Gương điển hình

Những ẩn ức về cái đẹp

Cập nhật lúc 10:02 05/07/2017
Nhà thơ Bế Kiến Quốc
Nhà thơ Bế Kiến Quốc
LGT: Nhà thơ Bế Kiến Quốc (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh ngày 19/5/1949 tại Nam Định; mất ngày 25/6/2002 tại Hà Nội vì mắc bệnh hiểm nghèo. Trước khi mất ông từngg là biên tập viên rồi Trưởng ban Thơ, Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ và Tổng biên tập báo Người Hà Nội.
Tác phẩm của Bế Kiến Quốc ngoài hai tập thơ thiếu nhi là 4 tập thơ: Cuối rễ đầu cành (1994); Mãi mãi ngày đầu tiên (20023); Đất hứa (2003) và Tuyển tập thơ Bế Kiến Quốc (2014).
Bế Kiến Quốc đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012; trước đó ông đã từng nhận các giải thưởng: Giải B cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969 cho chùm thơ Những dòng sông, Giải A của Hội Nhà văn Hà Nội cùng Giải A của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 2002) cho tác phẩm Mãi mãi ngày đầu tiên, cùng nhiều giải thưởng văn học và báo chí khác.
Bài viết của tác giả Phạm Hồ Thu: "Bế Kiến quốc - Những ẩn ức về cái đẹp" góp một góc nhìn về thơ Bế Kiến Quốc - một nhà thơ được nhiều bạn đọc yêu mến...
T.S.


Tôi còn nhớ rất rõ, vào những năm tháng cuối cùng của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, trong một lần "lang thang" trên những trang sách, báo, tạp chí để tìm chép những câu thơ hay, những bài thơ hay (cách học của những học trò "làng văn" hồi đó), tôi đã "gặp" Bế Kiến Quốc lần đầu:
 
Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông
Rồi:
Em ta yêu có gì như dòng sông
Một nền xanh tràn xuống chảy theo dòng...
 
Đấy, Bế Kiến Quốc đấy! Chẳng có gì, một câu thơ thật giản dị, sao gõ vào trái tim ta một điều gì đó, và ta nhớ... Tôi còn nhớ: đó là một bài thơ in trên một tập san "lưu hành nội bộ" dành cho sinh viên Khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những tập san in rônêô, có màu giấy đen xỉn, nhưng được truyền tay cho rất nhiều sinh viên đọc. Ở những tập san có màu giấy đen xỉn ấy, sau này tôi còn gặp những Pon Elua, Pôn Véclen, Apôline, Êxênhin, Onga Bécgon hay nhà viết kịch Ácbudốp...

Sau này, tôi "gặp lại" bài thơ của Bế Kiến Quốc trong chùm thơ dự thi của tuần báo Văn nghệ. Bế Kiến Quốc đã giành giải Nhì trong cuộc thi rất danh giá ấy - một cuộc thi thơ mà sau này lưu danh rất nhiều nhà thơ nổi tiếng của thế hệ thơ chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Phan Thị Thanh Nhàn, Vương Anh... Lúc ấy, Bế Kiến Quốc đang là sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp, khoảng 20-21 tuổi. Anh trẻ nhất trong số những tác giả lên nhận giải.

Cũng có thể nói thêm rằng: Thế hệ chúng tôi hồi ấy, cả người viết lẫn người đọc, người yêu văn chương, phần lớn sáng trong, đầy nhiệt huyết và đặc biệt là hay mơ mộng. Cuộc chiến tranh chống Mỹ lúc ấy đang vào thời kỳ ác liệt. Rất nhiều người cầm bút lên đường. Nếu nói về những nhà thơ viết về chiến tranh, thổi bùng lên những ngọn lửa nhiệt huyết hay mơ mộng lúc ấy phải nói đến một Phạm Tiến Duật với Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Lửa đèn; một Bằng Việt với những Tình yêu và báo động, Nhớ lại Pautốpxki; một Lưu Quang Vũ với Phố huyện, Vườn trong phố, một Xuân Quỳnh với Gió Lào cát trắng, Thuyền và biển v.v.... Thỉnh thoảng có gặp tác giả. Những dòng sông trên báo nhưng hình như anh không cùng nhịp điệu với những bài thơ hào sảng tha thiết nói về chiến tranh, những sự tích anh hùng hay cuộc chiến đấu dựng xây đất nước sau chiến tranh rất phổ biến hồi ấy...
 
Không dưng lòng chợt tơi bời
Bốn bề tịnh vắng chẳng người tri âm...
Không dưng lòng chợt nhói đau
Sóng xô trắng xóa bãi dâu thuở nào...
(Không dưng, viết 1991)
 
Và trong bài Chợt nghĩ: Chợt nghe trong đêm/ Tiếng ai gọi... có thể có một người đang lạc đường trơ trọi/ Có thể có điều gì đe dọa một cô gái/ Có thể có kẻ nào khảo tra một trẻ thơ vô tội/ Hoặc có ai đang gặp điều oan trái/ Khóc - nước mắt âm thầm cầu gọi/ Ai cứu tôi/ Ai giúp tôi/ Ai thương tôi với..". Hay bài thơ anh viết cho con chó yêu của mình - bài Thơ cho Lou: Đôi khi suốt buổi chiều ngồi nhìn vào mắt Lou/ tìm thấy niềm cảm thông/ Mắt Lou buồn thật buồn/ Thương con người cứ phải làm con người.....

Có điều gì xảy ra ở đây nhỉ? Tôi đã đọc thật kỹ tập thơ Cuối rễ đầu cành của Bế Kiến Quốc - tập thơ riêng đầu tiên của anh (không tính hai tập thơ viết cho thiếu nhi trước đó), xuất bản năm 1994, 25 năm sau chùm thơ anh được giải thưởng, tuyệt nhiên không thấy nhà thơ có một giọng điệu nào hào sảng hay sự "thương vay khóc mướn" nào đó. Cả tập thơ là một điệu tâm tình - tâm tình về tình yêu, tình bạn, tình mẹ, tình cha con. Tâm tình về lẽ sống ở đời, về sự sống hay cái chết. Đặc biệt là những tâm tình của một kẻ "đứng về phe nước mắt", bênh vực và tỏ bày nồng nàn về tình yêu với cái đẹp. Bài Thành Chương vẽ là một ví dụ: Như chùm ớt treo lửng lơ bờ giậu/ Càng đắng cay càng tự chín trong vườn/ Thành Chương vẽ/ Vẽ và đang cất giấu/ Từng mảnh rời tuyệt mỹ của nhân gian/... Thành Chương vẽ/ Vẽ- và đang cầu nguyện/ Cho phục nguyên Thế Giới tả tơi này... (bài viết tháng 10/1993). Tất nhiên chẳng ai nghĩ đây là một bài thơ đơn thuần ngợi ca tình bạn. Mà ở đây là sự liên tài giữa hai tâm hồn nghệ sỹ, sự liên minh cùng nguyện cầu, cùng tuyên ngôn chống lại cái xấu và cái ác, cái tầm thường...
 
PHẠM HỒ THU
(còn nữa)
Thông tin khác:
Nguyễn Vĩnh Long - "Ông dân vận" được dân mến yêu giữa đại ngàn (03/07/2017)
Từ bỏ cuộc sống giàu sang, cựu ngôi sao Manchester United chính thức trở thành… linh mục (30/06/2017)
Tài sáng chế của người nông dân Công giáo (29/06/2017)
Thánh Gioan Bosco (27/06/2017)
"Chúa muốn - Con muốn" (26/06/2017)
Nhớ người phóng viên bám biển (23/06/2017)
Nguyễn Văn Tân - Người cán bộ Mặt trận của nhân dân (23/06/2017)
Nữ đan sĩ nhận bằng Tiến sĩ ngành kỹ thuật hàng không (22/06/2017)
Bà Cố có 4 người con là Linh Mục (22/06/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log