Người dân tộc là ưu tiên lớn
Tôi gặp cha Hồ lần đầu tiên cách đây 4 năm. Khi đó tôi về xứ Ðạ Tẻh, nơi cha đang phục vụ, để tìm hiểu về dự án mới được cha triển khai là chương trình trồng chuối mô. Thấm thoắt thời gian trôi qua, ngày tôi trở lại, những vườn chuối đã cho thu hoạch nhiều vụ, còn cha hơn một năm nay đã nhận bài sai về giáo xứ Thánh Tâm, cách nhiệm sở cũ khoảng 60 cây số. Tuy nhiên tại Ðạ Tẻh, mảnh đất cha gắn bó suốt 24 năm, vẫn còn nhiều dấu ấn của người mục tử.
Giáo xứ Ðạ Tẻh nằm tại trung tâm thị trấn Ðạ Tẻh (Lâm Ðồng). Tìm về đây, hỏi chuyện giáo dân, bà con kể vanh vách cả tiếng đồng hồ về cha, kèm theo những tâm tình như “Cha yêu thương và chăm lo cho giáo dân rất nhiều…”.
Nhiều người nhớ lại, khi mới đến làm mục vụ tại Ðạ Tẻh, thấy người dân tộc mỗi năm chỉ làm một vụ lúa và thời gian rảnh rỗi khá lớn, sau bao lần tìm tòi phương hướng, cha mở ra Hợp tác xã Hiệp Nhất chuyên gia công các đồ thủ công mỹ nghệ để người trong vùng có thêm việc làm và tăng thu nhập. Có thời điểm, Hợp tác xã quy tụ cả ngàn nhân công làm việc, học nghề. Còn cha chạy vạy tìm đầu ra để duy trì hoạt động cho tới tận hôm nay.
Người dân tộc bản tính vốn đơn sơ, chỉ cần có đủ gạo ăn qua ngày đã là hạnh phúc, còn chuyện lo cho con cái học hành, đầu tư vào tương lai thì ít ai nghĩ tới. Cũng do vậy nên cái nghèo cứ đeo dai dẳng qua bao thế hệ. Ðể thay đổi quan niệm này, cha kêu gọi mọi người cho con đến trường, đi cùng lời nói là xắn tay mở lớp tình thương. Năm 2000, cha cho xây thêm trường mầm non tư thục Bình Minh, giúp bà con có nơi gởi gắm con cái để có nhiều thời gian lo sinh kế. Hơn 10 năm sau, cha mở tiếp trường tiểu học tư thục Việt Anh. Hiện trường có hơn 100 em đang theo học, trong đó ưu tiên cho con em dân tộc. Các em ở xa có thể nội trú ngay tại trường. Con cái những gia đình khó khăn được cha tạo mọi điều kiện và gần như được miễn phí hoàn toàn.
Ngày về thăm trường tiểu học Việt Anh, chúng tôi nhận thấy một bầu không khí rộn rã. Nhìn những học sinh say mê đánh vần con chữ, đứa lớn thả hồn vui chơi bên trái bóng, tôi thầm nghĩ, nếu như không có sự nâng đỡ của cha Hồ, biết đâu giờ này nhiều em đã phải lam lũ mưu sinh, tuổi thơ không có được những kỷ niệm tuổi học trò… Ngoài giờ học tập, các em còn có nhiều cơ hội vui chơi giải trí. Ngôi trường còn có sân bóng đá rộng lớn, hồ bơi, nhà thi đấu đa năng với các bộ môn bóng rổ, cầu lông, bóng chuyền…
Quay trở lại dự án trồng chuối mô, đây là hướng đi được cha ấp ủ khá lâu trước khi đưa vào thực hiện. Lý do theo cha là “thấy bà con phải đi làm thuê làm mướn nhiều nơi, trong khi đất xung quanh vườn lại để hoang hóa, thật lãng phí”. Vì thương dân nên bên cạnh việc mục vụ, ông cố khăn gói đi học hỏi kinh nghiệm từ nơi khác, rồi đầu tư máy móc, tuyển nhân sự có kinh nghiệm về chuyên ngành cấy mô, vận động bà con tham gia trồng cấy. Giờ đây, những vườn chuối đã vươn cao, cho thu hoạch đều đặn, giúp nhiều gia đình tăng thêm thu nhập.
Trường tiểu học tư thục Việt Anh tại Đạ Tẻh |
Ông cha có hộ khẩu… ngoài đường
Năm 2017 là một cột mốc đáng nhớ trong chặng đường ơn gọi của cha Hồ: kỷ niệm 25 năm linh mục và 50 năm bắt đầu bước chân vào cánh cửa Tiểu Chủng viện Simon Hòa - Ðà Lạt. Cha bảo mình đến với người dân tộc như một cơ duyên khi từ nhỏ gia đình đã sống gần làng người Thượng, lớn lên đi tu cũng thường xuyên vào các bản làng. Thấy người dân tộc chất phác, thật thà, trong khi đời sống lại quá khó khăn nên chỉ muốn làm thật nhiều việc để giúp đỡ họ. “Mọi người hay nói người dân tộc không chịu khó nên cứ khổ mãi, nhưng mình cần phải cảm thông. Ngày xưa đất rộng mênh mông, họ chỉ cần làm một vụ lúa là cả nhà có thể sống nguyên năm, ngoài ra cá có sẵn dưới suối, gà vịt nuôi trong vườn. Cuộc sống nhàn hạ, êm ả đã ăn sâu vào máu, do đó bây giờ muốn họ thay đổi thì mình phải gần gũi, đồng hành”, cha chia sẻ kinh nghiệm về quá trình mục vụ cho anh em thiểu số.
Chịu chức năm 1992, cha nhận bài sai về xứ Madagui. Ở đây một thời gian, biết được tại Ðạ Tẻh, cách Madagui khoảng 20 cây số về hướng Cát Tiên, có khá đông người Công giáo sinh sống. Vào các dịp Chúa nhật hay lễ trọng, nhiều con chiên trong làng về dự lễ hoặc ra xin giải tội. Từ đó, cha khăn gói lên đường, vượt qua những cung đường đèo đầy vất vả để đến thăm từng gia đình. Nhờ những chuyến thăm hỏi thường xuyên mà cộng đoàn giáo dân cơ bản tại đây dần được hình thành.
Một lớp dạy đàn nhạc tai giáo xứ Thánh Tâm |
Năm 1998, Ðạ Tẻh lớn mạnh và chính thức được nâng lên hàng giáo xứ. Lúc này cha được bài sai vào làm cha xứ tiên khởi. Cha xây dựng nhà thờ cùng các cơ sở vật chất. Tại Ðạ Tẻh có 4 điểm người dân tộc sinh sống khá đông, có nơi cách nhà thờ gần 20 cây số, người ta vẫn thường thấy bóng dáng vị chủ chăn hiện diện. Cách gọi yêu thương “ông cha có hộ khẩu… ngoài đường” được hình thành do nhiều người truyền miệng. Tiếp xúc với bà con, cha khuyên họ bỏ đi những hủ tục trong đời sống, đồng thời tỉ mẩn dạy cách làm kinh tế. Thấy ông cha tóc bạc cần mẫn, tốt cái bụng, hàng trăm người đã xin được theo đạo. Cũng từ những lần đi thăm viếng, thấy gia đình nào sống dưới mái nhà bệ rạc, cha lại tìm cách xoay xở giúp xây nhà tình thương. Cứ vậy tình cha con gắn bó và lớn dần.
Hơn một năm nay cha về coi sóc họ đạo nằm giữa thành phố Bảo Lộc. Dù phụ trách giáo xứ vốn đã ổn định mọi sinh hoạt nhưng cha vẫn mở thêm nhiều chương trình mục vụ để thăng tiến giới trẻ như lớp dạy Anh văn, đàn nhạc. Trong xứ mới không có người dân tộc, cũng chẳng còn những chuyến mục vụ “suốt ngày thâu đêm” trên một địa bàn núi rừng rộng lớn, nhiều người bảo như vậy là để cha nghỉ ngơi, bù lại khoảng thời gian vất vả trước đó, tuy nhiên từ trong thâm tâm cha thừa nhận: “Tôi thật sự vui và hạnh phúc vì đã ám sâu mùi chiên, mùi của nắng cháy, bùn lầy và mùi ‘đặc sản’ nơi những bản làng”.
ĐÌNH QUÝ
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc