Nghệ nhân Ngọc Thức bên cây đàn ghita điện mà anh đang hoàn thiện. Ảnh: Trần Anh |
Làm đàn cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Ba tôi là Hoàng Văn Tiếp, quê Hưng Yên, làng Ngọc Nha. Ba tôi ra Hà Nội làm nghề đàn. Có thời theo các cha sửa piano, làm đàn guitar nữa. Năm 1930, ba tôi chuyển vào Nam lập nghiệp. Năm 1954, ba tôi ở lại tiếp tục công việc của mình. Truyền đến đời tôi, đời con tôi, vẫn là nghề làm đàn từ dạo ấy”. Anh Ngọc Thức, nghệ nhân làm đàn guitar điện nhớ lại.
Năm 1980, ông Hoàng Văn Tiếp mất. Hầu như các tiệm đàn lớn tại Sài Gòn trước 1975 đều lấy đàn của xưởng ông Tiếp bán.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người rất kén đàn, ngoài việc sử dụng những cây đàn đậm chất miền Trung được sản xuất ở Huế (ông thường dùng đàn của hiệu Tân Châu ở Huế), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là một “tín đồ” của đàn Văn Tiếp.
Anh Ngọc Thức nhớ lại: “Bố tôi mất năm 1980, khi ấy tôi rất buồn và hụt hẫng, bởi bố tôi vừa là người thầy vừa là người bạn làm đàn cùng tôi mỗi ngày. Giữa lúc hoang mang ấy, một hôm chẳng bao lâu sau ngày bố tôi mất, tôi thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tìm đến nhà. Khác với những người bán buôn, nhạc sĩ chỉ đặt một cây đàn cho riêng mình thôi. Với tôi, khi đó là một vinh dự và trách nhiệm”.
Anh Thức cho biết, cây đàn anh làm cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là loại đàn tốt nhất có thể vào lúc ấy, với giá trị tương đương một chỉ vàng.
“Thời bao cấp, nguồn vật liệu làm đàn thiếu thốn. Để làm những cây đàn tốt, chúng tôi phải thu gom vật liệu còn lại từ trước 1975, chủ yếu là vật liệu và linh kiện Nhật Bản. Mỗi nhà mỗi xưởng còn lại một chút ít, khi cần làm đàn tốt, ai có gì, giúp nhau mỗi người một chút. Nói chung để làm một cây đàn hay thời bao cấp rất kỳ công”.
“Các nghệ sĩ như Lê Hựu Hà, Lê Quang, vợ chồng Phương Thảo Ngọc Lễ cũng đặt làm đàn tại xưởng chúng tôi - anh Ngọc Thức nói - Chúng tôi không có biển hiệu cửa hàng, nhà lại ở trong khu lao động nghèo, các nghệ sĩ tên tuổi vẫn tìm đến đó là sự động viên cho chúng tôi trong cuộc sống của mình”.
Nhận được cây đàn từ xưởng của gia đình nghệ nhân Văn Tiếp do chính người con trai nghệ nhân vừa quá cố làm ra, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất hài lòng. Anh Thức nói: “Nhạc sĩ muốn có một cây đàn tiếng vang, âm thanh tròn và rõ, phím bấm nhẹ không đau tay. Tôi đã cố gắng hết sức để làm hài lòng nhạc sĩ”.
Một thế kỷ không thương hiệu Làm đàn từ những năm 1930 nhưng xưởng đàn Văn Tiếp không có thương hiệu tên tuổi riêng của mình và đó cũng là “thực trạng” của ngành đàn Việt Nam hàng thế kỷ qua.
Những nghệ nhân không biết kinh doanh, không dám kinh doanh và không đủ vốn kinh doanh, họ chỉ làm đàn như một nghề cha truyền con nối, sớm tối cặm cụi bên những tấm gỗ vô tri. Một xưởng làm đàn có khi cung cấp sản phẩm cho hàng chục thương hiệu và các cửa hàng khác nhau.
Anh Ngọc Thức tâm sự về nghề làm đàn thủ công: “Họ lấy đàn của tôi, rồi đề tên tiệm đàn của họ lên những cây đàn ấy”.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Hoàn, người cũng làm đàn guitar nói: “Đa số các cửa hàng nhạc cụ không có xưởng, thậm chí không biết làm đàn. Họ lấy đàn từ các xưởng làm đàn về, dán lô gô nhãn mác cửa hàng vào để bán”.
Trước năm 1975, người chơi nhạc không ai không biết đến tên tuổi đàn guitar điện Lâm Hào. Đàn Lâm Hào được đa số các nghệ sĩ miền Nam sử dụng trên sân khấu, thu âm. Anh Ngọc Thức nhớ lại: “Ông Lâm Hào là một người gốc Hoa, chơi đàn guitar bass rất hay. Thương hiệu đàn điện của Lâm Hào rất được giới trẻ tín nhiệm. Ông ấy rất giỏi kinh doanh và biết về điện tử. Mọi người đều biết đến guitar điện Lâm Hào, nhưng ít người biết xưởng của gia đình chúng tôi là người Việt, chuyên làm đàn cho ông Lâm Hào. Ông Lâm Hào chỉ ráp phần điện, còn toàn bộ phần còn lại của cây đàn là chúng tôi sản xuất và cung cấp cho ông ấy đem ra thị trường”.
Trước năm 1975, nhiều tiệm đàn tên tuổi như Đại Thành, Việt Hồng, Phùng Đinh, Đông Thành… cũng lấy đàn từ xưởng của ông Văn Tiếp.
Sau năm 1975, những cây đàn điện “made in Việt Nam” khá thịnh hành là đàn guitar Tiến Đạt. Bản thân người viết bài này khi chơi nhạc trong ban nhạc sinh viên và các tụ điểm tại thành phố Vinh (Nghệ An) những năm 1980-1990 cũng từng dùng đàn guitar điện của Tiến Đạt. Đây là thời kỳ Việt Nam còn chưa hội nhập nhiều vào nền kinh tế thế giới, đàn ngoại nhập vào Việt Nam rất ít và chủ yếu đến từ Đông Âu. Việc dùng đàn Việt Nam gần như là lựa chọn bắt buộc.
Anh Ngọc Thức cho biết: “Chúng tôi gia công cho Tiến Đạt. Họ tới đặt mỗi lần cả trăm cây đàn điện. Đó là thời đàn điện Việt Nam tiêu thụ mạnh nhất”.
Người cuối cùng Những năm gần đây, các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc đều sản xuất đàn guitar điện và sản phẩm có bán tại Việt Nam. Riêng những cây đàn do Việt Nam sản xuất hoàn toàn mất hút. Trên thị trường đôi khi xuất hiện những chiếc đàn điện có in chữ “Made in Viet Nam” mà nhiều người cho biết là do công ty nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam để liên doanh, gia công cho các thương hiệu của thế giới.
Anh Ngọc Thức cho hay: “Hiện nay chỉ mình tôi làm đàn guitar điện tân nhạc, một vài người khác làm đàn điện nhưng là đàn cổ nhạc phím lõm chơi cải lương”. Nghệ nhân làm đàn trẻ Nguyễn Hoàn (Tiệm đàn Đại Dương) cũng khẳng định: “Hiện chỉ còn một mình anh Thức làm đàn guitar điện để kinh doanh”.
Anh Ngọc Thức cho tôi xem một số cây đàn điện mà anh đang làm. Chúng dựa trên một số kiểu dáng đàn nổi tiếng trên thế giới nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. “Toàn bộ gỗ làm thân đàn, cần đàn, mặt đàn đều là gỗ của Việt Nam - Anh Thức nói - chúng tôi chỉ sử dụng phím đàn bằng sắt nhập ngoại”. Trong xưởng có rất nhiều gỗ làm đàn nhập từ Mỹ, Brazil, Ấn Độ… để làm theo yêu cầu, nhưng anh Thức vẫn dùng toàn bộ vật liệu gỗ làm đàn điện từ rừng núi Việt Nam. Anh nói: “Không chỉ tôi mà anh em nghệ sĩ cũng nhận xét các loại gỗ của Việt Nam làm đàn không hề thua kém nguyên liệu từ nước ngoài”.
Nghệ sĩ Trung Nghĩa, được mệnh danh là “10 ngón tay vàng”, một nghệ sĩ guitar hàng đầu của Việt Nam đang sinh sống biểu diễn ở Mỹ đã về Việt Nam để đặt anh Ngọc Thức làm đàn cho mình và thể hiện sự hài lòng khi sở hữu một cây đàn đúng như sự kỳ vọng.
Anh Thức so sánh: “Nếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, giá thành làm đàn có thể lên tới mấy chục triệu và không phù hợp với túi tiền người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ”.
Mơ thương hiệu Việt
Anh Ngọc Thức nói: “Thời kinh tế thị trường, người ta nhập khẩu hàng container đàn ngoại với giá rẻ, chưa kể đàn cũ từ các nước trong khu vực đổ về. Tất cả đang giết chết ngành đàn điện Việt Nam”. Thậm chí anh Thức nói: “Chúng tôi chỉ còn có thể làm đàn phím lõm chơi cải lương, nếu nước ngoài họ cũng làm được đàn phím lõm nữa, chúng tôi giải nghệ”.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Hoàn nói: “Làm đàn guitar điện khó nhất là thị trường. Đàn ngoại, nhất là đàn Trung Quốc chất lượng kém nhưng giá rất rẻ. Đàn Việt Nam làm ra giá thấp nhất cũng khoảng 7-8 triệu đồng, trong khi đàn Trung Quốc rẻ bằng nửa, còn các loại đàn cũ của Nhật, Hàn Quốc chỉ chừng một vài triệu đồng”. Nguyễn Hoàn cũng ấp ủ làm đàn điện tân nhạc, nhưng để mưu sinh nghệ nhân này chỉ dám sản xuất đàn phím lõm cho dân chơi cải lương.
Nghệ sĩ guitar Phương Yoko cũng cho biết anh từng muốn kết hợp với anh Ngọc Thức để sản xuất đàn guitar điện nhưng thấy đây là việc rất khó: “Nguồn nguyên liệu phong phú, kỹ thuật làm đàn tinh xảo là ưu thế của Mỹ và nhiều nước. Thương hiệu đàn guitar Việt Nam muốn tồn tại được phải có những nét độc đáo và những điểm ưu việt hơn đàn ngoại”.
Con gái của anh Ngọc Thức là Ngọc Như Ý, tốt nghiệp ngành kiến trúc đang nỗ lực xây dựng tên tuổi cho thương hiệu đàn guitar truyền thống gần trăm năm của gia đình. Cô nói: “Bố em quan niệm là mình làm đàn không cần tên tuổi. Dù làm gia công cho các cửa hàng, cũng cố gắng làm thật tốt, để họ có thể kinh doanh thuận lợi. Nhưng em nghĩ rằng ngoài việc làm gia công, tại sao không xây dựng tên tuổi cho chính những cây đàn mà mình làm ra?”.
Chính Như Ý đã thiết kế vẽ ra thương hiệu tên đàn guitar lấy tên bố của mình là Ngọc Thức. Cô lập trang facebook, giới thiệu những cây đàn do bố mình làm ra, quay clip giới thiệu. “Nhiều bạn ở nước ngoài đã đặt hàng chúng tôi, họ so sánh với những thương hiệu lớn và thấy đàn Việt Nam rất tốt, giá hợp lý”