chăm cổ mà hầu hết đều sử dụng chữ Việt. Do đó, chúng tôi cố gắng biên dịch các sách dùng trong cử hành phụng vụ sang ngôn ngữ ấy để giúp họ lưu giữ truyền thống cha ông”.
Đem Chúa đến cho đồng bào Chăm đã là một quá trình lâu dài, nhưng để họ giữ đạo và sống đạo còn cần phải quan tâm nhiều hơn. Do bà con sinh sống rải rác ở các làng vùng xa, có khi lại di chuyển đây đó để mưu sinh nên không thể tham gia sinh hoạt thường xuyên tại các giáo xứ. Thêm nữa, người Chăm vốn là một dân tộc đã có tôn giáo và văn hóa riêng biệt từ lâu đời nên khả năng chấp nhận những yếu tố bên ngoài là khá khó khăn. Bà Thân Thị Hữu, một Kitô hữu người Chăm ở làng Phước Nhơn (Gx Thủy Lợi) cho hay: “Nhờ hơn 10 năm được theo học tại các trường Công giáo mà tôi đã quyết định gia nhập đạo. Song ở sinh hoạt thường ngày, khi sống giữa bà con trong làng, tôi cảm thấy buồn vì khó hòa nhập với mọi người hơn trước. Các con tôi cũng phải luôn cố gắng sống hòa hợp khi kết hôn với người không đồng ý theo đạo”. Trong tình cảnh đó, sự nâng đỡ, đồng hành của các linh mục, tu sĩ và các Kitô hữu chính là động lực giúp họ giữ đức tin. Bà Hữu nói thêm: “Khi đi đến nhà thờ, gặp được cha và mọi người tôi thấy lòng mình được ủi an rất nhiều. Tôi thường nghĩ rằng nếu Chúa đã gọi mình thì mình cứ bước theo Ngài, phó thác mọi sự cho Ngài là được”.
Trước những điều kiện khó khăn như thế, phương án quy tụ các tòng nhân người Chăm về một tòng thổ dành riêng cho họ đã được đề ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đủ khả năng thực hiện vì còn nhiều vướng mắc. Ông Châu Thuyền, Trưởng Ban điều hành cộng đồng Công giáo Chăm Ninh Thuận tâm sự: “Nhiều người trong chúng tôi theo đạo mà vẫn chưa hiểu được đạo, chưa được hòa vào nhịp sống chung của cộng đoàn nên ước mong của chúng tôi là có được một xóm đạo của người Chăm để được cùng nhau đọc kinh, dâng lễ mỗi ngày”. Cũng trong thao thức ấy, linh Giuse Võ Quý, chánh xứ Phan Rang, trăn trở: “Đối với việc phải làm sao để truyền giáo cho người Chăm và giữ đức tin Công giáo cho họ thì lý tưởng nhất là thành lập một giáo xứ hoàn toàn Chăm, với sự hiện diện thường xuyên của một linh mục biết yêu thương và thấu hiểu họ. Chính vì vậy, Đức Giám mục giáo phận và chúng tôi đang lên một kế hoạch dài hơi để từng bước thực hiện ý hướng này”. Mong rằng với tình yêu thương, sự đồng lòng của các vị chủ chăn và của nhiều người, Lời Chúa sẽ trổ sinh tươi tốt trên cánh đồng người Chăm.
MAI LAN
Theo: Báo Công giáo và Dân tộc